Báo chí cần giữ vai trò định hướng dư luận xã hội trước sự bùng nổ của ‘truyền thông mạng’
(DNTO) - Ngày nay, bên cạnh các chức năng thông tin, chức năng chuyển tải những giá trị văn hoá - giáo dục - giải trí, chức năng giám sát, quản lý xã hội… thì chức năng kinh doanh - dịch vụ cũng là một phần hoạt động của các cơ quan báo chí. Tuy nhiên, không vì thế mà vai trò định hướng dư luận xã hội của báo chí bị lơ là, bỏ qua.
Dư luận xã hội là gì?
Cho dù được sử dụng khá phổ biến nhưng khái niệm này lại không có nội dung xác định, không có một định nghĩa thống nhất, chính vì vậy cho đến nay tồn tại rất nhiều định nghĩa khác nhau về dư luận xã hội.
Tuy nhiên, tựu trung lại có thể hiểu: Dư luận là một hiện tượng tâm lý. Đó là những nhận xét đánh giá kèm theo thái độ cảm xúc về một sự kiện, hiện tượng nào đó ít nhiều liên quan đến quyền lợi của con người. Khi dư luận được lan truyền rộng rãi trong cộng đồng bởi nhiều người và có tính chất lặp đi lặp lại thì trở thành dư luận xã hội.
Dư luận xã hội có thể truyền đi một cách tự phát hoặc được tạo ra một cách cố ý; có thể hình thành từ những định kiến xã hội bền vững hay từ những tác động truyền thông có tính cách phong trào liên quan đến nhu cầu lợi ích của một nhóm người trong một thời điểm nhất định.
Thuộc tính của dư luận xã hội là phức tạp và có khuynh hướng đối lập nhau: tán thành - phản đối; tích cực - tiêu cực; lạc hậu - văn minh ; cấp tiến, bảo thủ; bền vững - nhất thời… nên cùng một hiện tượng, một con người, dư luận có thể xảy ra nhiều tranh cãi trái chiều, thậm chí xung đột. Vì thế, dư luận xã hội nhất thiết cần có sự định hướng. Định hướng là phản ánh dư luận xã hội một cách có ý thức rõ ràng, hướng tới mục tiêu cụ thể chứ không thụ động “theo đuôi quần chúng”. Và đây là nhiệm vụ đặc biệt của báo chí.
Vai trò định hướng dư luận xã hội của báo chí trước sự bùng nổ của “truyền thông mạng”
Định hướng dư luận trước hết cần dựa trên nền tảng lợi ích Quốc gia, dân tộc; sự thống nhất tư tưởng và liên kết trong xã hội. Nhất là đối với dư luận xuất phát những thông tin liên quan đến đời sống kinh tế, chính trị - xã hội; những chuẩn mực, giá trị đạo đức.
Trong thực tế, nhiều ngành nghề, đơn vị, cá nhân đã rơi vào vòng xoáy dư luận xã hội không thể chống đỡ nổi đã điêu đứng, khổ sở. Điển hình như vụ nông dân trồng bưởi ở tỉnh Tiền Giang bị thiệt hại hơn 100 tỷ đồng chỉ trong vòng một tháng từ làn sóng dư luận tẩy chay vì cho rằng ăn bưởi bị ung thư vú. Thậm chí tự kết liễu cuộc đời như vụ nữ sinh H.T.L (17 tuổi, học sinh lớp 11 trường THPT Nguyễn Đức Mậu, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) nhảy xuống ao tự tử vì không vượt qua được sự xôn xao bàn tán bình luận ác ý của dư luận khi clip nữ sinh “hôn” bạn trai bị phát tán lên mạng xã hội…
Với hiện tượng Nguyễn Phương Hằng. Một thời gian rất dài trước khi đương sự bị bắt giam về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, dư luận xã hội đã có một phen sôi nổi đấu đá nhau kịch liệt trên mạng xã hội với nhiều ý kiến trái chiều mà đa số là ủng hộ, cổ vũ, tiếp tay, thậm chí coi bà là thần tượng, chỉ trích, tấn công những người lên tiếng phê bình, phản biện.
Vẫn còn đang diễn ra như một “điểm nóng” xã hội hiện nay là hiện tượng Thích Minh Tuệ - một hiện tượng xã hội đã tạo nên làn sóng dư luận khổng lồ tưởng chừng có thể nhấn chìm cả cộng đồng trên cõi mạng.
Theo ông Trần Thế Tuyển - nguyên Phó Cục trưởng cục Báo chí – Bộ TTTT : “Việc làm của Lê Anh Tú không chỉ diễn một ngày, một tháng mà đã 6 năm nay một cách âm thầm, không ồn ào đúng như ý nguyện của Lê Anh Tú. Nó chỉ “bùng nổ” khi truyền thông vào cuộc”...
Nói về vai trò định hướng thông tin, dư luận xã hội của báo chí, nguyên Phó Cục trưởng cục Báo chí – Bộ TTTT nhận định: “Về phía giáo hội Phật giáo VN đã có văn bản thông tin. Nhưng rất tiếc văn bản này thiếu thực tế; gây phản ứng xã hội. Công tác quản lý nhà nước cũng chưa có định hướng hiệu quả để vừa tôn trọng quyền tự do cá nhân, tín ngưỡng của nhân dân; vừa giữ được luật lệ, kỷ cương, phép nước. Bên cạnh sự bùng nổ, tự phát với các mục đích và tầm mức khác nhau của mạng xã hội, hình như các cơ quan báo chí nhà nước chưa vào cuộc kịp thời, thiếu vệt bài mang tính cung cấp thông tin xác thực và tính định hướng dư luận”.
Tóm lại, trước bối cảnh mạng xã hội ngày càng phức tạp, nhiều vấn đề nhạy cảm cũng như tình trạng nhiễu loạn thông tin ngày càng có chiều hướng gia tăng; xuất hiện một bộ phận người nhẹ dạ cả tin, thiếu tỉnh táo, dễ dàng bị hiệu ứng đám đông lôi cuốn vào những “trend” ồn ào, thất thiệt, thậm chí a dua theo một cách mê muội bất chấp đó là những dữ kiện có cơ sở khoa học hay những điều nhảm nhí… Báo chí cần phân tích, làm rõ nội hàm khái niệm, có luận chứng, luận cứ rõ ràng… để cộng đồng mạng nắm được bản chất của các thông tin, phân biệt thông tin đúng và thông tin sai lệch.