Chiến lược nào cho ngành chăn nuôi để giá trị xuất khẩu 'cán đích' 1 tỷ USD?

(DNTO) - "Tôi tin nếu thực hiện tốt chiến lược chăn nuôi, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chúng ta sẽ có sản lượng và giá trị xuất khẩu vượt 1 tỷ USD", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh xây dựng mã định danh với vùng chăn nuôi, thúc đẩy liên kết chuỗi giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, hộ nông dân. Ảnh: TL.
Ngành chăn nuôi có những khởi sắc trong xuất khẩu
Theo số liệu từ Bộ NN&PTNT, 9 tháng đầu năm 2021 xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 294,4 triệu USD, tăng 15,2% so cùng kỳ 2020.
Về mặt hàng, xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 87 triệu USD, là mặt hàng chăn nuôi xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất, tăng 20,9% so cùng kỳ 2020. Nhóm thị trường xuất khẩu tăng gồm Iraq, Campuchia, Philippines.
Xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt đạt 76 triệu USD, tăng 18,2% so cùng kỳ 2020. Thịt lợn là mặt hàng thịt xuất khẩu lớn nhất, đạt 22,8 triệu USD, tăng 32,6% so cùng kỳ 2020.
Thịt gia cầm đứng thứ ba với 15,2 triệu USD kim ngạch, tăng 11,6%; trước đây thịt gà chế biến chỉ xuất khẩu sang Nhật Bản, nay đã xuất sang được 7 nước, gồm cả một số nước Châu Âu
Đối với mặt hàng mật ong, xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2021 đạt 83 triệu USD, tăng 65,2% so với cùng kỳ 2020, trong đó, 91% xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.
Xuất khẩu mặt hàng tơ tằm đạt 46 triệu USD, chiếm 13,9% thị phần xuất khẩu, tăng 87,1% so với cùng kỳ 2020. Ấn Độ là thị trường chủ yếu, chiếm 90% thị phần. Đây cũng là thị trường chiếm 90% kim ngạch xuất khẩu da và lông vũ của Việt Nam. Xuất khẩu trứng các loại cũng có sự tăng trưởng.
Tuy nhiên, bên cạnh tín hiệu tích cực là xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi thời gian qua đã tăng trưởng bất chấp ảnh hưởng bởi Covid-19, song ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định, việc đa dạng thị trường xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi còn khiêm tốn.
Nguyên nhân do còn thiếu các cơ sở an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) nói chung và các nước nhập khẩu nói riêng nên chưa có nhiều thị trường xuất khẩu và diện mặt hàng xuất khẩu mở cửa được, bao gồm các mặt hàng chủ yếu trong nhóm sản phẩm chăn nuôi chủ lực như thịt, trứng.
Mặt khác, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên khâu lưu thông quốc tế bị ách tắc, các chi phí xuất khẩu tăng, đặc biệt là chi phí vận tải quốc tế. Tình trạng thiếu nhân lực, tăng chi phí sản xuất trong nước… cũng ảnh hưởng trực tiếp tới lĩnh vực sản xuất chăn nuôi phục vụ xuất khẩu.
Để sản lượng và giá trị xuất khẩu chăn nuôi cán đích 1 tỷ USD
Tại Diễn đàn "Kết nối giao thương về sản phẩm chăn nuôi”, ngày 30/10, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam (hệ thống siêu thị Nutri Mart) cho rằng, các doanh nghiệp chế biến sản phẩm chăn nuôi cần đa dạng nguồn sản phẩm, chẳng hạn chế biến khoảng 10.000 món ăn khác nhau từ thịt. Bên cạnh đó, đảm bảo chất lượng và minh bạch nguồn gốc xuất xứ, giúp nâng cao đẳng cấp, thương hiệu của chăn nuôi nước nhà.
“Đây là hướng đi mà Nutri Mart tiên phong, và có dư địa đưa ra nước ngoài như châu Âu, UAE, Trung Quốc”, bà Hằng nhấn mạnh.
Ông Lưu Sơn Thuỷ, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sơn Thủy Hà cho hay: "Chúng tôi mong Bộ NN&PTNT tạo điều kiện để các doanh nghiệp được nhập bò từ nhiều nước khác nhau nhằm tăng quy mô chăn nuôi. Đồng thời, mong được tạo điều kiện về quỹ đất để sản xuất con giống, từ con giống doanh nghiệp sẽ nuôi vỗ để nâng cao hiệu quả”.
Nêu kiến nghị của mình, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng, Bộ NN&PTNT xây dựng các vùng chăn nuôi công nghiệp, các cơ sở an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của OIE là yếu tố tiên quyết trong xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh hơn nữa việc áp dụng khoa học kỹ thuật, giúp giảm thiểu chi phí xử lý các vấn đề môi trường. Đồng thời kêu gọi sự vào cuộc của Bộ Công thương, giúp kích hoạt thêm các kênh phân phối ra thị trường xuất khẩu.
Đưa thêm giải pháp, ông Phạm Văn Bông, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Bình Dương cho rằng, cần có thêm hỗ trợ về chính sách và hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các khu giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi để phục vụ xuất khẩu. Từ đó, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai chủ trương phát triển chăn nuôi tập trung để phát triển tốt về quy mô và đảm bảo được cả vấn đề môi trường trong chăn nuôi.
“Bình Dương cũng mong muốn các cấp, ngành quan tâm đến vấn đề quản lý thị trường để kiểm tra về giá nguyên liệu đầu vào, đảm bảo duy trì ổn định chuỗi cung ứng chăn nuôi của tỉnh”, ông Phạm Văn Bông kiến nghị.
Trước các kiến nghị và đề xuất trên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, cần có một chiến lược xuất khẩu, ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh xây dựng mã định danh với vùng chăn nuôi, thúc đẩy liên kết chuỗi giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, hộ nông dân...
Cũng theo ông Tiến, trong chiến lược phát triển chăn nuôi tại Quyết định 1520, Bộ NN&PTNT đang hoàn thiện 5 đề án để có không gian, đường truyền và nguồn lực cho phát triển chăn nuôi bền vững, vừa đảm bảo cung cấp trong nước, vừa đảm bảo xuất khẩu.
“Việt Nam trong những năm gần đây có rất nhiều doanh nghiệp đầu tư hàng tỷ USD vào chuỗi các sản phẩm chăn nuôi và đã đi vào hoạt động. Ví dụ Công ty C.P đã hoạt động dây chuyền giết mổ 250 triệu USD, sắp tới đây nếu đoàn chuyên gia Nhật Bản sang Việt Nam để thẩm định được điều kiện xuất khẩu thì chắc chắn lượng xuất khẩu sẽ rất lớn”, thứ trưởng nói.
"Bên cạnh đó, thị trường Hàn Quốc đã nhập thịt của ta tại 2 nhà máy của Masan ở Hà Nam và Long An. Do vậy, đánh giá Việt Nam là "bếp ăn" của thế giới là có tính khả thi và chúng ta sẽ hướng tới xuất thịt đi nhiều thị trường.
Tôi tin nếu thực hiện tốt chiến lược chăn nuôi, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chúng ta sẽ có sản lượng và giá trị xuất khẩu vượt 1 tỷ USD", ông Tiến nhận định.