Vốn hóa của Tập đoàn Hoa Sen mất hơn 450 tỷ đồng sau đại hội cổ đông sáng nay

(DNTO) - Thị giá HSG giảm gần 3%, đưa vốn hóa thị trường của Tập đoàn Hoa Sen giảm hơn 450 tỷ đồng, trước các thông điệp cẩn trọng từ Chủ tịch Lê Phước Vũ.
Cả ba ông lớn dẫn đầu ngành thép trong nước, bao gồm HPG của Tập đoàn Hòa Phát, NKG của Tập đoàn thép Nam Kim và HSG của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen đều chung xu hướng điều chỉnh giảm trong phiên giao dịch ngày 18/3. Trong đó, HSG điều chỉnh mạnh nhất với 2,9%, theo sau là NKG với 2,7% và HPG chỉ với 0,9%.
Xét riêng HSG, cổ phiếu này đã bật tăng mạnh từ giữa tháng 2, tuy nhiên từ đầu tháng 3 đến nay, cổ phiếu rơi vào điều chỉnh với mức giảm gần 4%. Riêng phiên hôm nay, HSG ghi nhận gần 12 cổ phiếu được trao tay, thị giá giảm gần 3%, chốt phiên còn 18.300 đồng/cp.

Ảnh minh họa
Đánh giá thị trường thận trọng của lãnh đạo HSG
Diễn biến trên diễn ra ngay sau Tập đoàn Hoa Sen vừa tổ chức thành công ĐHCĐ. Thận trọng là điều dễ nhận thấy từ lãnh đạo của tập đoàn này.
Theo Chủ tịch Lê Phước Vũ, ông nhìn thấy năm 2025 có nhiều khó khăn phía trước như chủ nghĩa bảo hộ, những bất ổn về chính trị hay rủi ro về cuộc chiến thương mại trong bối cảnh chuyển giao quyền lực chính trị tại Mỹ...
Trong khi đó như cầu trong nước chưa cao. Cạnh tranh thị phần giữa các doanh nghiệp gay gắt. Thị trường châu Âu áp hạn ngạch. Vị Chủ tịch cho biết, theo dự đoán của ông, "ngành tôn thép giỏi lắm chỉ đi ngang, còn xu thế chung là đi xuống".
Đó là vì sao Hoa Sen đặt kế hoạch kinh doanh cho năm 2025 thấp hơn năm 2024. Cụ thể, với cả hai kịch bản kinh doanh, doanh nghiệp chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận hợp nhất sau thuế là 400 và 500 tỷ đồng, thấp hơn kết quả 515 tỷ đồng của năm 2024.
Trước bối cảnh trên, vị Chủ tịch Lê Phước Vũ đã cho biết về định hướng sắp tới, doanh nghiệp sẽ chuyển hướng sang mảng bán lẻ vật liệu xây dựng với kế hoạch phát triển Hoa Sen Home. Hoa Sen Home hiện có tới 410 cửa hàng. Năm 2024, Hoa Sen Homes đạt doanh số trên 13 ngàn tỷ đồng, trong đó vật liệu xây dựng chiếm tới 98% tổng doanh thu. Dự kiến năm 2025, Hoa Sen Home mang doanh thu về trên 15 ngàn tỷ đồng và đến năm 2030 là 33 ngàn tỷ đồng.
"Nếu không làm Hoa Sen Home, chúng ta chỉ đi ngang, rồi giảm dần và rồi mất tiêu. Đây là lĩnh vực, chiến lược, bước ngoặt để chuyển hướng. Môi trường đã khác, nước đi cũng phải khác", ông Vũ chia sẻ.
"Giá cổ phiếu đang 'bèo'"
Theo ông Vũ , giá cổ phiếu hiện chỉ 18,000 đồng/cp, trong khi giá trị sổ sách đã gần 18.000 đồng/cp. Như vậy, theo ông, mức giá này "bèo", chưa xứng tầm với giá trị và thương hiệu doanh nghiệp.
"Một doanh nghiệp Việt sản xuất đạt doanh thu 1 tỷ USD là hơi hiếm. Nước ngoài thì nhiều doanh nghiệp như thế, nhưng Việt Nam thì rất hiếm. Điều đó nói lên năng lực, khả năng của Tập đoàn", ông cho biết.
Việc tiếp tục nỗ lực để tạo thêm giá trị cho cổ đông là điều được các lãnh đạo tính đến. HĐQT thông qua phương án mua lại 50-100 triệu cổ phiếu quỹ nhằm bảo vệ lợi ích của cổ đông trước những biến động phức tạp của thị trường chứng khoán.
Nhìn lại lịch sử giao dịch, HSG từng đạt mức đỉnh gần 40 ngàn mỗi đơn vị vào năm 2021, tuy nhiên cuối năm 2022, HSG có thời điểm duy trì dưới mức 10 ngàn đồng mỗi cổ phiếu. Từ năm 2024 đến nay, cổ phiếu này xoay quanh vùng giá 18.000 -25.000 đồng mỗi cổ phiếu và chưa có sự bứt phá rõ nét.
Bộ Công Thương ra quyết định áp thuế Chống bán phá giá tạm thời đối với thép HRC từ Trung Quốc tháng 2 vừa qua, các doanh nghiệp tôn mạ như HSG được đánh giá có thể hưởng lợi trong ngắn hạn do tích trữ hàng tồn kho giá rẻ từ trước khoảng 1-2 quý và có thể điều chỉnh tăng giá bán trong bối cảnh giá HRC hồi phục.
"Tuy nhiên trong dài hạn các doanh nghiệp tôn mạ có mức độ hưởng lợi thấp khi biên gộp dự kiến có thể cải thiện nhẹ so với cùng kỳ nhờ có khả năng tăng giá bán", Chứng khoán MBS nhận định.
MBS dự đoán, doanh thu HSG sẽ tăng 12% so với 2024 đạt trên 43 ngàn tỷ đồng, lợi nhuận gộp tăng 11% đạt 4,8 ngàn tỷ đồng.