Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản lo đứt gãy chuỗi cung ứng từ xung đột Nga – Ukraine
(DNTO) - Xung đột Nga – Ukraine khiến các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang Nga như "ngồi trên đống lửa" với nỗi lo thiếu hụt, đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là trong thời điểm giá xăng dầu tăng vọt, khiến chi phí vận chuyển các mặt hàng nông nghiệp và nhiên liệu bị đội lên...
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT Việt Nam, Nga là thị trường tiềm năng của nông sản Việt Nam cả về xuất khẩu lẫn nhập khẩu.
Cụ thể, xuất khẩu nông – lâm – thủy sản sang Nga hàng năm khoảng 500 triệu USD, trong đó có một số mặt hàng chủ lực như thủy sản (164 triệu USD, chiếm 3% tổng xuất khẩu thủy sản), cà phê (173 triệu USD chiếm khoảng 6%), tiêu, điều (60 triệu USD, chiếm khoảng 2%)...
Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng nhập khẩu từ Nga và Ukraine, tổng nhập khẩu nông lâm thủy sản từ Nga vào Việt Nam năm 2021 khoảng 500 triệu USD, nhiều nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp trong nước như lúa mỳ, trong điều kiện bình thường có thể đến 1 triệu tấn, chiếm khoảng 20% tổng nhập khẩu lúa mỳ, ngô chiếm 3% tổng nhập khẩu ngô làm thức ăn chăn nuôi; phân bón khoảng 10% tổng nhập khẩu phân bón.
“Tuy nhiên, khi xung đột nổ ra, giao dịch xuất nhập khẩu sang Nga đều phải tạm dừng do rủi ro về giao dịch ngân hàng, thiếu tàu vận chuyển và chi phí cao. Các doanh nghiệp hiện nay đều phải theo dõi tình hình để xử lý hàng tồn hoặc tìm cách xuất khẩu sang các thị trường khác”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho hay.
Nằm trong top 10 công ty xuất khẩu thủy sản sang Nga năm 2021, nhưng thời điểm này CTCP Chế biến thủy sản xuất nhập khẩu Kiên Cường đang tạm ngưng xuất khẩu sang thị trường này. Ông Đoàn Hoàng Chiến, Giám đốc công ty cho biết, lo ngại những rủi ro từ xung đột Nga - Ukraine ảnh hưởng đứt gãy chuỗi cung ứng từ các khâu vận chuyển hàng hóa, chứng từ, thanh toán…, nên công ty tạm ngưng xuất khẩu sang Nga.
"Hiện các hãng vận tải đang ngừng nhận hàng đi 2 quốc gia này nên hàng sản xuất rồi phải để vào kho. Đây là 2 thị trường chiếm khoảng 30% tổng thị phần xuất khẩu của Kiên Cường, nên việc chuyển hướng thị trường rất khó, chỉ biết chờ cuộc xung đột này nhanh kết thúc để mọi việc trở lại bình thường", ông Chiến cho hay.
Tương tự, ông Đặng Hoàng Giang, tổng thư ký Vinacas, cho biết, với các lô hàng đã xuất bến tại Việt Nam lúc này không thể đến trực tiếp cảng Nga mà phải thông qua cảng trung gian tại Đức hoặc Hà Lan. Tại đó, hàng hóa sang Nga sẽ phải đợi để đi tiếp nhưng chưa rõ thời gian cụ thể.
"Các hãng tàu thông báo với doanh nghiệp như vậy, phải lưu bãi chi phí càng tăng thêm. Dù Nga không phải thị trường xuất khẩu chủ lực hạt điều nhưng cũng gây tác động dây chuyền với các thị trường khác và ảnh hưởng đến giá mua điều nguyên liệu trong nước khi tháng 3 này là thời điểm thu hoạch chính", ông Giang nhận định.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho hay, hiện có khoảng 50 doanh nghiệp Việt Nam được cấp phép xuất khẩu thủy sản sang Nga. Có những doanh nghiệp đã giao hàng cho đối tác ở Nga nhưng đang lo lắng về việc sẽ khó thu được tiền hàng. Mặt khác, có những công ty ở một số nước khác, trước nay vẫn nhập khẩu thủy sản Việt Nam để chế biến xuất khẩu sang Nga cũng bị ảnh hưởng, dẫn tới ngừng mua thủy sản Việt Nam,
Chưa hết, nhiều doanh nghiệp cho biết việc gửi chứng từ sang Nga đang kẹt do ngân hàng trong nước không dám nhận, vì thế có những đơn hàng đang vận chuyển nhưng chứng từ chưa gửi được... Quay đầu hay chuyển hướng là bài toán nhiều doanh nghiệp phải "cân não" trong lúc này.
“Hiện, nhiều doanh nghiệp Việt Nam muốn thúc đẩy xuất khẩu sang Nga phải tính toán lại. Do đó, trước mắt các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần bám sát vào các quy định, thông tin mới từ các ngân hàng của Nga, ít nhất là đảm bảo không đứt gãy thanh khoản trong giao thương”, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhìn nhận.
Trước thực tế trên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ theo dõi sát tình hình, phối hợp chặt chẽ với hiệp hội ngành hàng và Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ thanh toán cho các doanh nghiệp đã có hàng xuất đi Nga nhưng giao dịch tài chính đang bị đình trệ.
Bộ sẽ làm việc với các hiệp hội ngành hàng để bàn giải pháp xử lý khó khăn trước mắt do ngưng trệ thị trường Nga và Ukraine. Đồng thời tìm giải pháp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, cùng với đó là tăng cường thu hút doanh nghiệp đầu tư để chủ động trong đầu vào thiết yếu cho sản xuất nông nghiệp, hệ thống chế biến và logistics nông nghiệp...