Bàn chuyện tăng nguồn thu cho các cơ quan báo chí
(DNTO) - Vừa phải đảm bảo nhiệm vụ chính trị, vừa phải lo kinh tế, đời sống của người lao động, những trọng trách đó đang đặt các cơ quan báo chí trước nhiều khó khăn, trong đó đặc biệt vấn đề làm sao gia tăng, đa dạng nguồn thu, giúp duy trì và phát triển toà soạn.
Đối mặt với sự sụt giảm doanh thu
Trước sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng công nghệ, mạng xã hội, doanh thu của các toà soạn báo đứng trước thực trạng bị sụt giảm. Trước đây, nguồn thu toà soạn báo chí đến từ hai mảng chính quảng cáo và phát hành, tuy nhiên với sự đi xuống của nền báo in, những nguồn doanh thu này cũng kém dần.
Thông tin từ Diễn đàn Kinh tế Báo chí 2023, tổng doanh thu khối báo năm 2021 giảm hơn 30% so với năm 2020, trong khi đó khối tạp chí giảm hơn 44%. Qua giai đoạn dịch bệnh, 78% cơ quan báo chí có doanh thu hầu như không đổi hoặc tăng nhẹ từ 10-30% và gần 17% ghi nhận doanh thu giảm.
Chia sẻ tại phiên 5, Diễn đàn báo chí 2024 diễn ra vào ngày 16/3 nằm trong khuôn khổ Hội báo Xuân 2024, các diễn giả đều nhận định, đa dạng và gia tăng nguồn thu đang thực sự là vấn đề cấp bách với các toà soạn, bởi thực tế, "có thực mới vực được đạo".
"Phải có nguồn thu cơ quan báo chí mới đảm bảo nhiệm vụ chính trị và nếu không có nguồn lực để đầu tư chiều sâu, các toà soạn sẽ loay hoay và tự giết chết mình", ông Lê Thanh Tuấn, Giám đốc Đài truyền hình Vĩnh Long nhận định.
"Báo tự chủ về tài chính nên áp lực phát triển và phục vụ bạn đọc tốt nhất. Vào ngày 20 tháng chúng tôi vô cùng áp lực khi đến ngày trả lương bởi mỗi tháng phải có khoảng 14 tỷ để trả thu nhập cho người lao động, hiện tại tổng cộng lên tới trên một ngàn ngừoi", ông Trần Xuân Toàn, Phó Tổng biên tập báo Tuổi trẻ cho biết. Cũng theo ông, đó là chưa kể cần phải đầu tư về công nghệ, đội ngũ nhân lực..., theo đó áp lực sáng tạo với báo là rất lớn.
Kiến nghị, giải pháp nâng cao nguồn thu tại các cơ quan báo chí
Các diễn giả tại diễn đàn đã đưa ra nhiều ý kiến, trao đổi kinh nghiệm xuất phát từ thực tiễn của đơn vị mình với mong muốn được học hỏi, chia sẻ lẫn nhau, từ đó tìm ra hướng đi phù hợp với mỗi toà soạn để cùng nhau phát triển.
Theo ông Lê Thanh Tuấn, Giám đốc Đài truyền hình Vĩnh Long, một trong những đơn vị báo chí ghi nhuận mức doanh thu khủng trong năm qua cho biết, ông kiến nghị ba nội dung cụ thể như sau.
Trước hết, theo ông, việc khống chế thời lượng quảng cáo trong các chương trình giải trí là không cần thiết bởi thực tế rất ít chương trình có nhiều quảng cáo chỉ trừ vài sự kiện đặc biệt hay chương trình Tết. Theo đó, ông mong muốn cơ quan chức năng bỏ quy định này để các nhà đài có thể "rộng cửa" thu hút nguồn thu.
Ngoài ra, cơ quan chức năng nên cho phép báo chí thu phí người dùng qua hình thức trả phí thuê bao hoặc phí nội dung trên hạ tầng OTT. Ông cũng đề xuất có thể miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với cơ quan báo chí hoặc có chính sách miễn, giảm linh hoạt từng năm tùy theo sự biến động của nền kinh tế. "Hiện mức thuế này đang là 20% trên lợi nhuận, khoảng chiếm 1/5 lợi nhuận, tức nếu thu về 500 triệu sẽ mất 100 triệu tiền thuế, như vậy là quá lớn", ông nhận định.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) cho biết, với ngắn hạn, ông cũng đề xuất miễn, giảm thuế giá trị gia tăng với toàn bộ sản phẩm báo chí. Với các gói truyền thông chính sách cần đơn giản hoá về các thủ tục, giấy tờ. Đặc biệt theo ông Đồng, cơ quan chức năng cần giảm nghĩa vụ kiểm soát tương tác người dùng với các bài báo được đăng trên các nền tảng mạng xã hội.
"Có tương tác, có bình luận thì mới chứng tỏ sự hiện diện thành công của tác phẩm báo chí ấy. Dó đó, cần xoá bỏ nghĩa vụ kiểm soát bình luận để tạo thuận lợi cho các toà soạn chuyển dịch lên các nền tảng xã hội", ông phân tích.
Về dài hạn, theo đại diện IPS cho biết, việc đẩy mạnh xã hội hóa, tăng đầu tư tư nhân với công nghệ, kinh doanh cho các cơ quan báo chí là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Ngoài ra, cần hỗ trợ các cơ quan báo chí tăng cường hiện diện và hợp tác kinh doanh với nền tảng mạng xã hội qua vai trò ‘cầu nối’ của Bộ Thông tin Truyền thông, các hiệp hội.
Cũng theo ông Đồng, "chúng ta nên tính đến chuyện tập trung ngân sách cho một số cơ quan báo chí cốt lõi để xây dựng nhóm đơn vị truyền thông chủ lực, còn các báo khác thì cạnh tranh phát triển".
Tham dự diễn đàn, đại diện của báo Tuổi trẻ đặt vấn đề: Đã đến lúc phải họp với các nền tảng xã hội để cùng chia sẻ thị trường và cùng tuân thủ các quy định của Việt Nam.
"Họ đang kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam thì phải công bằng như các báo. Họ chia sẻ nội dung thì phải có trách nhiệm với các cơ quan báo chí. Nếu làm được vậy, các nhãn hàng phải về với báo chính thống và khi đó báo chí có thể cạnh tranh lành mạnh. Rồi đến lúc không có gì miễn phí cả. Nếu tiếp tục miễn phí như vậy sự sáng tạo trong báo chí bị ảnh hưởng", ông Trần Xuân Toàn nhấn mạnh.
Chia sẻ từ chính thực tiễn cơ quan mình, Tổng Biên tập Tô Đình Tuân, Báo Người lao động cho biết, khi tiếp nhận vị trí Tổng biên tập, ông từng mất ăn mất ngủ vì cơ quan rơi vào tình cảnh mất cân đối tài chính, tiền phải đợi về mới có thể trả cho người lao động.
Trước tình hình đó, ông thống nhất trong ban lãnh đạo là chia sẻ sự thật không giấu giếm, không để lãnh đạo no, anh em đói, phải chăm sóc lẫn nhau nhưng đảm bảo nhiệm vụ chính trị cùng bước vào trận chiến để lấy cân bằng lại.
"Chúng tôi làm sự kiện lúc đầu không có kinh nghiệm nhưng cứ tự làm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm xây dựng đội ngũ, không phải mời bên ngoài tốn kém và lệ thuộc họ. Phải luôn xác định hiệu quả hàng đầu thì mới có nguồn tài chính phát triển cơ quan", ông cho biết.
Hiện cơ quan ông là một trong những đơn vị báo đầu tiên tiến hành thu phí điện tử, dẫu biết khó khăn tuy nhiên họ chấp nhận tiên phong dẫn lối chấp nhận khó khăn. Theo chia sẻ của ông, hiện đã có hơn 30 ngàn tài khoản tham gia và hiện chưa có lời nhưng đơn vị này đã không phải bù lỗ.
Với nhiều giải pháp, kiến nghị được đưa ra, tuy nhiên, vấn đề trọng tâm nhất được đặt ra tại diễn đàn đó là sự sáng tạo nội dung, sự đổi mới không ngừng và trên hết, là sự nhanh nhạy, nhanh chóng thích nghi với tình hình mới, xu thế mới sẽ là vấn đề sống còn với các toà soạn.