Thượng tá Công an kể chuyện làm báo ở Sài Gòn trước ngày giải phóng

(DNTO) - Tại miền Nam trước năm 1975, hầu hết các tờ nhật báo đều tập trung tại Sài Gòn với khoảng 50 tờ. Dù báo chí Sài Gòn thời điểm đó rất đa dạng, thậm chí phức tạp, nhưng nhìn chung, dòng thông tin chủ lưu vẫn là tình cảm dân tộc, mong muốn hòa bình, thống nhất đất nước.
Báo chí đối lập (công khai hoặc kín đáo) lại chiếm được diễn đàn thông tin. Có tờ đối lập công khai, chống đối chính quyền Sài Gòn quyết liệt như tờ nhật báo Tin Sáng của chủ nhiệm kiêm chủ bút Ngô Công Đức. Tờ Bút Thép do chủ bút Lê Hiền (Cao Minh Hựu) sáng lập ngày 8/8/1971 được xem là tờ đối lập chân chính.
Chủ bút Lê Hiền sinh năm 1932 trong gia đình có 7 anh em tại Cần Thơ. Các anh em trong gia đình của ông đều tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm, trong đó 3 người anh là liệt sĩ hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Năm 17 tuổi, Cao Minh Hựu là cán bộ Ban Quân báo Khu 9 có nhiệm vụ tập hợp thông tin về hoạt động của địch từ Rạch Giá, Hà Tiên. Sau hiệp định Geneve năm 1954, Cao Minh Hựu về công tác tại Ban Trí vận, Tỉnh ủy Cần Thơ. Hai năm sau, do yêu cầu công tác và tình hình chiến sự lúc bấy giờ, Cao Minh Hựu được lệnh chuyển vùng lên Sài Gòn hoạt động trong lĩnh vực báo chí. Trong vỏ bọc của ký giả, Cao Minh Hựu đã có cơ hội tiếp cận với nhiều nguồn tin quan trọng trong quần chúng nhân dân và giới cầm quyền chế độ Việt Nam Cộng hòa.
Bút Thép là một trong số những tờ nhật báo, ngoài việc phản ánh những vấn đề dân sinh, xã hội của người dân Sài Gòn dưới chế độ cầm quyền Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, Bút Thép còn mạnh dạn chỉ trích chế độ Nguyễn Văn Thiệu không hợp lòng dân, đàn áp học sinh, sinh viên, bắt bớ tù đày những người yêu nước… Tờ báo nổi tiếng giai đoạn 1971 – 1973 của làng báo Sài Gòn, gắn liền với tên tuổi của chủ bút Lê Hiền.
Cuộc đấu tranh của báo giới đối lập tại Sài Gòn ngày một mạnh mẽ, buộc chính quyền Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ký “sắc luật số 007” ngày 4/8/1972 thường gọi là “luật báo chí 007” khiến làng báo điêu đứng. Mấu chốt của luật 007 là phải “đóng tiền ký quỹ tại Tổng Nha ngân khố”, với số tiền là 20 triệu đồng (nhật báo) và 10 triệu đồng (tạp chí định kỳ).
Đây là tiền do chủ nhiệm hoặc chủ bút, hoặc quản lý đứng tên, dành để bảo đảm việc thanh toán các ngân hình, án phí và tiền bồi thường thiệt hại dân sự. Thời điểm này, vàng chỉ có giá 16.000 đồng/lượng nên số tiền ký quỹ là rất lớn.

Các ký giả xuống đường trong phong trào “ký giả ăn mày” năm 1974
Ngày 8/9/1974, một cuộc họp liên tịch đã được hội chủ báo tổ chức. Cuộc họp đã bầu ra Ủy ban đấu tranh đòi tự do báo chí do ông Nguyễn Văn Binh, dân biểu đối lập, làm chủ tịch. Nhiệm vụ trước hết của Ủy ban này là chống lại việc thi hành luật 007. Hình thức đấu tranh “ký giả xuống đường đi ăn mày” được thống nhất.
Ngày 10/10/1974 với bị gậy, nón lá và khẩu hiệu mang trên ngực, những người làm báo, dân biểu và một số thành phần khác đã tập hợp tại số 15 đường Lê Lợi. Sau khi ký giả Nguyễn Kiên Giang, chủ tịch Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt, đọc lời tuyên bố “ký giả phải đi ăn mày vì luật 007”.
Một biển người như thác lũ tràn về công trường Quách Thị Trang (quận 1 ngày nay). Đồng bào các giới đứng dài theo hai bên đại lộ Lê Lợi chờ “đoàn ký giả ăn mày” kéo đến để nhập cuộc. “Tất cả, từ những ký giả lão thành sống lâu năm trong nghề báo cho tới những ký giả tập sự cũng đều tham gia. Từ một chị bán hàng cũng phải bỏ hết thúng gióng hàng hóa, cầm gánh lăn xả vào, từ một anh hàng thịt cũng biết cầm con dao lên, mắt sáng quắc đang trong tư thế sẵn sàng chuẩn bị, từ một anh thợ hớt tóc cũng đều biết dừng lại cầm cây kéo lên chờ giờ hành động, từ một anh xích lô cũng thôi đạp để tiễn mừng đón đưa. Cuộc đấu tranh của làng báo Sài Gòn chống chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đã đạt được mục tiêu, giáng một đòn chí tử vào chủ trương đàn áp báo chí. Tổng thống Thiệu choáng váng trước đòn đau này”, ông Cao Minh Hựu kể.
Sau vụ “ký giả ăn mày”, Bút Thép cùng nhiều tờ báo khác vẫn hoạt động cho đến ngày 3/2/1975, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đã đàn áp bằng cách đóng cửa tờ Bút Thép, chủ bút Lê Hiền bị bắt với tội danh “hoạt động có lợi cho Cộng sản”, chúng đưa ông về giam tại Nha cảnh sát Đô Thành Sài Gòn. Chiều ngày 29/4/1975, Chuẩn tướng, Luật sư Triệu Quốc Mạnh, Chỉ huy trưởng Cảnh sát Sài Gòn - Gia Định xuất hiện, mở tung cánh cửa buồng giam trả tự do cho những người tù cách mạng. Luật sư Mạnh là người của ta, ông là một thành viên thuộc Ban Trí vận Mặt trận Sài Gòn - Gia Định.

Ký giả Lê Hiền, chủ bút nhật báo Bút Thép từng nổi tiếng trong làng báo Sài Gòn trước năm 1975 là Thượng tá Cao Minh Hựu
Niềm vui không sao tả xiết trong lòng của Cao Minh Hựu khi ông được trở về trong vòng tay của gia đình sau những tháng ngày bị giam cầm, nhưng có một hạnh phúc lớn lao hơn với ông vào sáng ngày hôm sau, chính là thời khắc giải phóng Sài Gòn. “Dù đã biết trước ngày này sẽ tới nhưng tôi vẫn cứ lâng lâng sung sướng, vỡ òa trong niềm hạnh phúc”, ông Cao Minh Hựu chia sẻ ngày đón nhận hòa bình của đất nước tròn 50 năm trước.
Sau giải phóng, ông Hựu về lại đơn vị là Đoàn 22, Cơ quan Quân báo thuộc Bộ tham mưu Quân giải phóng miền Nam. Năm 1977, ông chuyển sang Công an TP Hồ Chí Minh công tác, làm nhiệm vụ bảo vệ An ninh văn hóa tư tưởng cho đến năm 1999, ông nghỉ hưu với quân hàm thượng tá.
50 năm sau ngày đất nước giải phóng, Thượng tá Cao Minh Hựu khi đã ở tuổi 93 vẫn tích cực tham gia nhiều hoạt động. Ông làm Chủ nhiệm Khối báo chí của Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến TP Hồ Chí Minh, cùng thế hệ trẻ viết tiếp câu chuyện hòa bình của dân tộc.