Kỳ vọng lớn của nhiều nhà băng mùa đại hội cổ đông

(DNTO) - Nhiều ngân hàng đều đặt kỳ vọng tăng trưởng hai con số và nếu đặt được sẽ là mức lợi nhuận lịch sử trong quá trình hoạt động, nợ xấu được kiểm soát, kế hoạch tăng vốn điều lệ và lạc quan trước nhiều thách thức hiện tại.
Những chỉ tiêu lợi nhuận 'lịch sử' nếu hoàn thành
Mùa đại hội cổ đông năm nay, nhiều ngân hàng cho thấy nhiều tín hiệu tích cực khi các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh trong năm nay được đưa ra với nhiều kỳ vọng.
Tại ĐHĐCĐ năm 2025 vừa diễn ngày 25/4, Sacombank thông qua kế hoạch tăng 15% lợi nhuận trước thuế trong năm nay đạt trên 14,6 ngàn tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử hoạt động nếu hoàn thành. Dư nợ tín dụng tăng 14%, tổng tài sản tăng 10% lên trên 819 ngàn tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu theo quy định được kiểm soát dưới 2%. Sacombank cũng dự chi tối đa 1.500 tỷ đồng để đưa một công ty chứng khoán về hệ sinh thái.
Câu chuyện tái cơ cấu của nhà băng chỉ còn chờ nút thắt cuối cùng, liên quan đến khoản nợ của ông Trầm Bê để chính thức công bố hoàn tất Đề án tái cơ cấu sau sáp nhập.

Ảnh minh họa
Năm 2025, Techcombank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16,4%, tương ứng dư nợ cho vay hơn 745 ngàn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế tăng hơn 14% kỳ vọng đạt trên 31 ngàn tỷ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay nếu đạt được. Trong kế hoạch, Techcombank sẽ tiếp tục mở rộng quy mô và đầu tư thêm nguồn lực, đặc biệt là mục tiêu duy trì ROE ở mức trên 20%.
Tại HDBank, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước đạt trên 21 ngàn tỷ đồng, thuế tăng 27% so với năm 2024, cũng là mức cao nhất từ trước đến nay của nhà băng nếu hoàn thành. Ngoài ra, ngân hàng còn đặt ra các chỉ tiêu hiệu quả hoạt động nổi bật với ROE đạt 26,2% và ROA đạt 2,15%, thuộc mức cao trong ngành.
MB đưa ra kế hoạch lợi nhuận trước thuế tăng gần 10% so với kết quả 2024, tương đương đạt trên 31 ngàn tỷ đồng, con số lịch sử của ngân hàng này, cùng đó tổng tài sản tăng 21%, tín dụng tăng 23% tùy thuộc theo hạn mức được Ngân hàng Nhà nước giao.
Với Vietbank, ban lãnh đạo dự kiến mức lợi nhuận trước thuế năm 2025 đạt 1,7 ngàn tỷ đồng, nếu đặt được, đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất từ trước tới nay lên tới 55%, tổng tài sản đạt 180 ngàn tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm, tổng dư nợ đạt 112 ngàn tỷ đồng vượt 20% so với năm 2024.
Không chỉ các ngân hàng kể trên, nhiều nhà băng đặt ra các mức chỉ tiêu vượt trội, thể hiện sự lạc quan tích cực và quyết tâm của ngành ngân hàng trong bối cảnh hiện nay. Ngoài ra, ngành ngân hàng đang được xem là điểm sáng trong chuyển đổi số, áp dụng công nghệ mới trong các họat động và điều này giúp các nhà băng tiết kiệm nhiều chi phí. Kết quả kinh doanh quý 1 của nhiều ngân hàng vừa công bố cũng đang cho thấy sự tích cực của toàn ngành.
Đánh giá thế nào về rủi ro?
Nhiều cổ đông đặc biệt quan tâm đến tác động câu chuyện thuế quan, sự thay đổi của tỷ giá cũng như những bất ổn từ vĩ mô bên ngoài đến tình hình hoạt động của các ngân hàng. Theo nhiều lãnh đạo ngân hàng, những yếu tố trên đã nằm trong sự tính toán có chuẩn bị của họ. Với các nhà băng có dư nợ cho các doanh nghiệp khách hàng xuất, nhập khẩu ít, mức độ ảnh hưởng được nhận định sẽ không lớn.
Tổng Giám đốc Phạm Quốc Thanh của HDB cho biết, dư nợ của các khách hàng xuất khẩu, nhập khẩu trực tiếp từ thị trường Mỹ của nhà băng này chỉ dưới 1,5% và ngân hàng đang hướng tới quản trị rủi ro tốt hơn vừa hỗ trợ, điều chỉnh cấu trúc tài trợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng. Cũng theo HDB, chỉ số CAR của nhà băng ở thời điểm hiện tại 14,85%, cao ở hàng đầu thị trường, cho phép ngân hàng có thể chống chịu tốt với khả năng biến động của thị trường và hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng.
Trong khi đó, Techcombank giữ thái độ thận trọng trước những bất ổn từ thị trường toàn cầu, với tinh thần phát triển bền vững nhưng không nóng vội. Lãnh đạo của TCB cho biết, TCB hiện đang nắm giữ mức vốn chủ sở hữu cao hơn đáng kể so với trung bình ngành, CAR ở mức 15%, trong khi nhiều ngân hàng khác chỉ giữ khoảng 12%. Điều này giúp ngân hàng sẵn sàng ứng phó với các biến động lớn như đại dịch, khủng hoảng lãi suất hay bất ổn thương mại, cũng như tham gia các dự án hạ tầng lớn.
Trong đó, Vietcombank, ngân hàng quốc doanh, câu chuyện thuế quan được nhận định sẽ tác động không nhỏ đến hoạt động của ngân hàng. Nhà băng hiện có danh mục khách hàng FDI lớn so với các ngân hàng khác với các mặt hàng xuất khẩu chịu ảnh hưởng nhiều từ thuế quan như điện tử, gỗ...
Theo Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thanh Tùng, VCB chiếm hơn 20% tổng dư nợ bán buôn, hơn 40% tổng huy động vốn toàn thị trường. Do đó, tác động từ thuế quan là điều khó tránh. Điều này cũng buộc ngân hàng này đặt ra các bài toán quản trị rủi ro nhằm hạn chế tối đa những khó khăn có thể xảy ra.
Theo KBSV, thời gian tới áp lực NIM lên các ngân hàng đang gia tăng trong bối cảnh mặt bằng lãi suất vẫn được duy trì ở vùng thấp để hỗ trợ nền kinh tế, song mức độ tác động sẽ có sự phân hóa. Dù vậy các chuyên gia cho biết, họ lạc quan về triển vọng của nhóm ngân hàng do có nền tảng tài chính vững chắc và triển vọng ngắn hạn được hỗ trợ bởi yếu tố tín dụng và luật hóa Nghị quyết 42 trong xử lý nợ xấu.