Chè Việt Nam xuất sang Nga giá thấp vì chưa chế biến sâu
(DNTO) - Do chủng loại chè xuất khẩu Việt Nam vào Nga là chè sơ chế ở dạng thô, có chất lượng không cao, nên mặc dù khối lượng xuất khẩu khá lớn nhưng giá vẫn ở mức thấp.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, trong nửa đầu năm 2021, xuất khẩu chè Việt Nam đạt 58,1 nghìn tấn, trị giá 94,9 triệu USD, tăng 0,3% về lượng và tăng 4,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá chè xuất khẩu bình quân trong nửa đầu năm 2021 đạt 1.632,9 USD/tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Thị trường xuất khẩu chính của chè Việt Nam là Pakistan, Đài Loan và Nga, chiếm 55,4% tổng lượng chè xuất khẩu.
Trong 4 tháng đầu năm, Nga nhập 52,3 nghìn tấn chè, trị giá 152,2 triệu USD, tăng 4,8% về lượng và tăng 13,4% về trị giá. Giá nhập khẩu chè bình quân của Nga đạt 2.907,1 USD/tấn, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Mặc dù Nga tăng mạnh nhập khẩu chè từ nhiều thị trường chính nhưng giảm mạnh nhập khẩu từ Việt Nam. Trong 4 tháng đầu năm, Nga chỉ nhập 4 nghìn tấn chè Việt Nam, trị giá 6,7 triệu USD, giảm 18,9% về lượng và giảm 15,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Giá chè nhập khẩu từ Việt Nam ở mức 1.684,4 USD/tấn, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 10,6%, giảm 3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020.
Lý giải về nguyên nhân chè Việt Nam kém sức hút tại Nga, Cục Xuất nhập khẩu cho biết, do chủng loại chè xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Nga là chè sơ chế ở dạng thô, có chất lượng không cao, giá thấp nên mặc dù khối lượng xuất khẩu khá lớn nhưng trị giá vẫn ở mức thấp.
Do đó, theo Cục Xuất nhập khẩu, để đẩy mạnh xuất khẩu chè sang thị trường này, doanh nghiệp cần đầu tư mạnh vào dây truyền sản xuất, để đưa các sản phẩm chè sơ chế vào chế biến, xây dựng thương hiệu để tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Theo worldstopexports.com, mặc dù nhu cầu nhập khẩu chè có xu hướng giảm mạnh do xu hướng tiêu dùng của người Nga có sự thay đổi, nhưng Nga vẫn là thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 thế giới về trị giá nhập khẩu trong năm 2020, chiếm 6,2% tổng trị giá nhập khẩu chè trên toàn cầu.
Trong khi đó, trị giá và lượng nhập khẩu từ Việt Nam vẫn còn thấp. Do đó vẫn còn rất nhiều dư địa để các doanh nghiệp xuất khẩu chè Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu tới thị trường Nga trong thời gian tới.
Đặc biệt, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EAEU sẽ thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu chè của Việt Nam sang thị trường này, với ưu đãi thuế suất về 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực.
Về chủng loại: loại chè đen được Nga nhập khẩu nhiều nhất trong 4 tháng đầu năm, đạt 47,9 nghìn tấn, trị giá 137,5 triệu USD, tăng 4,2% về lượng và tăng 12,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá chè đen nhập khẩu bình quân đạt 2.871,9 USD/tấn, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Hiện Ấn Độ, Kenya, Sri Lanka là 3 thị trường chính xuất khẩu chè đen vào Nga, chiếm 68,7% về lượng và chiếm 71,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Tiếp theo là chủng loại chè xanh đạt 4,5 nghìn tấn, trị giá 14,7 triệu USD, tăng 10,7% về lượng và tăng 19,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trung Quốc là thị trường cung cấp chè xanh chính cho Nga, chiếm 84,4% tổng lượng nhập khẩu chè xanh của Nga.