Đẩy mạnh cải cách thể chế để giảm chi phí thực thi của doanh nghiệp

(DNTO) - Đối với các doanh nghiệp hiện nay, áp lực đang ngày càng lớn, nếu cải cách chỉ là “cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh” thì không đạt kết quả, mà phải đột phá, phải cải cách mạnh mẽ...
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp 2025: "Trợ lực cho doanh nghiệp vượt thách thức, nâng cao năng lực cạnh tranh", diễn ra chiều 17/4 mới đây, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, hiện nay kinh tế thế giới đối mặt với rất nhiều rủi ro, thách thức, đặc biệt là căng thẳng địa chính trị, chiến tranh thương mại - công nghệ, bảo hộ thương mại gia tăng, khiến giá cả hàng hóa, lạm phát tăng trở lại, dòng chảy thương mại có nguy cơ gián đoạn, đứt gãy khiến tăng trưởng toàn cầu chậm lại.

Diễn đàn Doanh nghiệp 2025: Trợ lực cho doanh nghiệp vượt thách thức nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ở trong nước, số liệu từ Cục Thống kê, Bộ Tài chính cho thấy, tăng trưởng kinh tế quý I/2025 đạt 6,93%. Tính chung quý I/2025, cả nước có hơn 72,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có hơn 24,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Tuy vậy, theo khảo sát của VCCI trên quy mô toàn quốc cho thấy chỉ 32% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh trong 2 năm tiếp theo. Điều đó cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp nói chung vẫn còn quan ngại về những khó khăn, thách thức trong thời gian tới. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn chịu nhiều tác động bất lợi của bối cảnh khách quan, xung đột địa chính trị, đứt gẫy các chuỗi cung ứng, nguyên vật liệu đầu vào.
Bên cạnh những tác động từ tình hình thế giới, theo ông Phòng, các doanh nghiệp cũng còn gặp nhiều rào cản trong tiếp cận các nguồn lực, đặc biệt là vốn tín dụng, đất đai, tài nguyên và nhân lực chất lượng cao. Mặt khác, hệ thống pháp luật vẫn còn chồng chéo, môi trường kinh doanh còn trở ngại, thủ tục hành chính phức tạp, rườm rà dễ gây thêm chi phí và tiềm ẩn rủi ro cho hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp.
Chia sẻ về những khó khăn, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (HANOISME) phản ánh, các doanh nghiệp thành viên gặp nhiều vướng mắc về chính sách và thủ tục hành chính. Thủ tục còn rườm rà, chồng chéo, thiếu thống nhất giữa các địa phương, gây tốn thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Nhiều chính sách ưu đãi cũng thiếu nguồn lực cụ thể, mang tính ngắn hạn, thông tin chưa kịp thời và đầy đủ.
Ông Quốc Anh kiến nghị tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục; đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng cổng “một cửa”, minh bạch hóa quy trình và thống nhất đầu mối xử lý. Đồng thời, cần bảo đảm chính sách ổn định, nhất quán và có thể dự báo, đặc biệt trong các lĩnh vực thuế, phí, bảo hiểm xã hội... Bên cạnh đó, nên thiết lập cơ chế đối thoại thường niên giữa các bộ, ngành với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn.
Ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế tài chính của Quốc hội, cho rằng đây là thời điểm doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, bao gồm khó khăn từ thể chế và phi thể chế.

Ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế tài chính của Quốc hội.
Để trợ lực cho doanh nghiệp vượt thách thức, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hiện nay, các ý kiến nhận định cải cách thể chế kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp sẽ là những "chìa khóa" then chốt.
Tuy nhiên, ông Hiếu nhấn mạnh trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đang thay đổi, cải cách thể chế không phải chỉ làm một lần mà phải thường xuyên, liên tục. Và cải cách thể chế không chỉ hướng đến yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh như những giai đoạn trước, mà cần tạo những đột phá mạnh mẽ.
"Thể chế là công cụ duy nhất và cần thiết thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Tuy nhiên, nếu thể chế không tốt có nguy cơ gây ra 5 tác động ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bao gồm chi phí thủ tục hành chính, phí - lệ phí, chi phí đầu tư, chi phí cơ hội, chi phí không chính thức", ông Hiếu nêu.
Vì vậy, theo ông Hiếu, cải cách thể chế không chỉ là cắt giảm thủ tục hành chính mà còn là cắt giảm chi phí tuân thủ.
“Áp lực hiện nay với doanh nghiệp rất lớn và ngày càng lớn, nếu cải cách chỉ là “cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh” thì không đạt kết quả, mà phải đột phá, phải cải cách mạnh mẽ”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Ông Hiếu kiến nghị ưu tiên bãi bỏ các quy định, văn bản, nghị định không còn phù hợp thay vì sửa đổi. Về lâu dài cần một cơ chế bền vững hướng đến việc cải cách thể chế trở thành văn hóa lập pháp, hệ thống, không còn phụ thuộc vào cá nhân, tổ chức nào.
Ông cũng cho rằng, Chính phủ nên thành lập cơ quan chuyên môn giám sát và thúc đẩy cải cách thể chế có thẩm quyền.
Cùng với những nỗ lực của doanh nghiệp, theo các chuyên gia, để tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Đồng thời, cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp giảm gánh nặng chi phí, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ của nhà nước.