Chi phí tăng cao, doanh nghiệp 'đau đầu'
(DNTO) - Giá nguyên vật liệu và chi phí đầu vào sản xuất tăng cao nhưng giá bán sản phẩm chưa thể tăng lên, khiến các công ty trên mọi lĩnh vực chật vật xoay sở.
Cố kìm giá bán sản phẩm
Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) cho biết, giá xăng dầu tăng liên tiếp và tăng nhiều trong thời gian qua, cũng như nguồn nguyên liệu tăng khiến doanh nghiệp đau đầu.
Thêm nữa, giá thức ăn chăn nuôi đang tăng cao cũng khiến doanh nghiệp chật vật. Giá thức ăn chăn nuôi tăng, tất yếu sẽ khiến giá heo hơi tăng lên.
“Toàn bộ các yếu tố đầu vào tăng khiến lợi nhuận của công ty giảm, ảnh hưởng tới đời sống của cán bộ công nhân viên”, ông An nói.
Tuy nhiên, ông An cho rằng, khó khăn lớn là từ tết tới giờ sức mua thấp, nếu tăng giá sản phẩm thì sức mua giảm nữa nên tới thời điểm này công ty vẫn chưa dám tăng giá bán các sản phẩm trong cũng như ngoài chương trình bình ổn thị trường. Thế nên, Vissan vẫn ráng cầm cự. Và để cầm cự được, Vissan đã phải rà soát các chi phí không phụ thuộc vào giá xăng dầu, giảm được chi phí nào thì giảm để bù đắp cho phần chi phí tăng cao.
“Vissan đang cố gắng cầm cự nhưng trong thời gian 2-3 tháng tới thì không dám nói trước là có ổn định được giá bán sản phẩm hay không”, ông An chia sẻ thêm.
Trong khi đó, ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt, TP.HCM – đơn vị chuyên cung ứng trứng gia cầm cũng cho biết, doanh nghiệp đang cầm cự để chưa tăng giá bán sản phẩm. Tuy nhiên, việc tăng giá trong thời gian tới, có lẽ là việc không thể không làm.
Đại diện một số hệ thống bán lẻ như Saigon Co.op, MM Mega Martket... cũng cho biết, nhiều nhà cung cấp đã đề nghị siêu thị được tăng giá hàng hóa chủ yếu do giá xăng dầu tăng. Tuy nhiên, hiện tại các siêu thị vẫn đang kìm giá sản phẩm. Đặc biệt, siêu thị chủ động áp dụng nhiều chương trình khuyến mại nhằm giảm gánh nặng mua sắm cho người tiêu dùng.
Kiến nghị lùi thời gian thu phí cảng biển
Tại Hội nghị giao ban với các tổ chức hội quí 1/2022, do Sở Công thương TP.HCM tổ chức hôm qua, 8/3, bà Trần Hoàng Phú Xuân, Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, cho biết các doanh nghiệp trong hội đã cố gắng cắt giảm nhiều chi phí, thương lượng với khách hàng để điều chỉnh phí, giá cho phù hợp. Tuy vậy, hợp đồng đã ký từ trước nên muốn điều chỉnh giá không phải dễ.
Theo bà Xuân, khó khăn của các doanh nghiệp ngành may mặc hiện nay là giá nguyên vật liệu tăng cao. “Giá sợi cotton 2 năm qua tăng gần 70%, nguyên phụ liệu ngành dệt may trong nước cũng tăng đến 40%”, bà dẫn chứng.
Vì đó, theo bà, để có giá cạnh tranh, doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ, xem xét tính toán lại mức phí, và lùi thời gian áp dụng thu phí hạ tầng cửa khẩu, cảng biển.
Ông Lương Công Huỳnh, Tổng thư ký Hội dây và cáp điện TP.HCM nêu, do nguồn cung nhôm, đồng trong nước hạn chế nên doanh nghiệp phải nhập khẩu với giá tăng liên tục dẫn đến khó khăn trong sản xuất và cạnh tranh.
Trong khi đó, ông Bùi Hữu Thêm, phó tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM cho biết chi phí xuất khẩu, đặc biệt đi Mỹ và Châu Âu rất cao. Mỗi container đi Mỹ (bờ Đông) phải trả trên dưới 22.000 USD, tăng gần 10 lần so với khi tình hình ổn định.
Ông Thêm kiến nghị Nhà nước cần sớm có các giải pháp để giảm giá nguyên vật liệu, xăng dầu, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.