Ước mong một cái Tết đoàn viên
(DNTO) - Tết, chỉ cần nghe từ đó thôi là khiến bao người xa quê, đặc biệt là bà con Việt Kiều cảm thấy nôn nao, bồn chồn trong dạ, vì sau bao tháng ngày “đi xa” thì Tết là dịp để "trở về”. Ấy thế mà, vẫn có nhiều người phải ngậm ngùi bỏ lỡ cơ hội đoàn viên đó vì Covid-19.
Nặng lòng nơi đất khách
Khi khói sương bảng lảng, lấm tấm mưa phùn lẫn trong không gian nồng nàn mùi hương trầm, mùi bánh mứt, là thời khắc chúng ta cảm nhận rất rõ ngày Tết cổ truyền của dân tộc đang hiện hữu khắp phố phường. Mùa xuân, mùa của đoàn viên, là thời khắc đẹp nhất trong năm khiến bước chân những người con xa xứ như vội vã hơn theo tiếng gọi của yêu thương, để trở về đoàn tụ bên gia đình.
Nhắc đến mùa xuân, là mường tượng rõ khung cảnh khắp các nhà ga, sân bay đâu đâu cũng thấy tấp nập dòng người từ các địa phương đổ về, để đón Việt kiều về quê ăn tết, trong niềm hân hoan và xúc động. Nhưng đó là câu chuyện của những năm về trước. Còn năm nay, do đại dịch Covid -19 vẫn đang diễn biến phức tạp, mà ước mong về một cái Tết đoàn viên của bà con kiều bào đành ngậm ngùi bỏ ngỏ:
“Cả gia đình mình đã lên kế hoạch Tết này cho các con về ăn tết với ông bà rồi, thế mà vì Covid-19 nên đành phải hoãn lại. Thực sự rất buồn và mong mỏi được đoàn tụ với gia đình vì khá lâu rồi, cả gia đình chưa về quê ăn Tết. Gọi điện về nhà báo tin, ông bà cũng hiểu và động viên, tuy vậy vẫn thấy bùi ngùi lắm, nước mắt vẫn rơi như thường”.
Đó là tâm sự của chị Vũ Schick Thu, hiện đang sinh sống và làm việc tại Thụy Sỹ cùng chồng và cô con gái nhỏ 12 tuổi. Hơn 5 năm chưa ăn tết Việt Nam, năm nay chị Thu dự định sẽ cùng gia đình về quê ăn tết với ông bà, nhưng dịch Covid-19 đã khiến chuyến đi dang dở, và chưa biết khi nào trở thành hiện thực.
Đối với Việt kiều, thời điểm cuối năm chính là lúc nhớ nhà nhất, đặc biệt là khi thời đại công nghệ lên ngôi, mọi thông tin, hình ảnh về không khí chuẩn bị Tết ở Việt Nam cứ tràn ngập khắp trên các báo và mạng xã hội, càng làm nỗi niềm xa quê chạnh lòng đến khắc khoải.
“Mình qua Thụy Sỹ được 12 năm rồi, nhưng cứ Tết đến là cảm xúc lại đong đầy, những kỉ niệm về cái Tết được quây quần bên gia đình, nó như một phần máu thịt của mình vậy, không quên được. Đón Tết bên này, vợ chồng mình luôn cố gắng trang hoàng nhà cửa, tụ tập bạn bè nấu ăn, tham gia các hoạt động mà bà con Việt kiều tổ chức, rồi đi du xuân cùng nhau để mong có không khí Tết cổ truyền Việt Nam, để hoài niệm và thêm yêu Tết Việt, biết là buồn lắm nhưng lại tự an ủi mình rằng còn buồn là còn nguồn cội”, chị Thu trải lòng.
Cùng chung nỗi niềm ấy, bạn Nguyễn Thanh Huy đang sinh sống và học tập tại Canada chia sẻ: “Năm trước vì vướng thi nên em không về được. Năm nay thì vì dịch bệnh nên em rất buồn khi phải ăn Tết xa nhà thêm năm nữa. Em thèm không khí Tết Việt Nam lắm. Truyền thống nhà em năm nào cũng cùng nhau gói bánh tét, cùng nhau dọn dẹp nhà cửa rồi chơi đùa hát hò đêm 30”.
Hỏi về những kế hoạch khi ăn Tết xa nhà, Huy cho biết: “Em sẽ cùng các anh chị Việt kiều bên này gói bánh tét, đi tham quan những con đường tết được trang trí tại Toronto, Canada. Năm nay vì dịch Covid 19, nên nhiều hoạt động đón tết tại các trường cũng không thể tổ chức. Thay vào đó các tuyến đường chào xuân đang được cộng đồng Việt Nam gấp rút chuẩn bị, để nguôi ngoai nỗi nhớ nhà”.
Với riêng bản thân mình, Huy tâm sự để mang không khí tết vào nhà, em sẽ cắt dòng chữ "Chúc mừng năm mới 2021", in một bức tranh có cành mai vàng đang nở rộ, với rất nhiều bông hoa và những bao lì xỉ đỏ thắm, để dán lên tường cho đỡ “nghiền” Tết.
Ai từng xa quê, thấm thía cái lạnh chuyển giao của trời đất, mới thấu hết nỗi lòng những người con xa xứ. Thế nên ước nguyện đại dịch Covid-19 nhanh chóng qua đi, để Việt Kiều có cái Tết đoàn viên trọn vẹn nơi quê nhà, là mong mỏi và nỗi niềm không của riêng ai.
Nỗi niềm người ở lại
Đến thăm “Làng Việt Kiều” tại địa chỉ Hương Câu, Bắc Giang vào buổi chiều cuối năm. Đúng lúc mưa phùn gió bấc quấn vào nhau khiến cái lạnh càng thêm tê tái. Gọi là “làng Việt Kiều” vì nơi đây trung bình cứ 10 hộ gia đình thì có tới 6 nhà có người thân định cư làm ăn bên nước ngoài.
Cũng như bao gia đình có con xa xứ, bác Thịnh không giấu được xúc động cho biết: “Con Ngân nhà bác lấy chồng bên Hàn Quốc đã hơn 6 năm rồi, mà chưa một lần về quê ăn tết. Tính năm nay về, thì lại bị hủy vì dịch vẫn đang hoành hành. Khổ thân con bé con nhà nó, cứ nhắc tết này cháu sẽ được gặp bà, làm tôi thương nhớ cháu quá”.
Dưới gian bếp rộng, cái lưng hơi còng, bác Thịnh lọ mọ vo nắm gạo, rồi cắm nồi cơm điện chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Trong một ngôi nhà rộng lớn, chỉ vỏn vẹn có hai vợ chồng già yếu và đứa cháu nội đang học lớp 1, khiến tuổi già càng thêm hiu quạnh: “Nhiều khi lễ, tết thấy gia đình, con cái, cháu nội, cháu ngoại người ta về nhà tề tựu đông đủ để ăn tết, không khí gia đình an vui, sum họp tôi lại ứa nước mắt".
Có con trai định cư bên Mỹ, lỡ hẹn về tết do Covid, cô Lịch cũng không giấu nổi nghẹn ngào chia sẻ:“Cô chỉ mong nhanh hết Covid để mẹ con bà cháu gặp nhau, ngày nào cũng facetime nói chuyện nhưng không gì bằng được gặp và nấu những món ngon cho tụi nhỏ ăn”. Nói đến đây ánh mắt cô đỏ hoe, không gian như nén lại trong nỗi mong ngóng, đợi chờ...
Ước mong một cái Tết đoàn viên
Cả nước những ngày cận Tết, chủ đề nóng nhất chính là đại dịch Covid–19. Từ phía cơ quan chức năng, cho đến người dân, đều thống nhất phương án phòng chống dịch “siết chặt” và “kỷ luật”. Những điều ấy cho thấy, tuy dịch đang diễn biến phức tạp, nhưng chỉ cần toàn dân đoàn kết, đồng lòng, thì đó sẽ là năng lực “đề kháng” giúp chúng ta chiến thắng Covid.
Trong khi đó, những kiều bào đang sinh sống ở nước ngoài, cũng vừa phải gồng mình sống chung với dịch ở nước sở tại, vừa một lòng hướng về Tổ quốc, và cùng nhau đoàn kết nơi xứ người, để bảo vệ cộng đồng người Việt. Chính điều đó đã làm đẹp hơn hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè và thế giới.
Đặc biệt, những nghĩa cử như may khẩu trang, cung cấp thức ăn đến bệnh viện rồi tặng các vật dụng y tế cần thiết cho người dân sở tại, đã tô thắm thêm nghĩa tình đồng bào trong cơn hoạn nạn, thể hiện hình ảnh một Việt Nam nhân văn, yêu thương và chia sẻ.
Một năm kinh tế “buồn” vì Covid và buồn vì “Tết không Việt kiều” do dịch bệnh, nhưng cùng với cả nước, kiều bào Việt Nam trên khắp thế giới đang hướng về đất mẹ, với tình cảm thiêng liêng, và niềm hy vọng, một ngày không xa, Việt Nam và cả thế giới sẽ chế tạo thành công vacxin để đẩy lùi dịch bệnh. Mang đến cuộc sống bình yên, đoàn kết và phát triển cho nhân loại, để những mùa xuân trên quê hương sẽ luôn rộn rã tiếng cười.