Chủ tịch HĐQT Intech Group: Cần khơi thông chính sách để thúc đẩy doanh nghiệp ‘xanh hoá’
(DNTO) - Doanh nghiệp vẫn còn dè dặt và chưa thực sự đầu tư chuyển đổi sang năng lượng xanh. Các khó khăn về vốn chỉ là một phần, “phần lớn vướng mắc đến từ chính sách". Theo đó, các doanh nghiệp ngành năng lượng xanh rất mong chính sách được khơi thông để yên tâm đầu tư sản xuất…
Bên lề Hội thảo “Xanh hóa năng lượng trong sản xuất với giải pháp bền vững cho tương lai”, diễn ra mới đây, Tạp chí Doanh Nhân Trẻ đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Hữu Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Kỹ thuật và Công nghiệp Việt Nam (Intech Group), về việc phát triển năng lượng xanh và cơ hội để các doanh nghiệp Việt có thể bứt phá trong lĩnh vực đầy tiềm năng này.
PV: Tại cuộc họp rà soát, cho ý kiến hoàn thiện dự thảo nghị định về điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (ngày 13/8), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng dư địa phát triển điện mặt trời mái nhà ở miền Bắc còn nhiều, và cần có chính sách khuyến khích đầu tư, quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
Ông Nguyễn Hữu Thắng, Chủ tịch HĐQT Intech Group: Tôi đánh giá đây là một chính sách tuyệt vời và chính là mấu chốt của vấn đề. Trước đây, khi chưa có chính sách này đã phần nào hạn chế sự phát triển của việc lắp đặt điện mặt trời. Chính sách khuyến khích mua lại 20% điện của các doanh nghiệp, các dự án điện mặt trời áp mái sẽ giúp doanh nghiệp mạnh tay đầu tư hơn và đồng thời giảm lãng phí. Bởi các doanh nghiệp có lắp nhưng cũng có khi dư thừa 10-20%, dùng không hết mà lại bán được cho EVN và EVN phân phối đến một số vùng, nơi khác...
Tôi cho rằng việc khuyến khích mua lại 20% điện dư thừa của các doanh nghiệp có điện mặt trời áp mái sẽ làm cho các doanh nghiệp mạnh tay đầu tư hơn, đồng thời cũng giảm lãng phí cho các doanh nghiệp. Vấn đề chỉ là cần có quy định rõ ràng hơn về đấu nối vào hệ thống, nhất là các thủ tục phải đơn giản, ngắn gọn hơn.
PV: Hiện những doanh nghiệp ngành năng lượng xanh đang gặp phải khó khăn gì, thưa ông?
- Trên góc độ một doanh nghiệp tư nhân đang trong quá trình chuyển đổi xanh và cung cấp các giải pháp chuyển đổi sang năng lượng mặt trời cho doanh nghiệp, tôi cho rằng những khó khăn về vốn chỉ là một phần, phần lớn vướng mắc đến từ chính sách. Về câu chuyện tài chính thì thực ra rất nhiều doanh nghiệp bây giờ đang tự chủ, đã lo được và có khả năng đầu tư, sẵn sàng tham gia, nhưng chính sách phải được khơi thông rõ ràng.
Thực tế trong quá trình hoạt động, khi tư vấn, triển khai dự án cho đối tác, khách hàng của Intech, việc xin đấu nối, cấp phép triển khai dự án còn chậm, dẫn tới các dự án bị trễ 1-3 tháng, thậm chí nhiều hơn, dẫn tới kéo dài thời gian thi công, đội vốn, khó khăn cho doanh nghiệp.
Do đó, điều doanh nghiệp cần bây giờ là có chính sách cụ thể, rõ ràng, đồng bộ giữa các tỉnh, thành. Doanh nghiệp đã đáp ứng được các tiêu chí, tiêu chuẩn thì cần cho đấu nối lên hệ thống lưới điện để việc triển khai dự án được thuận lợi hơn. Các thủ tục để hoàn thành cũng cần đơn giản, gọn nhẹ, nhưng vẫn phải nằm dưới sự quản lý của Nhà nước. Thời gian giải quyết cần rút ngắn, khẩn trương, để các dự án đã được triển khai sớm đưa vào hoạt động. Tiền chậm ngày nào thì thiệt hại cho doanh nghiệp ngày đó...
PV: Ông hình dung ra sao về các doanh nghiệp xanh tại Việt Nam, trong đó có Intech Group trong 5-10 năm nữa?
- Tôi cho rằng doanh nghiệp xanh sẽ phát triển mạnh, vì đó là xu hướng tất yếu, vì Chính phủ đã vào cuộc, các doanh nghiêp, người dân cũng vậy. Thế giới đang nỗ lực việc đó, Việt Nam phải chung tay.
Còn đối với Intech Group chúng tôi, đây là lĩnh vực mũi nhọn, chúng tôi tập trung mạnh trong thời gian tới. Dù là đơn vị tham gia chưa quá dài, sau đó lại gặp khó khăn về chính sách, đại dịch, nhưng đến giờ chúng tôi có niềm tin, và đang đầu tư mạnh mẽ vào mảng này.
Việc chuyển dịch sang năng lượng tái tạo còn gặp nhiều khó khăn, nhất là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bởi đòi hỏi khoản đầu tư lớn. Do đó, doanh nghiệp vẫn còn dè dặt và chưa thực sự đầu tư vào lĩnh vực này. Nhưng tôi tin rằng với sự phát triển như hiện nay, chỉ cần 1-3 năm nữa là công nghệ sẽ thay đổi rất nhiều, dẫn đến chi phí, giá thành đầu tư cho các thiết bị lưu trữ cũng giảm, từ đó đầu tư sẽ hiệu quả hơn.
Theo tính toán của Intech, nếu doanh nghiệp đầu tư cho năng lượng tái tạo, ở miền Bắc sẽ mất khoảng 5 năm là hòa vốn, còn miền Nam, miền Trung, thì chỉ khoảng 4 năm. Trong tương lai khi công nghệ thay đổi giúp giảm chi phí đầu tư thì thời gian hoàn vốn còn nhanh hơn nữa.
Không phải nhiều doanh nghiệp dám làm như Intech Group. Chúng tôi đã làm là phải đến nơi đến chốn, và đó là hành động cụ thể của chúng tôi. Chúng tôi làm với mục đích kêu gọi mọi người cùng chung tay, cùng chung sức mạnh, các doanh nghiệp không xung đột lợi ích, mà cộng hưởng lợi ích, cùng nhau phát triển...
Với khát khao trở thành đơn vị hàng đầu kiến tạo nền công nghiệp xanh, Intech Group đã bước ra khỏi “vùng an toàn” để phát triển những sản phẩm năng lượng tái tạo mang tính đột phá, khác biệt, dựa trên giá trị cốt lõi là đảm bảo lợi ích của khách hàng và cam kết kiến tạo các sản phẩm có chất lượng đạt chuẩn xanh - sạch - bền vững.
Intech Group luôn nỗ lực hết mình, làm với sứ mệnh và niềm đam mê, và chúng tôi mong tất cả các doanh nghiệp 'xanh' tại Việt Nam đều chung tay. Vẫn biết đó là việc không đơn giản, nhưng tôi tin với quyêt tâm, chúng tôi sẽ vượt qua mọi khó khăn, và mục tiêu sẽ dần thành hiện thực.
Hiện nay, Intech Group sở hữu 2 nhà máy sản xuất chuyên nghiệp tại Hà Nội và TP.HCM, với diện tích gần 10.000 m2 cùng máy móc hiện đại, hệ thống quản trị tiên tiến, chất lượng sản phẩm cao.
Từng bước khẳng định vị thế, sau gần 13 năm, Intech Group đã trở thành tập đoàn lớn, một hệ sinh thái với nhiều công ty con hoạt động chuyên sâu trong các lĩnh vực cơ khí, tự động hóa, công nghệ và năng lượng, quy mô gần 400 nhân sự, tốc độ tăng trưởng doanh thu đạt 50 - 100% mỗi năm. Intech Group có tệp khách hàng lớn, xuất hàng đi nhiều nơi trên thế giới, đặt tham vọng chinh phục cả thị trường khó tính như Mỹ, EU.