Nhiều cổ đông ngân hàng sẽ rủng rỉnh tiền cổ tức

(DNTO) - Thay vì chủ yếu chia cổ tức bằng cổ phiếu cho các cổ đông, năm nay nhiều ngân hàng đã mạnh tay đưa phương án chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ lớn.
Xu hướng chia cổ tức bằng tiền mặt quay trở lại?
Mùa đại hội cổ đông năm nay, tin vui với nhiều cổ đông ngân hàng khi nhiều ngân hàng chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ lớn.
Đại hội đồng cổ đông 2025, LPBank trình phương án chi trả cổ tức tiền mặt khủng tới 25%, ước tính số tiền sẽ được dùng để chi trả lên tới gần 7.500 tỷ đồng. Tính đến hiện tại, đây là lần đầu sau 6 năm, ngân hàng chia cổ tức bằng tiền mặt và cũng là tỷ lệ tiền mặt cao nhất của ngành ngân hàng.
Ngân hàng OCB cũng trình ĐHĐCĐ phê duyệt chính sách trả cổ tức tiền mặt 7% và 8% cổ phiếu, đưa tổng lợi ích cổ đông nhận được lên 15% trong năm 2025. Năm nay cũng là năm đầu tiên OCB thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt kể từ khi niêm yết.

Ảnh minh họa
Tại TCB, sau khi trả cổ tức tiền mặt lần đầu sau 10 năm vào năm 2024, với mức 1.500 đồng/cổ phiếu thì năm nay, chính sách trả cổ tức bằng tiền mặt tiếp tục được nhà băng này duy trì. Năm nay, tỷ lệ cổ tức bằng tiền mặt của TCB sẽ là 10%. Ngân hàng VIB thông qua cổ đông việc chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 7%, năm 2024 tỷ lệ này chỉ 6,5%; TPBank tăng từ 5% của năm 2024 lên 10% năm 2025.
Nhiều nhà băng tiếp tục duy trì tỷ lệ cổ tức tiền mặt từ các năm trước như ACB (10%), SHB (5%)...
Nhận được cổ tức bằng tiền được nhiều cổ đông mong đợi, một mặt tăng thu nhập thực tế, mặt khác tránh sự pha loãng tài sản khi doanh nghiệp chia cổ tức bằng cổ phiếu. Nhiều năm trước, các nhà băng thực hiện chủ trương của Ngân hàng Nhà nước trong việc tập trung nguồn lực xử lý nợ xấu, giảm lãi suất cho vay và hỗ trợ nền kinh tế nên hạn chế tối đa chia cổ tức bằng tiền mặt.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước có dự thảo Thông tư quy định về tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đối với các tổ chức tín dụng, quy định CAR tối thiểu với các ngân hàng nâng theo lộ trình, từ mức 8% hiện hành lên 10,5% vào 2033. Ngân hàng nào không đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu sẽ không được chia cổ tức tiền mặt.
Chính sách nới lỏng này sẽ giúp các ngân hàng có tình hình tài chính vững mạnh, kỳ vọng tạo lợi nhuận tốt nâng cao tỷ lệ cổ tức bằng tiền mặt để giữ chân cổ đông của mình.
Các lãnh đạo ngân hàng nói gì?
“Chúng tôi mong muốn chia cổ tức hằng năm càng cao càng tốt. Tuy nhiên do diễn biến tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam rất khó lường, nên chúng tôi sẽ thực hiện trình Đại hội đồng cổ đông chia cổ tức căn cứ vào kết quả kinh doanh thực tế hàng năm", Chủ tịch Hội đồng Quản trị LPBank Nguyễn Đức Thụy khẳng định.
Tại ACB, các cổ đông tỏ ra lo ngại khi việc chia cổ tức khá đều trong nhiều năm qua có thể ảnh hưởng đến tình hình hoạt động của ngân hàng. Tuy nhiên Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy khẳng định, đây là bài toán hài hòa lợi ích của các bên và HĐQT đã cân nhắc rất kỹ lưỡng để tìm ra tỉ lệ phù hợp để tối ưu nguồn vốn cho cổ đông trong trung và dài hạn.
Bên cạnh các ngân hàng mạnh tay với chính sách cổ tức bằng tiền thì nhiều nhà băng vẫn ưu tiên chính sách bằng cổ phiếu để tạo nền tảng vững chắc cho nhà băng. Như tại MBB, Chủ tịch Lưu Trung Thái cho biết, nếu trước đây nhiều tỷ lệ của ngân hàng được tính dựa trên vốn chủ sở hữu, tuy nhiên theo luật mới thì tính trên vốn điều lệ. "Đó là một trong những lý do hầu hết các ngân hàng lớn đều muốn tăng vốn bằng chia cổ tức để tăng năng lực tài chính, tăng năng lực phục vụ khách hàng", ông cho biết.
MBB dự kiến dành 3% cho cổ tức bằng tiền mặt, tuy nhiên cổ phiếu thưởng lên đến 32% và đây là lựa chọn chiến lược của ngân hàng.
Như Sacombank, nhiều năm nay ngân hàng liên tục nói không với vấn đề này khi đề án tái cơ cấu chưa hoàn thành. Dù vậy, lãnh đạo ngân hàng nhấn mạnh, khi việc hoàn tất quá trình tái cơ cấu và tình hình tài chính ổn định, ngân hàng có thể sẽ xem xét việc chia cổ tức trong tương lai gần.
Kể từ đầu năm đến nay, cổ phiếu nhóm ngân hàng đang giảm khoảng 2,7%, trong khi VN-Index giảm 3%. Trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt với nhiều yếu tố khó lường, bất ổn từ bên ngoài, kết quả kinh doanh các nhà băng sẽ có sự phân hóa rõ nét, theo đó, câu chuyện cổ tức sẽ có khác biệt, tùy chiến lược và hoạch định dài hạn của mỗi ngân hàng.