Chồng chất khó khăn ở các nhà máy điện khí
(DNTO) - Trong 13 nhà máy điện khí LNG được phê duyệt, hiện vẫn có 3 dự án chưa có nhà đầu tư. Các dự án còn lại cũng tồn tại những thách thức, khó khăn vướng mắc.
Vướng mắc từ nhiều phía
Hiện nay, Việt Nam có 13 dự án điện LNG đã được Thủ tướng phê duyệt trong danh mục các dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện tại Quyết định 500. Theo đó, tới năm 2030 sẽ có 22.400 MW điện khí LNG, chiếm 14,9% tổng nguồn điện của cả nước với năng lực sản xuất 83 tỷ kWh.
Các dự án điện khí có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia, bởi đây là nguồn điện nền, linh hoạt, có phát thải thấp, phù hợp với lộ trình chuyển dịch năng lượng và mục tiêu phấn đấu của Việt Nam đạt trung hoà carbon vào năm 2050.
Chia sẻ tại Diễn đàn Chuỗi phân phối LNG toàn cầu và vị thế của Việt Nam, chuyên gia cho biết trong quá trình thực hiện các dự án nhà máy nhiệt điện khí trọng điểm đang tồn tại những thách thức, khó khăn vướng mắc chính cần tháo gỡ.
Ông Lã Hồng Kỳ- Văn phòng Ban Chỉ đạo Nhà nước các dự án ngành năng lượng, chỉ rõ các vướng mắc chủ yếu liên quan đến địa phương và các chủ đầu tư.
Ở góc độ địa phương, một số tỉnh chưa tiến hành lựa chọn được nhà đầu tư (Thanh Hóa, Nghệ An và Ninh Thuận) do còn lúng túng, chậm trễ trong công tác phê duyệt chủ trương đầu tư, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Một khó khăn muôn thuở khác là công tác giải phóng mặt bằng, điều chỉnh quy hoạch cục bộ, công tác bàn giao đất, cho thuê đất đối với dự án nguồn và tuyến đường dây đấu nối đồng bộ để giải tỏa công suất cho các dự án.
“Hiện trong quy hoạch và kế hoạch thực hiện quy hoạch, một số đường dây đấu nối đồng bộ để giải tỏa công suất cho các dự án nhà máy điện lớn chưa được giao chủ đầu tư, ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện các dự án đường dây và việc đàm phán các thỏa thuận đấu nối giải tỏa công suất cho một số dự án điện khí”, ông Kỳ cho biết.
Ở phía nhà đầu tư đã được giao dự án đều gặp khó khăn, vướng mắc trong thu xếp vốn vay do phải đáp ứng các yêu cầu của tổ chức tín dụng. Ví dụ các dự án điện khí hiện nay, trừ dự án Nhơn Trạch 3 & 4, đều đang sử dụng hợp đồng mua bán điện (PPA) của dự án để đi thu xếp toàn bộ vốn vay cho dự án. Tuy nhiên, hiện chưa có dự án điện khí nào hoàn thành việc đàm phán, ký kết hợp đồng PPA với EVN.
Nguyên nhân là do còn một số vướng mắc liên quan đến sản lượng Qc dài hạn ổn định hoặc chuyển ngang cam kết sản lượng mua khí từ Hợp đồng mua khí sang hợp đồng mua điện; vấn đề chuyển ngang giá khí sang giá điện.
Ngoài ra các chủ đầu tư nước ngoài còn yêu cầu thêm bảo lãnh của Chính phủ như: bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ, bảo lãnh thanh toán và bảo lãnh chấm dứt hợp đồng của EVN, bảo lãnh rủi ro tiến độ đường dây truyền tải điện….
Đối với các chuỗi dự án khí cần đòi hỏi tính đồng bộ cả về kỹ thuật và hiệu quả đầu tư của từng dự án thành phần, tính hiệu quả của từng dự án thành phần phụ thuộc vào nhiều yếu tố, khó lường trước, gây tâm lý e ngại cho các nhà đầu tư;
“Các dự án này thường có thời gian thực hiện kéo dài, do nhiều chủ đầu tư khác nhau (bao gồm cả chủ đầu tư nước ngoài) thực hiện, chịu sự điều chỉnh của nhiều bộ luật liên quan. Vì vậy, trong quá trình triển khai khó lường hết được những vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ tổng thể của cả chuỗi dự án”, ông Kỳ cho biết.
Cần chính sách giá điện LNG ổn định
TS. Nguyễn Thành Sơn – Chuyên gia tư vấn độc lập về năng lượng, lưu ý một vấn đề quan trọng là khi phát triển dự án điện LNG cần cân đối với các dự án điện gió ngoài khơi
Bởi lẽ ở Việt Nam, điện LNG chỉ có thể bền vững và có hiệu quả nếu được phát triển cân đối với các nguồn điện khác. Nếu không cân đối với các nguồn khác, đặc biệt là nguồn điện gió ngoài khơi, thì điện LNG sẽ không thể đóng “diễn viên chính”- chạy nền trong hệ thống điện, mà phải chuyển sang “vai hề”- chỉ chạy phủ đỉnh.
“Nếu chỉ đóng vai “hề”, tức hệ số huy động công suất của các dự án điện LNG dưới 50% thì giá thành (chi phí phát) điện sẽ rất cao, không có chủ đầu tư nào hoàn được vốn”, ông Sơn lưu ý.
Để thu hút đầu tư vào các nhà máy điện khí LNG, ThS. Nguyễn Đức Tùng, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương cho rằng Chính phủ cần sớm ban hành kế hoạch cam kết tổng sản lượng điện mua hàng năm và bao tiêu sản lượng khí hàng năm. Đây là cơ sở để các ngân hàng xem xét cấp tín dụng, giúp dự án mua được nguồn LNG giá tốt thông qua hợp đồng mua LNG dài hạn.
Ngoài ra cần cghiên cứu và ban hành cơ chế chuyển ngang giá LNG (bao gồm cả cước phí vận chuyển, cước phí tồn trữ, tái hóa, phí phân phối và các chi phí hợp lệ khác) trong các hợp đồng mua bán LNG sang giá điện của các dự án điện khí LNG trong hợp đồng mua bán điện. Thực hiện rà soát và điều chỉnh các cơ chế mua bán điện khí LNG, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.
“Việc đảm bảo một chính sách giá điện LNG ổn định và hợp lý sẽ khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, đồng thời đảm bảo lợi ích của các bên liên quan”, ông Tùng cho biết.