Rể Tây ăn Tết
(DNTO) - Với chính sách phát triển kinh tế và hội nhập văn hóa, Việt Nam nhanh chóng trở thành điểm đến hấp dẫn của nguồn nhân lực từ nhiều quốc gia trên thế giới. Một số người đàn ông phương Tây đến làm việc, kết hôn với phụ nữ Việt và chọn mảnh đất hình chữ S này làm quê hương thứ hai.
Các chàng rể Việt học hỏi văn hóa quê vợ mỗi ngày để thích nghi với cuộc sống và Tết chính là dịp để họ có thêm nhiều trải nghiệm đáng nhớ.
Anh Ralph Ludwig, Cựu Chairman & CEO tập đoàn Ledvance, người Đức, sống ở Việt Nam hơn 15 năm, hiện đang cùng vợ kinh doanh nhà hàng cơm tấm Ba Sơn, chia sẻ: “Nhớ đầu tiên đón Tết ở Việt Nam, tôi không ở Sài Gòn mà đi du lịch. Trời ơi, giao thông thật là thảm họa. Những cái Tết sau, tôi chỉ ở lại Sài Gòn để thưởng thức không khí nhẹ nhàng, thành phố thông thoáng mà ngày thường không có được. Bạn có thể chạy xe máy, ngắm đường phố trang trí rực rỡ vào dịp Tết”. Anh David Marks (chuyên gia nông nghiệp người Úc của tập đoàn Poulpharm) và anh Jules Guillon (Kỹ sư âm thanh người Pháp, Founder & CEO của Guillon LLC Studio) cũng đồng ý Tết ở Sài Gòn khá nhẹ nhàng, dễ chịu vì nhiều người về quê đoàn viên với gia đình hoặc đi du lịch đây đó.
Còn anh Thomas Tobias (giáo viên người Canada tại TP.HCM) đã ăn 9 cái Tết ở Việt Nam nhưng vẫn luôn nhớ về cái Tết đầu tiên ở quê vợ (Đà Nẵng): “Lần đầu tôi ăn Tết ở Đà Nẵng quê vợ, tôi rất háo hức vì Đà Nẵng đẹp và đồ ăn rất ngon mà tôi từng thưởng thức trong những lần du lịch trước đó. Nhưng thật bất ngờ, khi tôi bay về đúng Tết thì những hàng quán đóng cửa hết vì nghỉ Tết mà tôi không biết nên đành ăn mì gói”. Đối với Tết ở Sài Gòn, anh cũng đồng ý: “Tôi thích Tết ở Sài Gòn vì đường xá vắng, không đông đúc xô bồ và kẹt xe”.
Nói về món ăn ngày Tết, các chàng rể Tây rất háo hức với bánh chưng, củ kiệu, dưa hành. Anh Martin Fildes (chuyên gia sức khỏe người Anh, của Công ty Green Valley Stress Management) chia sẻ về món ăn ngày Tết yêu thích nhất: “Bánh chưng – tôi rất thích. Cho vào chảo chiên giòn lên, ăn với hành muối chua thì ngon không gì bằng”. “Tôi có thể ăn bánh chưng tới no mới thôi! Nhưng tôi có phần căng thẳng vì ăn” – anh Jules hóm hỉnh nói: “Khi ăn Tết nhà vợ ở Hà Nội, tôi ăn chưa kịp nghỉ lại ăn, nhưng tôi thích điều đó”.
Khi được hỏi về những hoạt động văn hóa ngày Tết, các chàng rể Tây khá “nhập gia tùy tục”. Anh Ralph nhớ lại: “Có vợ Việt, tôi mới thật sự hiểu ý nghĩa của Tết. Quê vợ tôi ở Đồng Tháp, nên Tết nào cả gia đình cũng về quê ăn Tết với cha mẹ vợ. Cúng ông bà tổ tiên, thăm viếng họ hàng như các gia đình Việt Nam khác. Tôi thích điều đó”. “Mấy Tết trước tôi cũng về quê vợ ở Quảng Ngãi ăn Tết. Ngày Tết có rất nhiều món ngon. Ăn ở nhà mình, rồi ăn ở bà con, ăn ở nhà hàng xóm. Nhà nào cũng cúng ông bà tổ tiên, rồi mọi người thăm viếng nhau. Ở Úc thường là Giáng sinh sẽ về với gia đình, còn năm mới sẽ với bạn bè. Còn ở đây, Tết là dịp đặc biệt dành cho gia đình, họ hàng và những người thân quen” – anh David cho biết.
Đặc biệt, các chàng rể Tây rất thú vị với phong tục cúng ông Táo và thả cá phóng sinh. Vợ chồng anh Martin thường thả cá phóng sinh ở hồ gần nhà, thay vì đi những nơi thả các công cộng đông đúc. “Ở Hà Nội, ngày cúng ông Táo, người ta mua cá, cầu nguyện rồi thả xuống sông nhiều hơn ở Sài Gòn. Nhà tôi cũng hay thả cá dịp Tết” – anh Jules nói. Khác biệt hơn một chút, nhà anh David thường mua loại cá ở cửa hàng bán làm mồi cho những con cá lớn vì vợ anh nói phóng sinh tức là cứu những con đang gặp nạn.
Anh Thomas nói thêm: “Phong tục tập quán ngày Tết của người Việt rất thú vị và lần đầu ăn Tết, tôi còn bất ngờ nhận được lì xì của bà con bên vợ với lời chúc phúc cho gia đình”.
Nói về Tết Tân Sửu, vì dịch Covid-19 nên các chàng rể Tây đều ở lại Sài Gòn đón Tết. Anh Martin đưa mắt nhìn phố hoa đìu hiu rồi nói: “Xem, đường phố so với năm ngoái, Covid tác động rất lớn, nhiều cửa hàng đóng cửa và cho thuê mọc lên khắp nơi suốt 7 tháng nay. Thậm chí đại dịch Covid, bản thân một số người vẫn hạnh phúc để tiếp tục cuộc sống. Việt Nam tốt hơn rất nhiều so với các nước trên thế giới”. “Tôi nghĩ không chỉ mình tôi mà có lẽ với nhiều người đều thấy khác vì Covid làm mọi thứ chậm lại, không còn không khí như mọi năm. Gia đình tôi đón Tết tại nhà, tôi có dành thời gian cho con tôi nhiều hơn” – anh Thomas bộc bạch.
Theo các anh chồng Tây thì các gia đình Việt chuẩn bị đón Tết khá sớm. Nhiều tập tục ngày Tết diễn ra trong gia đình, nhưng khó có thể giải thích được vì cứ “xưa bày nay làm”. “Tết là khoảnh khắc rất tuyệt vời, luôn mới mẻ đối với tôi, dù tôi ở đây rất lâu. Quá khó để hiểu hết nhưng rất thú vị” – anh Martin nói.