Có một cái Tết đã trôi qua như thế
(DNTO) - Chúng ta vừa trải qua một cái Tết thật đặc biệt. Do hoàn cảnh, công việc, mỗi người, mỗi gia đình đón Tết theo một cách riêng trong tình hình dịch bệnh chung của cả nước. Tuy nhiên, được trải qua mấy ngày Tết bình yên trong lòng mọi người đều cảm thấy nhẹ nhõm.
Chúng ta vừa trải qua một cái Tết thật khác biệt - sự khác biệt mang đến cho mọi người nhiều trải nghiệm chưa từng có. Trong đó phải kể đến là những người ăn Tết xa nhà.
Trước tiên là những chiến sĩ áo trắng. Đây là lực lượng trực tiếp đối mặt với “kẻ thù”. Họ đã trải qua một cái tết xa nhà, xa người thân, đón giao thừa tại trụ sở cơ quan, bám trụ phòng xét nghiệm, trực đường dây nóng xử lý thông tin, chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị bảo hộ, phương tiện, hóa chất… để ứng chiến kịp thời.
Hình ảnh những người lính biên phòng bám trụ biên cương, “ăn lán, ngủ rừng” cũng đã trở thành những hình ảnh quen thuộc với mọi người trong những ngày đại dịch. Tết Nguyên đán, số lượng người dân nhập cảnh tăng cao do nhu cầu về quê đón Tết càng khiến nhiệm vụ của người chiến sĩ nặng nề, vất vả hơn. Đón xuân ở biên cương, không phải ai cũng có thể thấu hiểu được.
Cũng do dịch bùng phát vào những ngày cận Tết nên một bộ phận người dân buộc phải ăn Tết trong khu cách ly tập trung. Mặc dù Chính phủ hết sức quan tâm, nhiều nơi đã tạo điều kiện mang không khí Tết đến với khu cách ly bằng các hoạt động nấu bánh chưng, trang trí bày biện hoa mai, hoa đào rực rỡ… nhưng không được quây quần bên gia đình trong những bữa cơm ngày Tết, chắc chắn sự hụt hẫng trong lòng của mỗi người là điều không thể tránh khỏi - nhất là với các chị em phụ nữ. Những người mà sự có mặt của họ rất quan trọng trong những ngày Tết.
Không thuộc diện cách ly nhưng vẫn phải chấp nhận ăn Tết xa nhà là những người có quê đang nằm trong tâm dịch. Cũng phải kể đến một số cán bộ công chức nhân viên trong diện không được phép ra khỏi thành phố. Họ cũng buộc phải ăn Tết tại chỗ không được về quê.
May mắn đợt bùng phát dịch vào dịp Tết này, các tỉnh miền Tây tương đối “bình yên” nên số lượng người dân về quê ăn Tết khá nhiều. Tuy nhiên, họ cũng chỉ quanh quẩn ở nhà ăn Tết với gia đình chứ không đi thăm thú chúc Tết họ hàng, bạn bè, tụ tập tiệc tùng như mọi năm. Nhưng dẫu sao được về nhà mình, được cùng ba mẹ, anh chị em sum họp đầm ấm trong ba ngày Tết, với nhiều người đã là hạnh phúc lắm rồi.
Có buồn thật, nhưng chị Hân quê ở Bến Tre coi đây là dịp để mẹ con chị cùng về quê ăn một cái Tết đúng ý nghĩa “Tết xưa”. Cả nhà quây quần nấu bánh tét, làm mứt, xay bột, tráng bánh, lặt củ kiệu... Trong ánh lửa bập bùng, chị Hân vừa ngồi canh lửa vừa kể cho các con nghe chuyện ông bà ngày xưa ăn Tết thế nào. Chị cũng không quên nhắc đến những người nơi tuyến đầu chống dịch, những người đã phải ăn tết xa nhà ra sao để khơi dậy trong các con lòng biết ơn, sự chia sẻ và thấu hiểu, trách nhiệm và ý thức cộng đồng… Các con chị Hân lần đầu được gói bánh tét, mặc dù đòn bánh méo mó lỏng lẻo nhưng chúng rất vui, liên tục reo hò rất hào hứng. Được ngồi xem bà tráng bánh, được tranh ăn những cái bánh tráng ướt béo thơm ngọt ngào, được tham gia phơi bánh, gỡ bánh, được tự tay đốt lửa rơm để nướng bánh… với bọn nhỏ con chị Hân là một trải nghiệm rất thú vị và ấm áp.
Không có lễ hội, chỉ còn lại nghi thức, Tết mất đi phân nửa sự vui vẻ, nhộn nhịp, hoành tráng của nó. Tuy nhiên, được trải qua mấy ngày Tết bình yên, trong lòng mọi người đều cảm thấy nhẹ nhõm.
Ba ngày Tết trôi qua, có vui có buồn, có hồi họp lo âu nhưng trên hết là lòng biết ơn với những người chiến sĩ áo trắng, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và những người tình nguyện, đã vững vàng trên tuyến đầu chống dịch. Với nhiều người, có lẽ đây là cái Tết cổ truyền không dễ quên trong cuộc đời mình.