Tìm ‘cơ’ từ mối ‘nguy’ của cuộc xung đột Nga – Ukraine

(DNTO) - Cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế thế giới nói chung, nhưng theo chuyên gia, doanh nghiệp Việt Nam vẫn có thể tìm thấy một số cơ hội để trở mình.

Hoạt động xuất nhập khẩu Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc xung đột Nga - Ukraine. Ảnh: T.L.
‘Tứ bề’ khó khăn
Khi Việt Nam vẫn đang nỗ lực để sống chung với đại dịch Covid-19 phục hồi kinh tế, thì cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine nổ ra đã tác động không nhỏ đến tình hình kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Theo các chuyên gia, khó khăn mà Việt Nam phải đối diện hiện nay là giá xăng dầu thế giới tăng cao sẽ kéo theo giá xăng dầu trong nước gia tăng và tác động đến nhiều quốc gia là đối tác thương mại của Việt Nam.
Kết thúc ngày 7/3, giá dầu Brent đã ở mức 125 USD/thùng, dầu WTI 120 USD/thùng. Một số dự báo cho biết giá dầu có thể lên tới gần 200 USD/thùng nếu Nga tiếp tục bị cấm vận. Tại Việt Nam, ở kì điều chỉnh ngày 1/3, giá xăng Ron95 gần mức 27.000 đồng/lít và theo dự báo trong năm nay có thể lên tới 30.000 đồng/lít.
Giá xăng dầu tăng kéo theo chi phí sản xuất kinh doanh, chi phí sinh hoạt của người dân tăng đột biến. Trong khi đó thu nhập của người dân, khả năng chống chịu doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề trong 2 năm chống chịu với dịch Covid-19, đây là một áp lực rất lớn trong việc kìm chế lạm phát, phục hồi và phát triển kinh tế.
Ngoài ra, Nga là thị trường cung cấp lượng lớn hàng hóa nguyên liệu như lúa mì, ngô, phân bón… cho thế giới và Việt Nam. Giá nguyên liệu tăng tác động không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp của các nước phải nhập khẩu như Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc một số ngân hàng lớn của Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT đã gây ảnh hưởng đến việc thanh toán nhiều hợp đồng của doanh nghiệp với đối tác nước này. Cùng với việc các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) có thể sẽ điều chỉnh chính sách tiền tệ khi chỉ số giá tiêu dùng khu vực này trong tháng 2/2020 tăng 5,8%, cũng sẽ ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ Việt Nam.
Cơ hội ở đâu?

Khi các nước phương Tây rời Nga, Việt Nam có cơ hội đưa hàng hóa nhiều hơn vào thị trường này. Ảnh: T.L.
Theo TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, trong hàng loạt cuộc khủng hoảng như đại dịch Covid-19, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và giờ là xung đột địa chính trị Nga – Ukraine, bên cạnh những tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế nói chung cũng có những cơ hội cho Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam.
Bởi lẽ, trong mỗi cuộc biến động bao giờ cũng nảy sinh những xu hướng mới, là hàm ý sâu xa cho thế giới, khu vực và từng quốc gia phải tiến hành đổi mới, cải tổ và nắm bắt xu hướng mới. Đối với doanh nghiệp là cơ hội chuyển dịch thị trường, đối tác, sản phẩm, quản trị doanh nghiệp, đổi mới mô hình kinh doanh…
Phân tích kĩ hơn về cơ hội cho Việt Nam trước cuộc xung đột Nga – Ukraine, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho biết, khi các đối tác phương Tây rời Nga, Việt Nam sẽ có cơ hội tiến sâu hơn vào thị trường này. Vì vậy, nếu xét về dài hạn, Việt Nam có cơ hội tăng cường các mặt hàng xuất khẩu sang Nga.
Bên cạnh đó, mới đây, cơ quan chức năng Nga đánh giá Việt Nam là một trong những điểm đến du lịch an toàn và khuyến nghị người dân có thể đến Việt Nam du lịch. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam thu hút khách du lịch từ thị trường này.
Cũng theo TS Võ Trí Thành, khủng hoảng là cơ hội để các quốc gia, doanh nghiệp nhìn lại mình, học cách quản trị rủi ro và nâng cao sức chống chịu trước biến động.
“Trước một thế giới đầy rủi ro và nhiều bất ổn, bất định, đầu tiên vẫn là câu chuyện quản trị rủi ro, từ kịch bản, phản ứng, cần có đầy đủ thông tin để phân tích, từ đó, cả Nhà nước và doanh nghiệp sẽ có phương án phản ứng nhanh, linh hoạt”, TS Thành cho hay.