Bộ trưởng Bộ TT&TT: Cơ quan báo chí lớn sẽ được phép kinh doanh nội dung
(DNTO) - Theo Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng, khi sửa Luật Báo chí sẽ cho phép một số cơ quan báo chí lớn được kinh doanh về nội dung, về truyền thông.
Sáng 12/11, Quốc hội chất vấn lĩnh vực thông tin và truyền thông. Một trong những vấn đề được đại biểu quan tâm là nâng cao vai trò của báo chí chính thống.
Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn ĐBQH Điện Biên), cho biết vấn đề bài toán kinh tế báo chí, mô hình kinh doanh báo chí sẽ phải giải quyết thế nào để báo chí truyền thống có thể cạnh tranh và tồn tại, làm tốt vai trò của người lính xung kích trên mặt trận văn hóa tư tưởng, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Trả lời chất vấn Bộ trưởng Hùng cho biết, cách đây nhiều năm, khi kinh tế thị trường mới vào Việt Nam, các doanh nghiệp bắt buộc quảng cáo để bán hàng. Vì thế, họ chi khá nhiều tiền cho quảng cáo và chỉ có một phương tiện là báo chí. Lúc đó, ít các cơ quan báo chí và các cơ quan báo chí cũng mong muốn được tự chủ tài chính, không dùng ngân sách nhà nước. Nhưng khi mạng xã hội xuất hiện đã lấy mất 80% quảng cáo trực tuyến, còn cả trực tiếp và trực tuyến mất khoảng 60%. Trong khi đó các cơ quan báo chí có số lượng lớn với 880 cơ quan.
Bộ trưởng Hùng đặt câu hỏi, vậy nguồn thu của báo chí xử trí ra sao? Theo Bộ trưởng, năm 2023, trong Chỉ thị Thủ tướng Chính phủ ban hành về truyền thông chính sách và có yêu cầu các bộ ngành, chính quyền địa phương các cấp phải coi truyền thông chính sách là nhiệm vụ của mình, có bộ máy và ngân sách hàng năm để đặt hàng cho báo chí - coi đây là nguồn tăng thêm cho báo chí thực hiện kinh tế báo chí. Do vậy từ năm 2023, chính quyền các cấp đã tăng ngân sách, đặt hàng cho báo chí.
Theo Bộ trưởng Bộ TTTT, khi sửa Luật Báo chí tới đây sẽ có riêng một mục nói về kinh tế báo chí. Trong đó cho phép một số cơ quan báo chí lớn được kinh doanh về nội dung, kinh doanh xung quanh lĩnh vực về truyền thông. Nhưng ở đây kinh doanh là để làm báo.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, nếu báo chí chạy theo mạng xã hội thì sẽ đứng ở phía sau. Báo chí thay vì đưa tin thì phân tích đánh giá; thay vì bình luận thì đưa ra giải pháp; cần phải kể ra câu chuyện để dẫn dắt, định hướng xã hội. Trước đây, trong không gian thực, báo chí là lực lượng chủ đạo. Nhưng trong không gian mạng, báo chí về mặt số lượng có thể không là chủ đạo, nhưng những thông tin từ báo chí phải định hướng được dòng chảy chính trên không gian mạng, với chất lượng tin tức và nội dung. Sử dụng công nghệ của mạng xã hội để làm báo, thúc đẩy tương tác hai chiều, hướng tới đối tượng quảng cáo và coi mạng xã hội là công cụ để báo chí xuất hiện. Báo chí phải dùng công nghệ số để lấy lại trận địa, tăng số lượng đọc giả, từ đó quảng cáo sẽ tăng lên.
"Đặc biệt, trong quy hoạch báo chí, có một nội dung rất quan trọng là nhà nước tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho 6 cơ quan báo chí chủ lực để trở thành sức mạnh truyền thông; đồng thời trong quá trình sửa luật theo hướng, Chính phủ sẽ xây dựng cơ chế đặc thù về kinh tế báo chí cho các cơ quan báo chí chủ lực", Bộ trưởng Bộ TTTT cho hay.
Chất vấn Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Đoàn ĐBQH Cà Mau) cho biết, trong những năm qua, sự phát triển của mạng xã hội bùng nổ, kéo theo tình trạng tin giả, tin sai sự thật gây nhiễu loạn, gây hệ lụy bức xúc trong xã hội. Việc này cũng cạnh tranh với báo chí chính thống về thông tin và doanh thu. Đại biểu Nguyễn Duy Thanh đặt câu hỏi: Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ trưởng có phương án nào để quản lý mạng xã hội?
Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đây là vấn đề không chỉ của Việt Nam mà mang tính toàn cầu, đã được bàn và nói rất nhiều.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, giải pháp đầu tiên là vấn đề hoàn thiện thể chế. Trước đây mới quy định xử lý cá nhân dùng mạng xã hội đưa tin sai sự thật, tin giả. Nghị định được ban hành gần đây đã đưa xử lý các nền tảng xã hội khi vi phạm luật pháp.
"Trước đây, chúng ta cho rằng đây là trách nhiệm của quản lý Nhà nước, nhưng thật ra trách nhiệm lớn là đối với các nền tảng xã hội. Các nền tàng phải có trách nhiệm rà quét, tự động gỡ bỏ các thông tin sai sự thật, thông tin xấu độc”, Bộ trưởng Hùng nói.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ TTTT, hiện đã thành lập, đưa vào vận hành Trung tâm Xử lý Tin giả Quốc gia. Gần đây, các địa phương cũng bắt đầu hình thành các trung tâm này ở cấp địa phương.