Donald Trump khiến chứng khoán Trung Quốc có phần ‘tươi tắn’ hơn

(DNTO) - Cuộc chiến thương mại toàn diện của Tổng thống Mỹ, Donald Trump, đang làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế, thế nhưng các nhà đầu tư đã tìm thấy một nơi trú ẩn mới không thể ngờ tới: cổ phiếu Trung Quốc.

Các nhà đầu tư chứng khoán rời bỏ thị trường Mỹ đang tìm thấy chỗ trú ẩn mới tại thị trường Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông (HSI), nơi niêm yết nhiều công ty lớn của Trung Quốc - đã tăng 17% kể từ khi Trump nhậm chức vào Nhà Trắng hồi tháng 1. Mức tăng này đi ngược với S&P 500 (SPX), chỉ số chứng khoán tại Mỹ, đã mất 4 nghìn tỷ đô la giá trị thị trường sau khi từng đạt mức cao kỷ lục vào tháng trước.
Tuyên bố thất thường của Trump về thuế quan và động thái cắt giảm chi tiêu của chính phủ liên bang đã thách thức những giả định về sức hấp dẫn của cổ phiếu Hoa Kỳ, vốn thường vượt trội hơn hẳn so với hầu hết các đối thủ toàn cầu của họ kể từ những năm 2021.
Andy Wong, Giám đốc điều hành cấp cao tại Pictet Asset Management có trụ sở tại Hồng Kông, cho biết các nhà đầu tư đã rời bỏ suy nghĩ rằng không có gì có thể thay thế được cho chứng khoán Hoa Kỳ.
Phần lớn các đợt tăng giá gần đây của cổ phiếu Trung Quốc được dẫn đầu bởi cổ phiếu công nghệ (HSTECH), tăng 29% trong năm 2025, đạt mức cao nhất trong ba năm vào tuần trước. Giống như nhiều nhà đầu tư cổ phiếu Trung Quốc mới, Wong cho biết ông nhìn thấy cơ hội trong các hoạt động công nghệ, quốc phòng và tiêu dùng.
Một lý do chính cho sự lạc quan: Cổ phiếu Trung Quốc đang có mức giá rẻ, giao dịch thấp hơn 30% so với mức cao nhất năm 2021. Chỉ số Hang Seng được định giá ở mức gấp 7 lần so với doanh thu dự kiến trong 12 tháng - một thước đo thường được sử dụng để định giá cổ phiếu - so với mức gấp 20 lần của S&P 500, theo dữ liệu của LSEG.

Xu hướng trái ngược của hai chỉ số Hong Kong Hang Seng và S&P 500. Ảnh: Reuters
Có một lý do tại sao cổ phiếu Trung Quốc được giao dịch ở mức giá rẻ như vậy. Nhiều nhà đầu tư đã từng bị mất trắng khi chính quyền Trung Quốc mạnh tay kiểm soát ngành công nghệ nước này, bên cạnh đó, ngành bất động sản của họ vẫn đang lung lay.
Nhưng các nhà đầu tư thấy nhiều triển vọng tăng trưởng sau đợt tăng mạnh của cổ phiếu công nghệ, vào dịp công ty startup AI DeepSeek ra mắt mô hình R1. Bên cạnh đó, có nhiều triển vọng trong các biện pháp kích thích tài chính có thể thúc đẩy tiêu dùng - vốn là lực cản lâu dài đối với nền kinh tế Trung Quốc.
Theo cuộc phỏng vấn của Reuters với nhiều nhà quản lý quỹ và chiến lược gia, một số đồng tình rằng sự quan tâm mới với cổ phiếu Trung Quốc xuất phát từ sự sụt giảm của cổ phiếu Hoa Kỳ, nhưng cũng có nhiều nhà đầu tư đang rời khỏi các thị trường hiện gặp khó khăn như Hàn Quốc và Ấn Độ.
Serene Chen, Giám đốc bộ phận tín dụng, tiền tệ và bán hàng thị trường mới nổi của JPMorgan cho biết họ đã chứng kiến một lượng kỷ lục đô la Mỹ và nhân dân tệ Trung Quốc được chuyển đổi sang đô la Hồng Kông trong vài tuần qua, cho thấy dòng tiền đang chảy vào cổ phiếu Hồng Kông.
Dữ liệu từ Morgan Stanley cho thấy các quỹ đầu tư nước ngoài đã đầu tư 3,8 tỷ đô la vào cổ phiếu Trung Quốc vào tháng 2 sau ba tháng rút vốn liên tiếp.
Kamal Bhatia, Giám đốc điều hành của Principal Asset Management có trụ sở tại New York, cho biết các nhà đầu tư dài hạn ưa thích chỉ số dễ đoán.
Một số nhà đầu tư nhận thấy sự trớ trêu của đợt tăng giá trên thị trường chứng khoán châu Âu và Trung Quốc, nơi chính quyền Trump coi là đối thủ địa chính trị và đang đưa ra hàng loạt các “đòn đánh” thuế quan.
Ross Mayfield, chiến lược gia đầu tư tại Baird có trụ sở tại Hoa Kỳ, cho biết: "Áp lực mà chính quyền Trump gây ra cho các quốc gia khác... thực tế, nhiều lần dẫn đến tình huống có lợi cho các quốc gia đó".
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu sự thay đổi này của giới đầu tư là ngắn hạn hay thật sự là một thay đổi có hệ thống. Thị trường chứng khoán Trung Quốc, Hồng Kông vẫn còn phải đối mặt với áp lực chiến tranh thương mại từ Mỹ cũng như nguy cơ giảm phát của chính nền kinh tế Trung Hoa đại lục.