Ăn Tết thế nào?
(DNTO) - Với tôi, những ngày cận Tết lại thường nôn nao nhớ những kỷ niệm Tết đã xa, thường là vào thời còn gian khó nhưng lại được nếm trải những bữa ăn, những món ngon mãi không mờ phai trong ký ức. Miếng ngon bao giờ cũng gắn với kỷ niệm.
1.Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh bác Dành tỉ mẩn bóc lớp lá dong gói chiếc bánh chưng vừa luộc đêm 29 Tết năm ấy. Bánh được nén chặt dưới tấm phản dày và nặng phải mấy người khiêng. Sáng ba mươi, Điền - con cả bác Dành - đến tận doanh trại mời tôi và vài người bạn ăn bữa tất niên. Chúng tôi đang chờ ra quân sau thời gian thi hành nghĩa vụ quân sự nên được thoải mái, không phải trực gác mấy ngày đầu xuân.
Điền và em trai hằng ngày chăm sóc rẫy ở chân núi bìa xóm đạo. Rẫy trồng ít lúa vừa đủ lương thực cho gia đình sáu - bảy miệng ăn, vài tháng trước Tết thì gieo thêm ít nếp để gói bánh chưng, rồi nhiều thứ rau đậu khác. Sau bữa tất niên ấm bụng, ngồi nhấp chén trà xanh cũng cây nhà lá vườn, Điền mới “bật mí” với tôi về khoản thịt heo gói bánh. Số là để ngăn thú rừng vào phá rẫy, anh em Điền phải đặt bẫy. Thời may có một con heo rừng nhơ nhỡ chừng hơn chục ký dính bẫy đúng vào những ngày cận Tết. Thế là có thịt heo cho Tết, không phải mổ heo nhà nuôi hay “đụng” thịt với chòm xóm. Thảo nào, bánh chưng nhân thịt heo rừng mới xuất sắc như vậy. Điền khoe thêm rằng, nếp, đậu các thứ đều được trồng trên rẫy, lá dong thì chịu khó lội rừng tìm nửa buổi tha hồ mà gói! Lạt buộc thì sẵn tre mọc cạnh nhà.
Không bao giờ tôi quên được hương vị của miếng bánh chưng ấy. Nếp và đậu mềm mịn, dẻo thơm quện vào nhau như tan ra trong miệng. Nhưng ngon nhất là phần nhân thịt. Cũng là thịt heo thôi nhưng sao mà lạ lùng vậy, những sớ thịt săn mà không dai, vị lại ngọt khác hẳn thứ thịt heo thông thường của bếp ăn đơn vị. Nhiều năm về sau, khi đã được đi khắp rộng dài đất nước, nếm trải không còn thiếu thứ bánh chưng nào, cả vùng xuôi lẫn miền ngược, những thứ được cho là đặc sắc của địa phương, tôi vẫn không tìm thấy miếng ngon như đã được ăn buổi sáng cuối năm ở ngôi nhà trong một xóm đạo miền Đông Nam Bộ.
Chưa hết, bọn tôi còn được thưởng thức chén canh măng khô, mộc nhĩ ninh với xương heo rừng ngọt lừ cổ họng... Quả là một bữa cỗ Tết ăn đứt các loại sơn hào hải vị tôi từng được trải nghiệm suốt những năm làm báo được đi đó đây muôn nẻo.
Sau hơn hai mươi năm xuất ngũ, cuộc sống và nghề nghiệp bận rộn cứ níu kéo khiến tôi mãi mới có dịp về thăm lại ngôi nhà xưa trong xứ đạo hiền hòa. Bác Dành đã mất từ lâu. Điền cũng nặng gánh con cái trong khi cái rẫy từng nuôi sống gia đình mấy người phải thu hẹp lại vì cần mở những cung đường mới, những dự án địa ốc mới... Điền và tôi ôn lại những ngày quá vãng, bảo nhau sẽ không bao giờ tìm lại được một bữa cỗ Tết như thế nữa!
2. Lại nhớ những ngày sống ở rừng. Có một con suối mùa mưa nước dâng cao, hung hãn cuốn đi có khi cả bụi tre gai khổng lồ bên bờ. Đêm đêm nằm trong doanh trại nghe tiếng nước réo ầm ầm như thác đổ cạnh mình. Đến mùa khô thì nước cạn dần, có khi từ bờ xuống mặt nước phải sâu đến ba, bốn mét. Đó là lúc tôi cắm câu đêm, với mồi là những con ấu trùng trắng múp cỡ gần ngón tay út, đào bên bờ suối. Có đêm gần chục cần cắm đều dính cá. Những con cá lăng đen nhẫy, béo tròn, còn kêu e...e... khi được kéo lên, gỡ lưỡi câu và thảy chúng xuống cỏ. Tết xa nhà, mớ cá lăng đó được đám lính trẻ “tự biên tự diễn”; lớp nấu canh với lá giang, lá chua mọc khắp rừng, lớp chiên sả, lớp nướng muối ớt... Tất nhiên không thể thiếu ly rượu gạo hay rượu sắn lính tự nấu.
Nhưng nói đến cá lăng, phải kể ông Nguyễn Duy với món chả cá lăng bất tuyệt. Có cái Tết, Nguyễn Duy trữ trong tủ đông con cá lăng to tướng, đánh bắt được ở sông La Ngà hay ở hồ Trị An; do một bạn rượu, cũng là fan ruột của nhà thơ gửi tặng để ăn Tết. Ngán những món ăn quen ngày Tết nên không gì sướng hơn được nhà thơ nhắn đến nhà thưởng thức món chả cá lăng.
Những miếng cá cỡ hai đốt ngón tay ướp nghệ vàng ruộm cùng mắm tôm và các thứ gia vị cần thiết được rán trong chảo dầu sôi lăn tăn, thơm “điếc mũi” khiến nước bọt cứ ứa ra, không cầm được. Thèm lắm rồi nhưng phải cầm lòng, nghe nhà thơ căn dặn thứ tự thế nào, lọn bún trắng tinh xếp vào chén, vài lá rau thơm đặt lên rồi đến miếng chả cá nóng rẫy, tiếp đến là những cọng thì là xanh ngắt, cuối cùng mới múc thìa mắm tôm đẫm chanh ớt rưới lên. Chao ơi là ngon! Hơn đứt chả cá Lã Vọng trên phố của Hà thành.
Đó là thời đã gọi là khá giả, nhớ những ngày bao cấp khó khăn, hồi gia đình Nguyễn Duy còn ở khu tập thể văn nghệ sĩ 190 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, nơi chúng tôi thường lui tới, tụ bạ bên chén rượu, có khi chỉ uống suông hay nhắm với vài hạt lạc rang húng lìu (“Uống rượu suông là tự nhắm thịt mình” - thơ Nguyễn Duy). Vậy mà Tết nhất, nhà thơ vẫn tìm được miếng ngon thết bạn. Khi thì miếng vịt lạp ướp ngũ vị hương, nướng lửa than thơm ngào ngạt. Khi thì bát riêu cá chép thì là bỏng môi. Lúc lại tô chân giò giả cầy ướp khéo, nước tiết sóng sánh như mật, lại phải ăn với bánh cuốn mới đúng điệu theo lời nhà thơ...
3. Chủ nhân căn hộ bên cạnh Nguyễn Duy là ông Tư Sâm - nhà văn Trang Thế Hy. Ở khoảng ban công nhỏ xíu trước phòng, chú Tư (như cách gọi của đám hậu sinh chúng tôi) trồng trong chậu một dây khổ qua đèo, trái lớn nhất cũng chỉ cỡ ngón tay cái người lớn. Mớ khổ qua được chú Tư hái để làm món “ruột” của ông: xắt mỏng trộn khô cá lóc hay cá sặc bướm xé nhỏ, rưới nước mắm chanh ớt. Những ai thân thiết lắm mới được chú Tư gọi tới nhà uống rượu với món đưa cay đặc biệt đó.
Sau này, chú Tư rời đất Sài Gòn, về quê nhà Bến Tre của ông. Một bận giáp Tết đến với chú Tư, thay vì bày cuộc rượu trong nhà ông như thường lệ, chúng tôi rủ rê ông ra một quán ăn ven sông Tiền, giữa bóng mát của những hàng dừa trĩu quả. Gọi những món ăn miền sông nước: tôm sú hấp nước dừa, canh chua cá ngác, rau dại chấm mắm kho..., rượu Phú Lễ đưa cay. Sau bữa ăn, ông già khoan khoái ngả mình trên võng, nói bao chuyện đời, chuyện thế sự, chuyện văn chương...
Bữa ăn cuối năm ngoài trời đó đã in sâu vào ký ức tôi, bởi không lâu sau đó tác giả của những Mưa ấm, Nắng đẹp miền quê ngoại, Tiếng khóc và tiếng hát rời xa trần thế
4. Bữa ăn đầu năm của gia đình tôi bao giờ cũng có món bún thang “gia truyền”, được bà ngoại các cháu chỉ vẽ cho nhà tôi làm đúng kiểu Hà Nội. Con gà cúng mồng một Tết phải là gà trống tơ, thịt săn chắc, được gà trống thiến càng hợp. Thịt gà luộc xé sợi, trứng gà rán mỏng xắt sợi, giò lụa thái chỉ. Rau răm, hành lá xắt nhỏ thật nhiều. Tất cả xếp gọn gàng vào tô trên lớp bún tươi. Nước luộc gà thêm ít tai nấm hương, mấy con mực khô cho thật ngọt, nêm nếm vừa ăn chan vào. Nêm thêm một chút mắm tôm chanh hay nước mắm ngon. Vắt lát chanh tươi, thêm vài lát ớt đỏ nữa mới thật đủ đầy, để tăng hương vị của món bún thang “lên đến cái mức ăn ngon gần như không thể nào chịu được” (Vũ Bằng - Miếng ngon Hà Nội).
Vậy đó, đi đâu loanh quanh mãi rồi cũng phải về với cái tổ ấm của mình, với những món ăn ngày Tết dù quen thuộc nhưng cứ ngon mãi bởi được nêm nếm thứ gia vị gọi là hạnh phúc!