Trump nói ông không có kế hoạch sa thải Chủ tịch Fed Powell, thị trường chứng khoán tăng vọt

(DNTO) - Thị trường chứng khoán khởi sắc sau khi Trump bác bỏ việc muốn sa thải Chủ tịch Fed và báo hiệu một thoả thuận thuế quan nhẹ hơn với Trung Quốc đang tiến triển.

Chủ tịch Fed, Jerome Powell, gần đây thường bị đe doạ sa thải bởi Tổng thống Trump. Ảnh: Nikkei Asia
Thứ Ba (rạng sáng 23/4), Tổng thống Donald Trump đã rút lại lời đe dọa sa thải Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell sau nhiều ngày chỉ trích gay gắt giám đốc ngân hàng trung ương vì không cắt giảm lãi suất.
"Tôi không có ý định sa thải ông ấy", Trump nói với các phóng viên tại Phòng Bầu dục vào thứ Ba. "Tôi muốn thấy ông ấy tích cực hơn một chút về ý tưởng hạ lãi suất", ông nói thêm.
Lời bình “hạ nhiệt” đã nhận được sự ủng hộ ngay lập tức từ Phố Wall, khi chỉ số tương lai của cổ phiếu tăng gần 2% khi giao dịch được nối lại vào tối thứ Ba. Cổ phiếu, trái phiếu và đồng đô la Mỹ đều giảm vào thứ Hai trước đó sau khi ông Trump liên tục chỉ trích Powell vì không cắt giảm lãi suất thêm nữa kể từ khi Trump nhậm chức vào tháng 1.
Trong cùng một cuộc hỏi đáp với các phóng viên vào thứ Ba, Trump cũng bày tỏ sự lạc quan rằng một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc có thể "cắt giảm đáng kể" thuế quan, điều này cũng tạo động lực cho các nhà đầu tư. Ông cho biết một thỏa thuận đang được bàn thảo sẽ đưa ra mức thuế “không giống” với mức thuế hiện tại. Nhưng "sẽ không bằng không", ông nói thêm.
Sự kết hợp giữa việc chính sách thuế quan khắc nghiệt của Trump, kèm với những lời chỉ trích liên tục của ông đối với Powell và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã khiến các nhà đầu tư lo lắng và đẩy mạnh việc bán tháo tài sản của Hoa Kỳ, bao gồm cổ phiếu, trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ và đồng đô la.
Những lời chỉ trích của Trump thường đi kèm với những phát biểu mang tính đe dọa, chẳng hạn như bài đăng trên mạng xã hội tuần trước rằng việc sa thải Powell khỏi vị trí chủ tịch Fed "cần diễn ra sớm hơn nữa". Những lời đe dọa này đã làm bấn loạn các thị trường tài chính vốn coi sự độc lập của Fed là yếu tố quan trọng để củng cố uy tín của Ngân hàng trung ương Hoa Kỳ, nơi có ảnh hưởng nhất thế giới và là nền tảng của sự ổn định tài chính toàn cầu.
Tuy Trump có vẻ đã gác lại những lời đe dọa đó vào lúc này, nhưng những lời chỉ trích của ông đối với chính sách lãi suất của Fed vẫn còn gay gắt.
"Chúng tôi nghĩ rằng đây là thời điểm hoàn hảo để hạ lãi suất và chúng tôi muốn thấy chủ tịch Fed hạ lãi suất sớm hoặc đúng hạn, thay vì hạ muộn", Trump nói.
Sự khó chịu của Trump với Powell bắt nguồn từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông tại Nhà Trắng. Trump đã đưa Powell từ thành viên Hội đồng Thống đốc Fed lên làm người đứng đầu ngân hàng trung ương nhưng nhanh chóng cảm thấy khó chịu vì lãi suất liên tục tăng dưới sự giám sát của Powell. Trump công khai cân nhắc đến việc sa thải Powell, nhưng cuối cùng đã bị các cố vấn của ông can ngăn.
Vẫn không rõ ông Trump có thẩm quyền sa thải Jerome Powell hay không. Powell khẳng định rằng Đạo luật Dự trữ Liên bang năm 1913 sẽ không cho phép điều đó. Luật này chỉ ra rằng bảy thống đốc Fed, do Tổng thống bổ nhiệm và Thượng viện phê chuẩn theo nhiệm kỳ 14 năm, chỉ có thể bị cách chức vì "lý do" là có hành vi sai trái chứ không phải bất đồng chính sách.
Tuy nhiên, luật này không đề cập đến giới hạn xóa bỏ nhiệm kỳ bốn năm của chủ tịch Fed, một trong bảy thống đốc.
Những lời lẽ gay gắt của Trump xuất hiện cùng lúc với việc chính quyền của ông đang kiện lên toà án tối cao Hoa Kỳ, yêu cầu quyền sa thải các viên chức từ các ban và cơ quan liên bang độc lập khác. Những vụ việc này đang được theo dõi chặt chẽ bởi các nhà đầu tư.
Fed đã hạ lãi suất một phần trăm vào cuối năm ngoái xuống mức hiện tại là 4,25% - 4,5%, nhưng vẫn giữ nguyên lãi suất trong hai cuộc họp chính sách được triệu tập kể từ khi Trump trở lại Nhà Trắng. Cuộc họp thiết lập lãi suất tiếp theo của Fed sẽ diễn ra sau hai tuần nữa.
Các nhà hoạch định chính sách của Fed lo ngại rằng mức thuế quan mạnh tay mà Tổng thống Trump áp dụng từ đầu tháng 2 có thể làm bùng phát lại lạm phát, làm việc đạt mục tiêu 2% trở nên khó khăn hơn. Đồng thời, các nhà hoạch định chính sách lo ngại công việc của họ có thể sẽ trở nên phức tạp hơn nếu mức thuế quan làm chậm tăng trưởng và đẩy cao tình trạng thất nghiệp, cùng lúc gây áp lực lên lạm phát.
Thái độ hiện tại của Fed là chờ đợi và quan sát, mặc dù hầu hết các nhà hoạch định chính sách vẫn thấy một số đợt cắt giảm lãi suất có khả năng diễn ra vào cuối năm nay.
Cho đến nay, các chỉ số của nền kinh tế Hoa Kỳ, chẳng hạn như báo cáo việc làm và doanh số bán lẻ, đã cho thấy khả năng phục hồi, nhưng các cuộc khảo sát hộ gia đình và doanh nghiệp cho thấy sự tự tin đang suy giảm nhanh chóng. Sự đồng thuận hiện nay giữa các nhà kinh tế là rủi ro đang bị lệch về phía thuyên giảm do tác động của thuế quan chồng chất.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đã cắt giảm triển vọng tăng trưởng của cả Hoa Kỳ và toàn cầu trong năm nay, lấy lý do chính từ chính sách thuế quan của chính quyền Trump.