Facebook, Google lấy đi khoảng 70% doanh thu quảng cáo của báo chí chính thống
(DNTO) - Các cơ quan báo chí từ báo in, báo điện tử cho đến phát thanh, truyền hình đều đang phải đối diện với nguy cơ sụt giảm doanh thu mạnh mẽ khi việc phát hành cũng như khai thác quảng cáo gặp khó khăn.
Mục tiêu tăng doanh thu báo chí là rất thách thức
Chia sẻ tại hội thảo về kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số, ngày 14/6, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết thừa nhận, hiện các cơ quan báo chí đang phải đối diện với nguy cơ sụt giảm doanh thu mạnh mẽ, trong bối cảnh các nền tảng mạng xã hội như Facebook hay Google đã lấy đi khoảng 70% doanh thu quảng cáo của báo chí chính thống.
Trong khi đó, chi thường xuyên cho báo chí hằng năm rất thấp, dưới 0,5%, chi cho đầu tư báo chí cũng chỉ chiếm khoảng 0,25% tổng chi đầu tư của ngân sách Nhà nước. Một số cơ quan báo chí lớn cũng không có hoặc có rất ít hỗ trợ hay đặt hàng từ ngân sách.
Để gia tăng doanh thu, 5 báo điện tử đã áp dụng thu phí nội dung gồm VietnamPlus (năm 2018), Báo điện tử VietnamNet, Tạp chí điện tử Ngày Nay (năm 2021), Báo Người Lao động, Báo Tuổi trẻ (năm 2022). Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, mô hình này vẫn chưa tạo ra doanh thu đáng kể vì mới chỉ dừng mở mức thử nghiệm tại một số chuyên mục được đầu tư nhiều hơn về chất lượng, nội dung.
Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 đặt mục tiêu 30% cơ quan báo chí tăng doanh thu tối thiểu 20%. Nhưng theo ông Dũng, mục tiêu này rất thách thức trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, việc bố trí kinh phí, đặt hàng cho các cơ quan báo chí còn hạn chế.
Theo PGS-TS Bùi Chí Trung, Phó Viện trưởng Viện Đào Tạo báo chí và truyền thông (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn), hiện nay, các cơ quan báo chí đang tìm kiếm nguồn thu trên môi trường số thông qua hệ thống nội dung số, thu dịch vụ giá trị gia tăng mạng viễn thông… Nhưng Luật Báo chí hiện hành chưa công nhận các sản phẩm trên nền tảng số là sản phẩm báo chí. Vị này cho rằng Luật Báo chí cần bổ sung, sửa đổi để tạo hành lang cho phát triển nội dung số và thúc đẩy hoạt động sáng tạo, sản xuất nội dung trên môi trường số.
Ngoài ra, vị chuyên gia cho biết cần quy định rõ hơn về sản phẩm báo chí đặt hàng, để báo chí vừa đảm bảo nguồn thu cho hoạt động, vừa làm tốt chức năng tuyên truyền.
“Cần quy định rõ hơn nội dung nào được coi là hàng hóa và đâu là sản phẩm tuyên truyền", ông Trung kiến nghị.
Về phía các cơ quan báo chí, nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, cũng cho biết, quảng cáo đã giảm đi nhiều, có cơ quan chỉ chiếm 40-50% doanh thu. Một số cơ quan báo chí lớn trên thế giới thực hiện đa dạng hóa nguồn thu như tổ chức sự kiện, làm truyền thông, thương mại điện tử…
“Nếu có đối tác tốt và bộ phận vận hành ổn, mảng tổ chức sự kiện có thể đem lại trên 20% doanh thu cho cơ quan báo chí. Có rất nhiều hình thức tổ chức sự kiện như chuyên ngành, liveshow, hội chợ, lễ trao giải và gala…”, ông Minh cho biết.
Báo chí cần chiếm lĩnh các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Youtube
Cũng trong buổi sinh hoạt chuyên đề “Báo chí trong kỷ nguyên số: Thời cơ và thách thức”, chiều 14/6, Nhà báo Lê Quốc Minh thừa nhận báo chí chính thống đang chuyển mình khá chậm so với mạng xã hội, không thể cạnh tranh về tốc độ thông tin.
Bởi trong thời kì internet và các mạng xã hội phát triển, mỗi người cầm trên tay chiếc smartphone đã sẵn sàng trở thành cơ quan báo chí. Điều này khiến người dân ngụp lặn trong thông tin, thậm chí có tình trạng người dân cảm thấy không nhất thiết phải đến với báo chí để có được thông tin.
Tuy nhiên, ông Minh cho biết, nếu xét theo tiêu chí về cân bằng, đa nguồn, khách quan thì các tổ chức khác không thể cạnh tranh được với báo chí. Đòi hỏi báo chí phải cạnh tranh và đi trước mạng xã hội là không thực tế. Ông Minh cho biết báo chí và mạng xã hội là hai lĩnh vực khác nhau. Báo chí không nên so sánh với mạng xã hội mà cần có chiến lược truyền thông phù hợp, hướng tới làm nội dung tốt hơn, chuyên nghiệp hơn.
Lấy ví dụ ở báo Nhân dân, ông Minh cho biết, trước kia, fanpage (trang mạng xã hội) của tờ báo này chỉ có 24.000 lượt thích, hiện nay đã nâng lên 300.000 lượt; Truyền hình Nhân dân trên nền tảng Youtube có khoảng 3,6 triệu lượt theo dõi, những sản phẩm báo đưa lên TikTok có đến hàng triệu lượt người xem. Hay Đài truyền hình Việt Nam VTV cũng đang có chiến lược chiếm lĩnh mạng xã hội với nhiều nội dung số, các chương trình livestream thu hút đông đảo độc giả.
“Điều này cho thấy báo chí cần chiếm lĩnh các nền tảng mạng xã hội để có chủ trương truyền thông phù hợp”, ông Minh nói.
Liên quan đến công nghệ báo chí, ông Minh cho biết vấn đề này đã được nhắc tới từ 20 năm trước nhưng lúc đó không có nhiều cơ quan báo chí để tâm. Bởi trước đây, người dân phải tự mua báo, bật đài, mở tivi để tìm kiếm, theo dõi thông tin thụ động. Còn hiện nay, tin tức tự tìm đến người đọc. Vì vậy, các cơ quan báo chí cần lưu ý sử dụng công nghệ như thế nào để tin tức đến được với độc giả quan tâm.