Cổ phiếu FPT sẽ tăng trở lại?

(DNTO) - Nếu so với mức giá đóng cửa phiên cuối tuần vừa qua, mức giá mục tiêu được KBSV đưa ra cao hơn 15,6% với 151.900 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu FPT của Công ty Cổ phần FPT đã bước sang giai đoạn điều chỉnh giảm gần hai tháng qua. Sau khi tăng mạnh trong suốt năm 2024, liên tục phá đỉnh lịch sử, thị giá FPT đã chốt chân ở mức giá kỷ lục 154.300 đồng/cp vào ngày 23/1 và sau đó quay đầu đi xuống. Cổ phiếu FPT đã mất tổng cộng hơn 12% và đối mặt với áp lực bán mạnh của cả khối nội và khối ngoại.
Tính riêng từ đầu năm đến nay, FPT đứng đầu danh sách bán của vốn ngoại với giá trị giao dịch ròng đạt trên 4,2 ngàn tỷ đồng. Phiên cuối tuần qua, giá trị bán ròng của khối này với FPT lên tới trên 600 tỷ đồng.

Ảnh minh họa
Đây cũng là xu hướng chung của các cổ phiếu ngành công nghệ trên thế giới mà Nvidia là điển hình. Áp lực chốt lời ở vùng giá cao; sự cạnh tranh của DeepSeek từ Trung Quốc; lo ngại từ cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung... đã đẩy nhiều cổ phiếu công nghệ vào giai đoạn điều chỉnh mạnh.
Liệu cổ phiếu FPT có sớm quay lại với đà tăng là điều được nhiều nhà đầu tư quan tâm khi mà thị giá cổ phiếu đang trở nên rẻ hơn so với trước và các triển vọng của doanh nghiệp tương đối tích cực.
Năm 2024 kết quả kinh doanh của doanh nghiệp nổi bật với doanh thu hợp nhất đạt gần 63 ngàn tỷ đồng, ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 9,4 ngàn tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2023 và là con số cao nhất từ trước đến nay của tập đoàn.
Doanh thu của tập đoàn được đến từ các mảng chính như giáo dục, viễn thông, công nghệ thông tin (CNTT) trong và ngoài nước. Trong đó, mảng CNTT nước ngoài đóng góp nhiều nhất, khoảng gần 50% trong cơ cấu doanh thu và được kỳ vọng duy trì mức tăng trưởng hai con số trong những năm tới.
Theo KBSV, năm 2024, doanh nghiệo ghi nhận con số ấn tượng với số lượng hợp đồng có quy mô trên 5 triệu USD đạt 48 hợp đồng, tăng 30% năm trước và chủ yếu đến từ thị trường Nhật Bản và APAC. Trong đó, dự án FPT AI Factory trong lĩnh vực cho thuê GPUaas kết hợp cùng NVIDIA và một số đối tác khác kì vọng mở khóa động lực tăng trưởng cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, xu hướng sử dụng AI tạo sinh sẽ thúc đẩy chi tiêu toàn cầu cho phần mềm và dịch vụ CNTT, khiến các chuyên gia thêm kỳ vọng tập đoàn sẽ tiếp tục bắt kịp các xu hướng mới, đẩy mạnh hoạt động đầu tư tại các thị trường trọng điểm.
"Sang năm 2026, tổng doanh thu mảng CNTT nước ngoài dự kiến đạt 47.585 tỷ đồng (tăng 23% so với cùng kỳ) và tiếp tục là động lực đóng góp tăng trưởng chính cho doanh thu cả mảng CNTT đạt 56.578 tỷ đồng (tăng 20% so với năm trước)", KBSV cho biết.
Mảng giáo dục còn nhiều thách thức do sự cạnh tranh từ các trường đại học công lập, tuy nhiên, doanh nghiệp đã tích cực thực hiện các hoạt động hợp tác đào tạo với các trường đại học lớn nhằm nâng cao chương trình giảng dạy. Năm 2025, dự kiến sẽ vận hành thêm các trường tại Huế và Hậu Giang, kỳ vọng doanh thu tăng 20% và 20,79% trong giai đoạn 2025 và 2026, tương ứng doanh thu 7,4 và 8,9 ngàn tỷ đồng.
Triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp được nhận định còn đến từ việc tích cực tham gia các thương vụ M&A, kỳ vọng tăng trưởng dẫn đầu doanh thu từ thị trường Nhật Bản hay việc mở rộng thị phần tại EU nhờ tích cực thâm nhập lĩnh vực sản xuất phầm mềm ô tô...
"Chúng tôi cho rằng đà tăng trưởng lợi nhuận của FPT sẽ tiếp tục duy trì 17-20%/năm trong vòng 3-4 năm tới, qua đó cần định giá FPT tương quan với các công ty hoạt động trong mảng tương tự tại quốc gia đang phát triển của Châu Á", KBSV nhận định.
Trước các yếu tố tích cực trên và với việc kết hợp sử dụng các phương pháp định giá, xem xét các rủi ro có thể phát sinh, KBSV khuyến nghị trung lập với FPT, giá mục tiêu là 151.900 đồng/cổ phiếu, cao hơn 15,5% so với hiện tại.