Điều gì đang xảy ra với cổ phiếu liên quan đến Ngân hàng Tiên Phong?

(DNTO) - Trong khi nhóm ngành ngân hàng giữ xu hướng tăng thì TPB lại lộn ngược dòng rơi mạnh, thậm chí có tình trạng bán tháo khi có tới 80 triệu cổ phiếu được trao tay trong phiên.
Cổ phiếu TPB của Ngân hàng TMCP Tiên Phong đã rơi vào tình trạng bị bán tháo, đặc biệt trong phiên sáng ngày 20/3. Lượng cổ phiếu đẩy ra dồn dập và dù đã được dòng tiền nâng đỡ, TPB cũng không tránh khỏi tình cảnh giảm điểm. Thị giá TPB mất 5,3% trong phiên. TPB đứng đầu HoSE về khối lượng giao dịch trong phiên và cũng là cổ phiếu có tác động tiêu cực nhất đến chỉ số chung.
Cùng chung tình cảnh với TPB, cổ phiếu ORS của Công ty cổ phần Chứng khoán Tiên Phong, nơi Ngân hàng TMCP Tiên Phong đang nắm giữ hơn 30 triệu cổ phiếu, tương đương 9% cổ phần, cũng rơi vào tình trạng bị xả hàng. ORS giảm kịch trần gần 7%, với hơn 24 triệu cổ phiếu khớp lệnh tương đương khoảng 7% lượng cổ phiếu đang lưu hành. Kết phiên, ORS trong tình trạng trắng bên mua trong khi chiều dư bán còn tới hơn 3,6 triệu cổ phiếu.

Ảnh minh họa
Ông Đỗ Anh Tú vừa là Chủ tịch HĐQT lại ORS, đồng thời cũng là phó Chủ tịch HĐQT tại TPB. Việc cả hai cổ phiếu vốn có quan hệ với nhau, bất ngờ đồng loạt giảm sâu hơn đã khiến nhà đầu tư nắm giữ hai cổ phiếu thêm phần lo ngại. Trước đó, từ đầu tháng 3, bộ đôi này cũng đã biến động khá mạnh trước các thông tin liên quan đến quyết định khởi tố vụ án và quyết định khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Hồ Nam, cựu Chủ tịch HĐQT Bamboo Capital (mã chứng khoán BCG).
Dù vậy, tính đến hiện tại, những sóng gió của Bamboo Capital với Tiên Phong có vẻ chưa có dấu hiệu dừng lại.
Báo cáo tài chính tính đến cuối năm 2024 của Bamboo Capital cho biết, vay ngắn hạn của doanh nghiệp này với TPB đạt hơn 600 tỷ đồng. Bamboo Capital vay từ nhiều ngân hàng khác nhau, tuy nhiên tại TPB chiếm tỷ trọng nhiều nhất.
Vay dài hạn của BCG với TPB cũng đạt hơn 900 tỷ đồng, được đơn vị này lý giải, bao gồm: vay mua xe ô tô, vay của công ty con là công ty cổ phần BCG Vĩnh Long để tài trợ dự án nhà máy điện mặt trời Vneco Vĩnh Long và khoản vay của công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng Tracodi để thực hiện khu nghỉ mát tại Hội An.
Như vậy, theo báo cáo hợp nhất 2024, cuối năm 2024, Bamboo Capital đang nợ TPB khoảng 15 ngàn tỷ đồng cả ngắn hạn và dài hạn. Dù vậy, con số này chỉ chiếm khoảng 6% tổng dư nợ của nhà băng Tiên Phong với hơn 250 ngàn tỷ đồng.
Kết thúc năm 2024, TPBank là ngân hàng ăn nên làm ra khi ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt gần 7.600 tỷ đồng, tăng 36% so với năm 2023 và vượt kế hoạch đề ra tại đại hội đồng cổ đông. Tổng tài sản vượt 418.000 tỷ đồng, tăng 17% so với năm trước và vượt kế hoạch 7%. Vốn điều lệ tăng lên 26.420 tỷ đồng.
Trong khi đó, tại Bamboo Capital, ORS đang nắm giữ hơn 16 triệu cổ phiếu, tương đương với 3%. Công ty chứng khoán này cũng đã tổ chức đăng ký, lưu ký đối với các lô trái phiếu ít nhiều liên quan đến ông Nguyễn Hồ Nam và Bamboo Capital. Năm 2024, ORS có lãi trước thuế tăng mạnh 70%, đạt hơn 481 tỷ đồng, hoàn thành vượt 34% kế hoạch kinh doanh cả năm.
Thị trường chứng khoán đã từng ghi nhận tình trạng, nhiều cổ phiếu có thể giảm sâu, tuy nhiên nguyên nhân lại không bắt nguồn từ kết quả kinh doanh hay từ phía nội lực của doanh nghiệp. Đôi khi sự xuất hiện của một vài thông tin nào đó có thể gây ảnh hưởng bất lợi, khiến xuất hiện trạng thái bán hàng loạt của nhà đầu tư.
"Đây có thể gọi là rủi ro phi hệ thống", ông Đỗ Quang Linh, Tư vấn đầu tư chứng khoán, tại Chương trình Việt Nam và các chỉ số, ngày 20/3, cho biết.
Theo ông Linh, nhà đầu tư nếu cầm cổ phiếu trong trạng thái như thế này chỉ nên hành động ở các phiên cân bằng, tránh bị tác động bởi tâm lý lao đà, bán hoảng loạn. Nhà đầu tư nên tầm soát, hạn chế giải ngân các cổ phiếu có thể bị ảnh hưởng yếu tố rủi ro phi hệ thống. Hiện tại, ông khuyến nghị nhà đầu tư nên quan sát và chờ các phiên hồi phục tới.