Triển vọng hồi phục hàng không Việt chỉ có thể trông chờ vào vaccine
(DNTO) - Ngành hàng không Việt hiện đang không còn nhiều dư địa để phục hồi thêm cho đến khi các đường bay quốc tế mở cửa trở lại. Cùng với đó, thị trường bị thu hẹp cũng khiến cạnh tranh gay gắt hơn.
Ngành hàng không bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19, với tổng số chuyến bay do 3 hãng hàng không trong nước khai thác (Vietnam Airlines, Vietjet và Bamboo) giảm 38%, đạt 337 nghìn chuyến bay trong năm 2020.
Tổng quy mô đội bay của các hãng hàng không nội địa giảm nhẹ trong năm 2020 do tình trạng dư cung và nhu cầu thấp trong thị trường nội địa. Trong năm, Vietnam Airlines đã giảm 5 chiếc trong đội tàu bay (xuống 95 chiếc), trong khi Vietjet Air chỉ tăng một chiếc trong đội tàu bay (lên 72 chiếc).
Từ tháng 3/2020, Việt Nam áp dụng chính sách hạn chế nhập cảnh rất nghiêm ngặt, chỉ cho phép các chuyến bay cứu hộ quốc tế hoạt động với quy mô rất hạn chế. Các hạn chế về biên giới khiến hầu như không có các chuyến bay quốc tế thường xuyên trong năm 2020. Thông thường, doanh thu khách quốc tế chiếm từ 50% - 60% doanh thu của các hãng hàng không.
Để đối phó với tình hình khó khăn này, các hãng hàng không đã khai thác một số máy bay quốc tế của họ tại thị trường nội địa, tăng ASK nội địa (chỗ ngồi khả dụng/km - thước đo công suất của các hãng hàng không) và gây ra áp lực lên tỷ suất nội địa và RPK (doanh thu/hành khách/km - thước đo giá bán bình quân cho các hãng hàng không).
Ngành hàng không đang cho thấy sự hồi phục đáng kể về cuối năm, nhờ các tuyến nội địa đã khôi phục hoàn toàn và hoạt động vận tải hàng hóa tiếp tục giữ phong độ.
Tính đến tháng 11/2020, tổng số chuyến bay giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái, hồi phục mạnh từ mức giảm 92% của tháng 4/2020. Gần như toàn bộ sự hồi phục đến từ các tuyến bay nội địa do các tuyến quốc tế vẫn chưa được mở lại.
Tuyến hoạt động mạnh nhất là TP.HCM - Hà Nội, đạt mức 540 chuyến/tuần (so với 371 chuyến/tuần trước dịch), với tỷ lệ lấp đầy tương đối khả quan (khoảng 90%).
Vận tải hàng hóa chịu ảnh hưởng ít nghiêm trọng hơn từ Covid–19 và đã khôi phục từ rất sớm. Mặc dù vậy, việc tăng trưởng nhiều khả năng vẫn sẽ gặp khó khăn khi các chuyến bay chở khách kết hợp chở hàng hóa, vốn chiếm một nửa công suất chở hàng, vẫn bị ảnh hưởng do đường bay quốc tế chưa hoạt động trở lại.
Nhận định về triển vọng ngành hàng không, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) cho rằng năm 2021 sẽ vẫn là một năm khó khăn..
Cụ thể, MASVN cho rằng ngành hàng không đang trong trạng thái không còn dư địa để phục hồi thêm cho đến khi các chuyến bay quốc tế mở cửa trở lại.
Trên thực tế, giá vé thấp đang giúp đẩy nhu cầu di chuyển bằng máy bay tại các tuyến nội địa lên mức cao hơn mức trước dịch. Tuy nhiên, khi giá vé máy bay đã ở mức thấp, khả năng tăng chuyến các tuyến nội địa cũng có giới hạn do không còn nhiều dư địa để giảm giá vé. Nếu các hãng hàng không tiếp tục giảm giá vé thì hoạt động khai thác cũng không đem lại dòng tiền dương.
"Trước một thị trường nội địa cạnh tranh gay gắt, cho đến khi các tuyến quốc tế được mở lại, chúng tôi cho rằng tình hình kinh doanh của các hãng hàng không Việt Nam sẽ khó có thêm sự cải thiện", chuyên gia của MASVN nêu góc nhìn.
Theo Mirae Asset, triển vọng hồi phục của ngành hàng không phụ thuộc vào vaccine. Trong tháng 12/2020, Mỹ và một số nước châu Âu bắt đầu chiến dịch tiêm vaccine. Tuy nhiên, sẽ cần thời gian để sản xuất đủ lượng vaccine để đẩy lùi dịch bệnh.
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC US), đến cuối tháng 12/2020, nước Mỹ sẽ nhận được khoảng 40 triệu liều vaccine, và sau đó 5–10 triệu liều/tuần (mỗi người sẽ cần 2 liều vaccine).
Các chuyến bay quốc tế có thể sẽ mở lại ngay khi dịch bệnh được đẩy lùi, nhưng khả năng bùng phát trở lại, các quy định kiểm dịch mới (chỉ cho nhập cảnh khi đã tiêm vaccine) sẽ kéo dài quá trình hồi phục lưu lượng khách vận chuyển về mức 2019.
Ngoài dịch Covid-19, các hãng hàng không còn phải đối mặt với các rủi ro khác như việc giá dầu tăng trong năm 2021 có thể ảnh hưởng tới biên lợi nhuận toàn ngành. Việc thiếu các chuyến bay quốc tế sẽ buộc các hãng hàng không phải sử dụng tất cả các máy bay phục vụ trong thị trường nội địa, khiến giá vé giảm. Do đó, bất kỳ đợt tăng giá dầu nào cũng sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của các hãng hàng không.