Bộ Tài chính công bố 5 chuẩn mực kế toán công Việt Nam đợt 1
(DNTO) - Ngày 29/10, Bộ Tài chính tổ chức hội thảo công bố 05 chuẩn mực kế toán công Việt Nam đợt 1 được ban hành theo Quyết định số 1676 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, tạo cơ sở để Việt Nam được nâng hạng đánh giá tín nhiệm của các đối tác trong và ngoài nước.
Tại Hội thảo công bố 5 chuẩn mực kế toán công Việt Nam đợt 1, ngày 29/10, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết, việc công bố hệ thống chuẩn mực kế toán công của Việt Nam là căn cứ để Bộ Tài chính ban hành hệ thống chế độ kế toán, hướng dẫn cụ thể phù hợp với từng loại hình đơn vị, đặc điểm tổ chức hoạt động trong mối quan hệ phù hợp với các cơ chế chính sách về tài chính công và ngân sách nhà nước.
Theo đó, hệ thống chuẩn mực kế toán công Việt Nam sau khi được công bố sẽ là cơ sở để ban hành chế độ kế toán áp dụng cho các đơn vị trong khu vực công thực hiện công tác kế toán, lập báo cáo tài chính. Đồng thời, cung cấp thông tin hữu ích cho việc quản lý, kiểm tra, giám sát các nguồn lực thuộc Nhà nước, đặc biệt là thống nhất dữ liệu của các đơn vị kế toán công.
Việc áp dụng các quy định theo thông lệ chung làm căn cứ hướng dẫn kế toán dồn tích một cách phù hợp đối với đối tượng là kế toán công. Cùng đó, tạo điều kiện thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế, thu hút nguồn lực bên ngoài; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị kế toán công.
Bên cạnh đó, việc vận dụng các thông lệ tốt trong chuẩn mực công sẽ giúp cho cơ chế tài chính công được đồng bộ, khoa học trên cơ sở kinh nghiệm, thông lệ tốt của quốc tế. Do đó, khi chưa công bố chuẩn mực, sẽ ảnh hưởng đến việc xếp hạng của Việt Nam trong một số đánh giá của các tổ chức tài chính quốc tế nước ngoài và có thể ảnh hưởng đến kết quả của các cuộc đàm phán giao dịch kinh tế.
Vì vậy, việc công bố và thực hiện hệ thống chuẩn mực công mang lại hiệu quả gián tiếp cho các hoạt động hội nhập quốc tế, cũng như việc nâng cao lòng tin của các đối tác, các tổ chức tài chính, kinh tế trong và ngoài nước.
Ông Vũ Đức Chính, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính) cho biết, hệ thống chuẩn mực được phân loại theo các nhóm là các chuẩn mực không có sự khác biệt về mặt kỹ thuật, hoặc ít khác biệt, có thể điều chỉnh về mặt kỹ thuật liên quan đến kế toán, không cần điều chỉnh các cơ chế tài chính, ngân sách hiện hành của Việt Nam.
Về lộ trình ban hành, các chuẩn mực dựa trên chuẩn mực kế toán công quốc tế có nội dung phù hợp với điều kiện Việt Nam, ít phải sửa đổi, bổ sung sẽ ban hành, công bố trước. Các chuẩn mực phức tạp, có nhiều khác biệt hơn cần nhiều thời gian nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung về cơ chế tài chính hoặc phụ thuộc vào việc bổ sung, sửa đổi pháp luật có liên quan.
Theo đó, để đảm bảo tính ổn định, lâu dài và có tính khả thi, chuẩn mực kế toán công Việt Nam được xác định sẽ không áp dụng trong khu vực công nên được xóa bỏ, không quy định trong dự thảo chuẩn mực kế toán công Việt Nam.
Đây là các nội dung không phù hợp với yêu cầu quản lý trong khu vực công. Trường hợp phát sinh tại các đơn vị liên quan khác, thì các đơn vị này là đối tượng áp dụng chế độ kế toán doanh nghiệp (IFRSs...).
Trên thực tế, các đơn vị kế toán hoạt động trong lĩnh vực công hiện nay đang áp dụng các chế độ kế toán phù hợp với đặc điểm tổ chức và hoạt động của mình. Việc ban hành hệ thống chuẩn mực sẽ giúp cho các nguyên tắc, phương pháp kế toán được thống nhất, đồng bộ, đảm bảo thông tin của các đơn vị chính xác, phù hợp và tin cậy hơn.
Theo Đề án, giai đoạn 2020-2024, cần phải nghiên cứu, xây dựng và công bố các chuẩn mực kế toán công theo lộ trình.
Cụ thể, đợt 1, ban hành 5 chuẩn mực không có sự khác biệt về mặt kỹ thuật, hoặc ít khác biệt, có thể điều chỉnh về mặt kỹ thuật.
Đợt 2, ban hành 5 chuẩn mực có ít khác biệt hoặc khác biệt, nghiên cứu ban hành sau khi bổ sung, sửa đổi về mặt cơ chế tài chính, ngân sách.
Đợt 3, ban hành 5 chuẩn mực có khác biệt, nghiên cứu ban hành sau khi bổ sung, sửa đổi về mặt cơ chế tài chính, ngân sách.
Đợt 4, tiếp tục ban hành 6 chuẩn mực có khác biệt, nghiên cứu ban hành sau khi bổ sung, sửa đổi về mặt cơ chế tài chính, ngân sách.
Sau năm 2024, ban hành các chuẩn mực có những khác biệt lớn, cần được nghiên cứu để áp dụng khi đã tạo lập đầy đủ các điều kiện liên quan để giải quyết sự khác biệt phù hợp với kinh tế Việt Nam.