‘Trông mau đến Tết dựng nêu ăn chè’
(DNTO) - Sáng mồng 7, trong khi mọi người chuẩn bị đến cơ quan để làm việc ngày đầu tiên sau Tết thì má tôi lục đục sắp mâm cúng hạ nêu.
Dựng nêu ăn chè
“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. “Cu kêu ba tiếng cu kêu/ Trông mau đến Tết dựng nêu ăn chè”. Cây nêu ngày Tết hiện diện trong đời sống tâm linh và đi vào ca dao tục ngữ của người Việt từ rất lâu đời.
Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, cuộc sống con người trở nên hối hả, tất bật. Người ta không còn nhiều thời gian nên thường lược bớt đi các lễ tục ngày Tết vốn rất phong phú, da dạng của người xưa, trong đó có tục dựng và hạ nêu.
Mở đầu bài thơ “Tết của mẹ tôi”, thi sĩ Nguyễn Bính viết: “Tết đến mẹ tôi vất vả nhiều/Mẹ tôi lo liệu đủ trăm điều/Sân gạch tường vôi người quét lại/Vẽ cung trừ quỷ, trồng cây nêu”. Câu thơ gợi lên không gian chuẩn bị đón Tết của người Việt trong đó tác giả có nhắc đến tục trồng nêu ngày Tết và mục đích của việc trồng cây nêu là để “trừ quỷ”.
Theo phong tục miền Bắc, người ta thường dựng nêu (hay còn gọi trang trọng là thượng nêu) vào ngày 23 tháng Chạp vì cho rằng bắt đầu thời gian này, trong nhà đã vắng mặt Táo quân, là thời điểm ma quỷ thừa cơ hội sẽ dễ dàng quấy phá.
Còn ở miền Tây Nam bộ, ngày trước tôi thường thấy ông ngoại tôi dựng nêu vào ngày ba mươi Tết. Tuy thời gian có khác biệt nhưng về ý nghĩa mục đích thì hoàn toàn giống nhau là để trừ tà, báo cho ma quỷ biết đất đã có chủ, không được đến quấy nhiễu và cầu mong một năm mới tốt lành, bình an, may mắn.
Cây nêu được trồng trước cửa nhà thường là một cây tre cao. Trên ngọn tre người ta treo những vật dụng mà họ cho rằng sẽ khiến ma quỷ hoảng sợ không dám bén mảng tới. Tùy theo tập tục của mỗi địa phương, mỗi dân tộc mà những vật dụng đó có thể là: tờ giấy hồng đơn viết chữ trừ tà, một giỏ đựng trầu cau vôi, ở bên giỏ có treo giấy vàng bạc; Có nơi kết ba cái lạt, buộc một bó vàng, một bó lá dứa hoặc cành đa mỏ hái; Cũng có nơi treo cái khánh đất và những miếng kim loại, mỗi khi gió rung, khánh đất phát ra tiếng động leng keng như tiếng phong linh cho ma quỷ nghe sợ mà tránh. Dưới chân cây nêu có rắc vôi bột và vẽ hình cung tên.
Sự tích về cây nêu được truyền miệng trong dân gian và được ghi trong bộ sách “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam”, thậm chí đã được dựng thành phim là một câu chuyện rất quen thuộc với mọi người. Chuyện kể về việc tranh đấu giữa người và quỷ. Nhờ có trí thông minh mà con người đã khiến quỷ phải thua cuộc và rút lui trả lại đất đai đã chiếm đoạt cho con người. Tuy bị thua cuộc nhưng trước khi đi, Quỷ vẫn cố xin con người mỗi năm cho chúng vào thăm đất liền vài ba ngày vào dịp Tết Nguyên đán. Vì thế, hằng năm, cứ đến Tết, người ta trồng nêu để cho Quỷ sợ không dám bén mảng vào chỗ người đang ở.
Hạ nêu – hết Tết
Ngày thượng nêu tuy mỗi nơi mỗi khác nhưng ngày hạ nêu được quy định chung vào Mồng 7 Tết. Trước khi hạ cây nêu, chủ nhà sẽ bày một ít hương, hoa tế trời đất, sau đó rung cho cây nêu rụng hết lá khô rồi hạ cây nêu xuống.
Mấy mươi năm ở thị thành, đất chật người đông, cũng không tìm đâu ra được cây tre, không thể dựng nêu nhưng má tôi vẫn giữ thói quen đến ngày Mồng 7 làm mâm cơm cúng hạ nêu. Má nói: Cây nêu trong văn hóa Việt Nam biểu tượng cho sự đấu tranh bền bỉ chống lại các thế lực tà ác. Thể hiện lòng nhân từ, bác ái, sự tha thứ, bao dung của người Việt mình. Để nhắc nhở con cháu đừng quên phong tục ngày Tết của ông bà, luôn ghi nhớ công ơn của tổ tiên…
Thắp mấy nén nhang, má tôi lâm râm cầu nguyện, gương mặt như đang trôi về một miền ký ức xa xưa. Ở đó có những âm thanh rộn rã vui tai phát ra từ ngọn cây tre đang phất phới theo gió xuân về, vươn lên trên bầu trời xanh ngắt.