'Vẫn còn một số nhà báo đơn thuần coi báo chí là phương tiện kiếm sống'
(DNTO) - Không ít nhà báo bất chấp quy định về đạo đức nghề nghiệp để đưa tin, chụp hình nhân vật, sự kiện chỉ để câu view, thậm chí không ít nhà báo viết sai mà không xin lỗi, không đính chính; viết tin theo kiểu “nghe hơi”; không “mắt thấy, tai nghe”…, nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ.
Văn hoá báo chí là đề tài thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà báo, khách mời tại phiên thảo luận 2 có chủ đề Xây dựng môi trường văn hoá báo chí thuộc Diễn đàn báo chí toàn quốc năm 2024, nằm trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2024 diễn ra tại TP.HCM vào hôm nay, 15/3.
Theo các diễn giả tham dự, văn hoá báo chí bao gồm văn hoá, nền nếp tại ngay chính các cơ quan báo chí và văn hoá, đạo đức của chính của mỗi người làm báo.
Nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ, năm qua, một trong những điều khiến chính những người làm báo nặng lòng nhất đó là việc đã có nhiều trường hợp nhà báo, cộng tác viên bị khởi tố với tội danh Cưỡng đoạt tài sản. "Đã và đang tồn tại một bộ phận nhà báo chỉ đơn thuần coi báo chí là phương tiện kiếm sống…", ông nhận định.
Phân tích cụ thể, lãnh đạo Hội Nhà báo cho biết, thực trạng trên một phần xuất phát từ việc buông lỏng quản lý của cơ quan báo chí, ngoài ra thu nhập nhà báo còn thấp lại phải gánh thêm áp lực chạy quảng cáo, tài trợ. Tuy nhiên, không thể phủ nhận thực tế, nhiều nhà báo đã thiếu bản lĩnh chính trị và văn hóa, suy thoái về đạo đức, lối sống, không giữ được cốt cách của người làm báo.
Cũng chia sẻ tại diễn đàn, nhà báo Đoàn Minh Long, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa, giãi lòng: "Tôi thấy xót xa khi nhiều nhà báo bị bắt, chưa chân thành, còn doạ nạt doanh nghiệp. Trong khi đó, bản thân các doanh nghiệp tan nát sau dịch, rất khó khăn, họ phải cân đối điều chỉnh, bản thân họ cũng không muốn mất lòng đơn vị báo chí nào".
Dẫu biết những hiện tượng trên chỉ là thiểu số nhưng không thể phủ nhận thực tế, "con sâu làm rầu nồi canh", gây ảnh hưởng không nhỏ đến báo chí hiện nay. Thực tế trên đã đặt ra vấn đề cấp bách về đẩy mạnh phong trào thi đua Xây dựng môi trường văn hoá trong các cơ quan báo chí, qua đó tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho các nhà báo.
"Tất cả các cơ quan báo chí phải nhận thức rõ rằng, phong trào thi đua "Xây dựng môi trường văn hoá trong các cơ quan báo chí" là một phong trào lớn, không mang tính nhất thời, mà phải trở thành một nếp sinh hoạt cần thiết, thường xuyên, lâu dài đối với các cơ quan báo chí", nhà báo Nguyễn Đức Lợi nhận định.
Nền văn hoá vững ngay tại các cơ quan báo chí sẽ giúp nâng cao giá trị của nhà báo, giúp họ đứng vững trước các bờ vực lệch chuẩn và đưa nền báo chí cách mạng phát triển.
"Chúng ta có đường hướng duy nhất là hướng đến nền báo chí tích cực. Cơ quan báo chí phải có thương hiệu. Khi nhắc đến danh hiệu nhà báo thì mỗi nhà báo phải hãnh diện, tự hào", nhà báo Đoàn Minh Long nhấn mạnh.
Hướng đến nền báo chí thực sự “hiện đại, chuyên nghiệp, nhân văn”
Việc xây dựng môi trường văn hoá báo chí đang là vấn đề sống còn đặt ra với mỗi cơ quan báo chí. Theo ông Nguyễn Tiến Thanh, Tổng biên tập Tạp chí Đời sống pháp luật, báo chí hiện đại đã khác so với trước đây, khi tích hợp nhiều vấn đề như thị trường, giải trí... Đội ngũ làm báo vừa làm truyền thông, vừa làm kinh tế, trực tiếp mang doanh thu về cho toà soạn. Chính điều đó khiến việc xây dựng môi trường văn hoá tại các toà soạn cũng giống doanh nghiệp, cần phải xây dựng được giá trị cốt lõi.
"Báo chí hiện nay đã thay đổi và cá nhân tôi trong cơ quan có thời điểm thiếu nguồn lực, thiếu cơ chế hỗ trợ, nhân sự thì việc xây dựng môi trường văn hoá dựa trên cơ sở định hướng phát triển tờ báo như thế nào, không khí làm việc, môi trường văn hoá, đào tạo phóng viên... là rất quan trọng", ông Thanh chia sẻ.
"Thực tế một số cơ quan báo chí thậm chí không có lương, chỉ moi móc tin tức, nhưng hãy nhìn kỹ, cơ quan báo chí nào phát triển, được bạn đọc yêu mến thì môi trường văn hoá ở đó rất tốt", ông cho biết thêm.
Vai trò của người lãnh đạo trong mỗi toà báo cũng được đặc biệt nhấn mạnh. Sự gương mẫu của người lãnh đạo là hết sức quan trọng.
"Tổng biên tập nào thì tờ báo đó. Người lãnh đạo có văn hoá, xây dựng nề nếp cơ quan, sự tử tế sẽ được thiết lập. Nếu làm ngược lại, tiêu cực sẽ có ngay trong cơ quan báo chí", ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khuyến cáo.
Ông cũng nhấn mạnh, xây dựng văn hoá trong cơ quan báo chí cần trở thành phong trào bền bỉ, là cuộc vận động thường xuyên, sâu sắc.
Xây dựng nền báo chí thực sự “hiện đại, chuyên nghiệp, nhân văn” cần sự nỗ lực của chính mỗi nhà báo, mỗi đơn vị báo chí.
"Các cơ quan báo chí có thực hiện tốt vai trò, sứ mệnh của báo chí cách mạng trong gìn giữ, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là "nền tảng tinh thần", "động lực phát triển"; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam được hay không, thì trước hết, mỗi người làm báo, mỗi cơ quan báo chí phải là những con người nhân văn, có văn hóa, những cơ quan báo chí nhân văn, có văn hóa", ông Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh.