Tết này con không về!
(DNTO) - Sum vầy. Đó là ý nghĩa thiêng liêng nhất của Tết. Với những người con xa quê, được về nhà ăn Tết là nỗi niềm mong đợi canh cánh bên lòng. Bởi với người Việt Nam chỉ có đón Tết bên gia đình mới là cái Tết trọn vẹn nhất.
Có nhiều hoàn cảnh hoặc lý do để một ai đó phải ăn Tết xa nhà. Họ có thể là người chiến sĩ trên mặt trận bảo vệ Tổ Quốc vì nhiệm vụ thiêng liêng mà không thể về cùng gia đình đón Tết. Có khi là các bạn trẻ xa nhà đi tìm cho mình một tương lai xán lạn bằng con đường học vấn. Hoặc người gánh nặng gia đình bôn ba tìm kế sinh nhai mong thoát cảnh nghèo khó. Có vẻ thân phận một chút là người phụ nữ lấy chồng xa, gánh vác giang san nhà chồng, nhiều cái Tết chỉ biết “… ra đứng ngõ sau, trông về quê mẹ ruột đau chín chiều”.
Cho dù là hoàn cảnh nào, lý do gì thì ăn Tết xa nhà với người Việt cũng là một nỗi niềm trắc ẩn. Với người đi xa đấy là nỗi nhớ nhung, ray rứt, dằn vặt, băn khoăn…. Với kẻ ở nhà là tâm trạng trông ngóng, buồn bã, thất vọng; Và với người ngoài cuộc là giây phút chạnh lòng.
Hình ảnh mẹ ngồi tựa cửa chờ con trong ngày giáp Tết khi khói bếp chiều chui ra từ mái rạ lấn quấn trên ngọn cây sau nhà… là một tuyệt tác lấy đi nhiều nước mắt của biết bao người… Ngược lại, nỗi lòng của đứa con xa nhà trong những ngày đông tàn, xuân đến cũng đã từng biến thành những giai điệu trong rất nhiều bài ca đi vào lòng người và tồn tại với thời gian.
Vào dịp Tết năm 1939, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương đang theo học tại Trường Thăng Long - Hà Nội, Tết không có tiền về quê, ông rất buồn. Đó là cái Tết xa nhà đầu tiên của ông. Đêm ba mươi Tết, ông lững thững một mình lang thang trong nỗi nhớ nhà da diết. Lang thang mãi qua nhiều đường phố Hà Nội cho đến khi thời khắc giao thừa đã điểm, ông mới quay về căn gác trọ. Nỗi nhớ nhà và cảm giác cô đơn nơi đất khách khiến ông không tài nào ngủ được. Và thế là bài hát “Đêm đông” ra đời và nó sống mãi đến ngày hôm nay.
Thế mới biết, sự đoàn viên trong ngày Tết có một sức mạnh vô biên trong đời sống tinh thần của người Việt cho dù ngày nay phương tiện liên lạc thông tin gần như phát triển thần tốc, người ta có thể nghe tiếng nói, nhìn thấy mặt nhau bất kỳ lúc nào. Nhưng được ngồi cạnh bên nhau, tay bắt mặt mừng, hàn huyên tâm sự trong ba ngày Tết vẫn là nhu cầu cấp thiết của mỗi người. Thậm chí cho dù trong năm người ta có về thăm nhà bao nhiêu lần đi nữa, họ vẫn cảm thấy không trọn vẹn nếu “Tết này con không về”. Cái cảm giác gia đình cùng quây quần bên nhau là điều làm cho Tết trở nên thật quan trọng trong lòng mỗi con người Việt Nam chúng ta.
Sự đoàn viên ngày Tết còn là sự kiện đã ăn sâu vào máu thịt của dân ta, trở thành mối quan tâm hàng đầu của mọi người. Ngày giáp Tết, hầu như khi gặp nhau nhất định không ai quên hỏi thăm: “Tết này thằng A, con B… có về không chị?”. Sắp nhỏ về đủ hết không anh?”... Người được hỏi thăm sẽ hiện rõ niềm vui hạnh phúc xen lẫn “tự hào” nếu như câu trả lời là có, là đủ. Ngược lại họ sẽ giống như người bị ai giẫm phải cái chân đau, lắc đầu buồn bã. Và khi ấy người hỏi thăm cũng ái ngại thấy mình có lỗi.
Dù có đi khắp phương trời, ba ngày Tết cũng quay về sum họp gia đình đã trở thành truyền thống văn hóa của người Việt từ ngàn xưa cho đến ngàn sau. Vì thế, Tết này, chúng ta thật sự rất đồng cảm, chia sẻ với một bộ phận người dân vì sự bùng phát của dịch Covid-19 mà không thể về quê ăn tết.
Nhiều người phải hủy vé máy bay trong phút chót, chấp nhận ở lại nơi làm việc để đảm bảo an toàn, góp phần ngăn dịch bệnh lan rộng. Với những người dự định về quê ăn Tết sau nhiều năm lỗi hẹn sẽ cảm thấy hụt hẫng. Còn với những ai đây là lần đầu tiên phải ăn Tết xa nhà thì thật chơi vơi.
Tuy nhiên, các bạn thấy đó, qua bao nhiêu biến cố, thành phố phương Nam này luôn chứng tỏ sự bao dung, tấm lòng thiện nguyện, sự đùm bọc, sẻ chia, không phân biệt, kỳ thị. Các bạn có thể yên tâm sẽ không bị bỏ rơi, người thành phố sẽ cùng các bạn đón cái Tết ý nghĩa nhất.
Tết này không về thì Tết sau sẽ về, thậm chí ra Giêng mình ăn Tết muộn. Nhưng nếu mỗi người không nêu cao tinh thần, trách nhiệm và ý thức cộng đồng thì có thể sẽ mãi mãi không có một