Những chuyến bay đặc biệt
(DNTO) - Cuộc đời hơn 40 năm trong ngành hàng không với trên 20 ngàn giờ bay không mệt mỏi, chưa bao giờ và chưa khi nào, cơ trưởng Nguyễn Nam Liên lại có nhiều xúc cảm với bầu trời như những chuyến bay giải cứu năm qua đến vậy.
“Mệnh lệnh” từ trái tim
Một buổi chiều cuối tuần của tháng 3 năm 2020, cơ trưởng Nguyễn Nam Liên đang nghỉ ngơi thư giãn bên gia đình thì nhận được cuộc gọi từ Phòng điều hành, hỏi ông có thể bay ngay trong đêm nay đến Nhật Bản đón người Việt về nước được không? Không để đầu dây bên kia chờ đợi, ông trả lời dứt khoát: “Được”. Đây là chuyến bay cuối cùng trước khi có lệnh dừng bay quốc tế trong dịch Covid-19.
Phi trường đêm lấp lánh ánh đèn, tổ bay lặng lẽ rời sân ga trên một hành trình mang đầy giá trị nhân văn. Ngay lúc đó, trên một chuyến bay khác, con gái của cơ trưởng Nguyễn Nam Liên vừa đáp xuống Tân Sơn Nhất. Con trở về quê hương an toàn, như món quà tinh thần vô giá dành tặng người cha trước lúc lên đường làm nhiệm vụ.
Cũng là chuyến bay quốc tế, vẫn bầu trời, vì sao và mặt đất nhưng lần này, cơ trưởng Nguyễn Nam Liên cảm thấy tim mình rung lên, không phải là nỗi sợ hãi mà có điều gì đó vừa thổn thức, vừa chất chứa tình thương.
Đất nước “Mặt trời mọc” với nắng ấm rực rỡ của mùa xuân và bạt ngàn hoa anh đào khoe sắc đã không còn đẹp và lãng mạn với đoàn người mắc kẹt nữa. Khi chiếc máy bay Vietnam Airlines mang màu xanh của bầu trời và cánh sen vàng từ từ đậu trên nhà ga sân bay quốc tế Narita (Tokyo - Nhật Bản), khi hành khách đã yên vị trên máy bay, cơ trưởng Nguyễn Nam Liên nghe được từng hơi thở chìm trong lo lắng và thấy trong ánh mắt của mỗi người là sự dồn nén của tâm sức và trí lực cho ngày trở về quê hương. Đó là điều hiển nhiên, khi mà bao nhiêu áp lực, bàng hoàng ập đến và xảy ra cuốn mỗi con người nơi xa xứ vào nỗi ám ảnh dịch bệnh. Khi Tổ quốc vẫn còn rất xa ở trên bầu trời thì nụ cười vẫn phải giấu sau tấm áo bảo hộ.
Từ khoang lái, cơ trưởng Nam Liên truyền đi thông điệp: “Chúng tôi đến đây vì các bạn và sẵn sàng làm tất cả để không một ai bị bỏ lại”. 380 hành khách vỗ tay vang trời, những giọt nước mắt lăn dài sau những phút giây căng thẳng chạy đua với dịch bệnh, thời gian và thủ tục hồi hương.
Nếu như chuyến bay đi Nhật Bản là “cảm xúc đặc biệt”, thì chuyến bay đi Mỹ được ví như “bản giao hưởng yêu thương” của cơ trưởng Nguyễn Nam Liên. Vào thời điểm đó, những công dân Việt Nam đang trong tình cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” giữa tâm dịch. Họ thật sự hoang mang và sợ hãi.
Ra trận trong một cuộc chiến
Cuộc đời hơn 40 năm trong ngành hàng không với trên 20 ngàn giờ bay không mệt mỏi, chưa bao giờ và chưa khi nào, cơ trưởng Nguyễn Nam Liên lại có nhiều xúc cảm với bầu trời đến vậy. Một ngày trung tuần tháng 5 năm 2020, anh lại được chọn cầm lái con tàu bay sang tới bờ bên kia của đại dương để đón đồng bào hồi hương trong bối cảnh dịch bệnh tại Mỹ đang diễn biến quá nhanh và khủng khiếp.
Lần này, “nàng mười” (tên yêu thương mà cơ trưởng Nguyễn Nam Liên gọi máy bay Boeing 787-10 hiện đại bậc nhất của Vietnam Airlines) một lần nữa “xuất kích” thực hiện sứ mệnh đưa công dân về nước.
Đây là chuyến bay dài nhất lịch sử ngành hàng không Việt Nam với 29.400km, bay từ đông bán cầu sang tây bán cầu. Phi hành đoàn được tăng cường tới 33 người, trong đó có 8 phi công và 16 tiếp viên, cùng nhiều nhân viên phục vụ cho chuyến bay.
“Nàng mười” bay bền bỉ, miệt mài suốt 45 tiếng đồng hồ không ngừng nghỉ trong chặng khứ hồi Việt Nam - Hoa Kỳ. Liên tục hơn 30 giờ, những con người trong tổ bay không nhìn thấy bóng đêm vì bay đuổi theo bánh xe mặt trời.
“Đã bao lần đến, hạ cánh và bay qua Anchorage (Alaska), song đây là lần đầu tiên tôi có thể nhìn rõ ràng sân bay, vì lần này được đến trong lúc còn ánh sáng mặt trời... Tổ quốc Việt Nam, đồng bào là lý do để chúng tôi đến đây...”, cơ trưởng Nam Liên bồi hồi chia sẻ.
Hàng nghìn con người đang mắc kẹt trên đất Mỹ, là hàng nghìn câu chuyện, hoàn cảnh khác nhau. Có người lần đầu tiên trong đời được đến Mỹ du lịch, lại có người lặn lội ngàn trùng xa cách, vượt qua sự khắc nghiệt của thời tiết, địa lý để thăm con, mang cho con món ăn yêu thích nơi quê nhà, rồi những du học sinh mang trong mình niềm kiêu hãnh tri thức, khát vọng xây dựng tương lai vươn tầm châu lục... Nhưng vào thời khắc mong manh của sự sống, nỗi tuyệt vọng, âu lo, họ đều có chung khát khao cháy bỏng, đó là được trở về nhà.
Từ trên buồng lái, cơ trưởng Nguyễn Nam Liên chăm chú nhìn từng tốp người trong bộ đồ bảo hộ kín bưng, lặng lẽ, kiên trì đứng xếp hàng để bước vào vòng kiểm tra thân nhiệt cuối cùng trước khi lên máy bay. Trong số này, có một hành khách nữ khi đo nhiệt độ đã bị loại. Lúc này cô ấy đã đứng dưới chân cầu thang máy bay, đường về nhà chỉ cách một bước chân nữa thôi. Cô gái cố gắng bình tĩnh và quay trở lại đo thân nhiệt nhưng vẫn không đạt. Lần thứ 3, tổ bay hỏi ý kiến của cơ trưởng, thay vì trả lời nhân viên, cơ trưởng Nam Liên nói rằng, đừng quên là trước khi chúng ta cất cánh đi, bên Mỹ chỉ mới 83 ngàn người bị nhiễm bệnh. Khi chúng ta sang tới đây đã là 87 ngàn người và bây giờ chuẩn bị lên trên 90 ngàn. Trong lòng ông chỉ có một điều, nếu bỏ lại cô gái thì quá dễ dàng, nhưng bỏ lại vào lúc ấy, chúng ta vô tình góp thêm một người bị nhiễm Covid-19 cho nước Mỹ và khả năng bạn ấy sẽ chết rất cao. Cơ trưởng Nguyễn Nam Liên động viên anh em: “Thôi cố gắng đo lại một lần cuối”. Rất may là thân nhiệt lần này đã trở về mức bình thường, cô gái như muốn thét lên vì quá vui mừng.
“Xin chào nước Mỹ, chúng tôi đưa 345 đồng bào ruột thịt của mình trở lại. Khi đăng ký số hiệu chuyến bay của đồng bào hồi hương là VN 1, là số hiệu đặc biệt chỉ chuyên dùng cho chuyên cơ chở các nguyên thủ đi thăm chính thức các nước hoặc đi dự các hội nghị quốc tế, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc... Đoàn tiếp viên Vietnam Airlines của chúng tôi muốn gửi gắm tình yêu thương trân trọng và quý mến nhất đến với đồng bào, mà chúng tôi không quản ngại nguy nan dịch bệnh để đến đây. Chúng tôi sẽ còn quay trở lại để đưa đồng bào mình trở về!”. Đây là tâm sự của cơ trưởng Nguyễn Nam Liên phát trên máy bay. Toàn bộ hành khách lặng người vì xúc động, chưa bao giờ họ cảm nhận được tình đồng bào ruột thịt lại thiêng liêng như lúc này.
Chặng đường trở về Việt Nam kéo từ ngày sang đêm, xuyên qua những vùng trời châu lục. Ngần ấy thời gian, phi hành đoàn đều phải mang trên mình “chiến bào và áo giáp”. Ngột ngạt, bức bối nhưng họ đã không còn quan tâm đến điều đó nữa. Từng phút, từng giây trong buồng lái, cơ trưởng Nguyễn Nam Liên cảm nhận rõ nhịp tim rộn ràng vui sướng của những con người đang trên đường về lại đất mẹ thân yêu.