Thấy gì từ gói hỗ trợ 20.000 tỷ đồng của Bộ Tài chính?
(DNTO) - Chiều 29/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, bộ đang nghiên cứu để tham mưu Chính phủ một số gói về kích thích kinh tế, hỗ trợ lãi suất với khoảng 20 nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp.
Trên cương vị là “tư lệnh” ngành Tài chính, nắm giữ “tay hòm chìa khóa” trong thời điểm hết sức khó khăn khi "cửa chi" ngân sách ngày càng phình đại, còn "cửa thu" hẹp dần, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, từ cuối tháng 4 đến tháng 10/2021, giữa bối cảnh dịch bệnh nhưng trong điều hành, Bộ Tài chính luôn đảm bảo thực hiện theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, vừa chống dịch vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.
Theo đó, để tiếp tục có những trợ lực cần thiết cho doanh nghiệp trong bối cảnh phục hồi sản xuất, bộ đang tính toán gói kích cầu, kích thích kinh tế theo hướng đề xuất đưa ra một số chính sách tài khóa.
Cụ thể, dự kiến sẽ có một gói hỗ trợ lãi suất 20.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp ở một số ngành nghề nhất định và một số công trình trọng điểm. Gói hỗ trợ kích cầu này sẽ giúp các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch nhưng có đủ điều kiện để vay, phát triển sản xuất kinh doanh.
"Theo nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII, xác định bội chi thực hiện theo nguyên tắc, trong giai đoạn 5 năm tới là 3,7%. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay cần đưa ra gói kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nên phải chấp nhận bội chi tăng lên. Còn sau đó khi nền kinh tế đi vào ổn định, phát triển thì giảm xuống", Bộ trưởng Phớc cho hay.
Để bù vào khoản "hụt" ngân sách từ gói hỗ trợ, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết thời gian tới sẽ tập trung tăng thu thuế trên các nền tảng số mà nay còn dư địa, không ảnh hưởng tới doanh nghiệp như: Bán hàng online, các nền tảng xuyên biên giới… Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ đẩy mạnh các hoạt động chống chuyển giá, trốn thuế. Thực hiện thắt chặt chi tiêu, như giảm 10% chi thường xuyên, tiết kiệm 5% chi công tác phí, hội nghị…
Gói hỗ trợ cần sát với thực tế
Mặc dù chưa rõ "hình hài", quy mô của gói kích cầu được đề xuất sẽ ra sao, nhưng thông tin này đã tạo sự phấn khởi, đặc biệt cho giới doanh nghiệp đang phải loay hoay tìm chiến lược phục hồi. Bởi trải qua 3 đợt dịch bệnh, đến lần 4, "sức đề kháng" của doanh nghiệp và người lao động hầu như đã cạn kiệt.
Số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/10 cho thấy, trong 10 tháng, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 48,5 nghìn doanh nghiệp, 35 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, 13,6 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 0,8%. Bình quân một tháng có 9,7 nghìn doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường...
Điều này cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, gói hỗ trợ lần này sẽ giúp doanh nghiệp có thêm "liều thuốc giảm đau”, liều “vaccine” để hà hơi tiếp sức trong bối cảnh mới.
Nêu quan điểm của mình, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) đánh giá: "Hoàn cảnh đặc biệt hiện nay đòi hỏi phải có những chính sách đặc biệt, nhất là đối với những lĩnh vực mới, xu hướng sản xuất kinh doanh mới, xu hướng tiêu dùng mới".
Cũng theo ông Long, gói hỗ trợ mới là “sự dũng cảm cần thiết" trong bối cảnh thu ngân sách Nhà nước gặp nhiều khó khăn.
“Giữa thời điểm thu ngân sách eo hẹp như hiện nay, Bộ Tài chính vẫn thiết kế một gói hỗ trợ lãi suất, thực chất là tái cấp vốn, đây là điều mà các doanh nghiệp rất cần trong thời điểm này. Điều này một lần nữa thể hiện sự đồng hành của Chính phủ đối với doanh nghiệp là rất lớn", PGS.TS Ngô Trí Long nhấn mạnh.
Đồng thời, theo ông Long, rút kinh nghiệm của những lần hỗ trợ trước đó, các điều kiện để tiếp cận gói hỗ trợ cần sát với thực tế, không thể trên bàn giấy mà chính sách phải phản ánh được hơi thở, yêu cầu của nền kinh tế, của người dân và doanh nghiệp.
“Bởi nguồn lực có hạn nên hình thức hỗ trợ phải có hiệu quả. Cần tập trung những ngành, lĩnh vực có khả năng lan toả, đặc biệt là những ngành có khả năng vực dậy, phục hồi. Điều kiện để doanh nghiệp được hỗ trợ cũng phải sát với thực tế, hợp lý. Nếu quá cao là vô nghĩa”, ông Long bày tỏ quan điểm.
Về phần mình, theo ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), nếu doanh nghiệp được tiếp cận nguồn tín dụng với lãi suất thấp sẽ giúp giảm được chi phí, khuyến khích họ mạnh mẽ hơn trong tái đầu tư sản xuất, kinh doanh.
"Ngân hàng cũng cần tính toán để nhiều doanh nghiệp có thể tiếp cận tín dụng hơn. Chỉ khi nào tháo gỡ được rào cản này mới phát huy được hết ý nghĩa của một chính sách tín dụng", ông Tô Hoài Nam cho hay.
Còn theo ông André Gama, chuyên gia của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, không nên coi các gói hỗ trợ kinh tế trên khía cạnh chi phí, mà nên coi đó là sự đầu tư, là chiếc cầu bắc qua dòng nước xiết, giúp bình ổn nền kinh tế, giúp các gia đình không bị rơi vào nghèo khó, giúp đất nước hồi phục nhanh hơn và mạnh mẽ hơn từ cơn bão Covid-19.