Chủ tịch VCCI: Doanh nhân trẻ hãy sẵn sàng ra biển lớn
(DNTO) - Trải qua những đợt "càn quét" khốc liệt của Covid-19, đội ngũ doanh nhân đã thể hiện tinh thần “người lính" trên mặt trận kinh tế khi căng mình vượt sóng dữ, thích ứng đầy sáng tạo và cống hiến cho cộng đồng, xứng đáng với vai trò rường cột trong công cuộc phát triển đất nước.
Qua thời gian, đội ngũ doanh nhân ngày càng hoàn thiện về chất và lượng, hình thành nhiều tên tuổi đủ tầm vóc, thương hiệu trên thị trường.
Tiến tới Đại hội Hội Doanh nhân trẻ (DNT) Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2022 - 2025, Tạp chí Doanh Nhân Trẻ đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam khóa I, II, về những đóng góp cũng như kỳ vọng vào thế hệ doanh nhân 4.0 sẽ thay đổi diện mạo nền kinh tế Việt Nam.
Phóng viên: Từng gắn bó với cộng đồng doanh nghiệp, ông đánh giá như thế nào về những đóng góp của các doanh nhân, đặc biệt là những doanh nhân trẻ đối với nền kinh tế trong giai đoạn khủng hoảng?
Ông Phạm Tấn Công: Tôi cho rằng, sáng kiến, sáng tạo, trí tuệ, nhiệt huyết đến say mê của tập thể những người tham gia tổ chức Hội chính là sức mạnh tiềm ẩn của phong trào DNT Việt Nam ngay từ những ngày mới thai nghén cho đến nay.
Đặc biệt, vào những thời điểm cam go nhất của cuộc chiến chống dịch, chính là lúc cộng đồng doanh nghiệp nhận thức rõ hơn bao giờ hết về năng lực chống chịu và định hướng phát triển bền vững. Tạc sâu vào tâm trí chúng ta là hình ảnh các doanh nhân trên tuyến đầu chống dịch với những mô hình sáng tạo như các ATM đã dệt nên những câu chuyện lay động lòng người, là những nghĩa cử cao đẹp, thiết thực rất đáng được tôn vinh và lan tỏa.
Để Hội DNT Việt Nam tiếp tục có những bước phát triển bền vững, theo ông, sắp tới hội nên hướng đến những hoạt động gì và cần phát huy như thế nào?
Để hội ngày càng lớn mạnh, các hoạt động sắp tới cần tăng cường xúc tiến thương mại, đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ hỗ trợ hội viên nhằm thích ứng với tình hình mới của hậu Covid-19. Cùng với đó, xây dựng thương hiệu doanh nghiệp và tôn vinh DNT tiêu biểu với các hoạt động an sinh – xã hội gắn trách nhiệm với cộng đồng.
Tôi cho rằng, với việc triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp sẽ là đòn bẩy cho các thành viên của hội bắt nhịp xu hướng phát triển, nâng cao khả năng cạnh tranh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Để Hội DNT Việt Nam có những bước chuyển mình bền vững, trong thời gian tới, VCCI có những chương trình hỗ trợ, hợp tác như thế nào, thưa ông?
Để dẫn dắt, hỗ trợ Hội DNT Việt Nam, thời gian tới, VCCI sẽ tổ chức nhiều hoạt động phát triển và kết nối hệ thống các hiệp hội doanh nghiệp, tăng cường liên kết vùng và hợp tác với chính quyền địa phương trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời, giúp doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số, thúc đẩy xây dựng văn hoá kinh doanh, tạo bệ phóng cho các hiệp hội doanh nghiệp trở nên vững mạnh.
Đặc biệt, phát huy những thế mạnh của mình trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, cải thiện môi trường kinh doanh tạo đà cho doanh nghiệp bứt phá.
Về lâu dài, ngoài câu chuyện hỗ trợ vốn, theo ông, Chính phủ cần có chính sách dài hơi gì để giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển? Mỗi DNT phải làm gì để đáp ứng thời kỳ hội nhập đổi mới?
Đối với doanh nghiệp, “một cơ chế tốt đáng giá hơn mọi sự ưu đãi”, do đó, để mạnh lên và phát triển bền vững thì cải cách thể chế là số một. Tôi rất tâm đắc với phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Đại hội VCCI vừa qua: "Không chỉ sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp nước ta phải cạnh tranh được với các nước khác, mà chất lượng pháp luật, thủ tục hành chính, sự chuyên nghiệp của bộ máy chính quyền các cấp của chúng ta cũng phải cạnh tranh được với các quốc gia khác".
Đối với các DNT, cần chủ động nâng cao năng lực bản thân, đổi mới sáng tạo, nhanh chóng số hóa để bắt nhịp thời cuộc. Xu hướng hiện nay, dù lĩnh vực đầu tư nào cũng gắn với ba từ “xanh – thông minh – nhân văn/văn hoá“. Đây là xu thế, là sân chơi, cách kiếm tiền, lợi nhuận và ý thức cần được chú trọng.
Trong kỳ họp Quốc hội đầu tháng 1 vừa qua cũng đã thông qua "Nghị quyết về Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội". Ông kỳ vọng như thế nào vào những đóng góp của Hội DNT đối với nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới?
Bước vào nền kinh tế mở, vai trò và bản lĩnh của doanh nhân Việt Nam lại càng to lớn hơn. Chính họ là nhân tố quan trọng góp phần tạo dấu ấn, nâng cao vị thế, làm thay đổi diện mạo kinh tế Việt Nam.
Phát triển bền vững, kinh doanh sáng tạo và có trách nhiệm sẽ tạo nên một thế hệ DNT mới - thế hệ doanh nghiệp 4.0. Chúng ta đã sẵn sàng để bước lên con tàu này. Hãy trao cho họ cơ hội để thổi bùng hoài bão lớn.
Tôi tin rằng, với lợi thế sức trẻ, khát khao cháy bỏng được khẳng định bản thân, và cống hiến nhiều hơn nữa cho cộng đồng, xã hội, thành quả mà thế hệ DNT đạt được hôm nay cho chúng ta ấp ủ niềm hy vọng về một thế hệ doanh nhân mang tầm vóc Việt, sẵn sàng "vượt sóng dữ" vươn mình ra biển lớn.
Xin cảm ơn ông.
Sức sống của Hội DNT Việt Nam luôn bắt nguồn từ sự tâm huyết và sáng tạo của các hội viên, đặc biệt là các thủ lĩnh - những người coi hội như một phần cuộc sống. Hội chỉ mạnh khi nào khơi dậy được điều đó. Nếu không làm được như vậy, hội sẽ dễ lâm vào tình trạng như nhiều tổ chức xã hội khác, bị hành chính hóa, nguội lạnh và khô cứng.