Đổi mới trong báo chí: Cần mạnh mẽ và quyết liệt hơn

(DNTO) - Đổi mới, sáng tạo là con đường quan trọng để báo chí Việt Nam vượt qua thách thức do những tác động bởi trí tuệ nhân tạo, các công nghệ tiên tiến khác..., khẳng định giá trị và vị thế của nền báo chí cách mạng.
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc năm 2024 của Hội Nhà báo Việt Nam diễn ra vào hôm nay, ngày 18/3, tại TP.HCM, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao những thành tựu mà Hội Nhà báo đã đạt được thời gian qua như tổ chức thành công Giải báo chí quốc gia, Diễn đàn báo chí 2024 cùng nhiều hội nghị, diễn đàn mang giá trị thiết thực. Ông cũng đưa ra nhiều nhiệm vụ với Hội Nhà báo Việt Nam.
Trước hết về nhiệm vụ chính chị, theo ông, Hội Nhà báo cần thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 43-CT/TW, ngày 8/4/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới. Báo chí cần bám sát đời sống thực tiễn sự nghiệp đổi mới, phát triển của đất nước, phản ánh chân thực và có tính chiến đấu đấu cao.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
Mỗi tác phẩm phải mang thông điệp giá trị, tác động vào cả trí óc và trái tim công chúng, từ đó định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin nhân dân với sự nghiệp xây dựng và phát triển của nước nhà.
Theo ông, đứng trước những thách thức hôm nay, báo chí phải mạnh mẽ và quyết liệt đổi mới hơn, tìm kiếm và triển khai các mô hình tòa soạn số với phương thức tổ chức, quản lý nhằm phát huy sức sáng tạo của nhà báo; luôn có những giải pháp thiết thực để khẳng định vị thế và vượt qua những tác động có thể gặp phải trước sự phát triển ngày càng mạnh của trí tuệ nhân tạo, robot hay các yếu tố kỹ thuật, công nghệ tiên tiến khác. Ông nhấn mạnh việc cần thiết thúc đẩy mạnh mẽ và quyết liệt hơn sự đổi mới, sáng tạo trong báo chí.
Thời gian qua, nhiều chủ trương chính sách liên quan đến báo chí đã được nhanh chóng được tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động báo chí. "Mục tiêu là tạo hành lang pháp lý và môi trường để nhà báo hội viên sáng tạo, có tác phẩm báo chí tích cực, mang tính giải pháp và kiến tạo", ông khẳng định.

Ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại hội nghị
Một trong những vấn đề được ông Nguyễn Trọng Nghĩa đặc biệt lưu ý đó là mỗi toà soạn báo cần quyết tâm lành mạnh tờ báo, bắt đầu từ cộng tác viên đến phóng viên.
"Làm báo có thể nghèo nhưng không làm tiêu cực đánh cái nọ cái kia. Phải đấu tranh đúng, trúng, khách quan, hiệu quả, tâm phục khẩu phục, đúng đạo đức. Như vậy vị thế báo chí và phóng viên sẽ tăng lên", ông nhấn mạnh.
Cũng tại hội nghị, ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ, qua 74 năm thành lập, Hội Nhà báo Việt Nam ngày càng lớn mạnh về số lượng và chất lượng, từ gần 300 hội viên đến nay đã thu hút hơn 25.000 hội viên, sinh hoạt tại 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 21 Liên chi hội và 223 Chi hội trực thuộc trên cả nước.
Trong bối cảnh khó khăn, thách thức chung của thế giới, khu vực và đất nước, có những thách thức chưa từng có tiền lệ, báo chí nước nhà vẫn nỗ lực vượt khó trở thành lực lượng xung kích tuyên truyền hiệu quả các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng hành trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hội cũng tăng cường quản lý, định hướng hoạt động tại các cơ quan báo chí, xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị, có phẩm chất đạo đức trong sáng, tinh thông nghiệp vụ để nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác tuyên truyền.

Các đại biểu tham dự hội nghị
Bước sang năm 2024, Hội Nhà báo Việt Nam đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm như không ngừng nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động, góp phần thiết thực vào việc tuyên truyền, xây dựng nền báo chí, truyền thông theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại; xây dựng đội ngũ làm báo đáp ứng yêu cầu; tăng cường sự hiện diện trên trường quốc tế...