Tết này mình ăn Tết ở đâu?
(DNTO) - Tết này mình ăn Tết ở đâu? Đấy là nỗi băn khoăn của không ít cặp vợ chồng nhất là các cặp vợ chồng sống xa quê mỗi khi Tết đến Xuân về.
Trước đây, xuất phát từ nền văn hóa làng xã, người dân sống sinh hoạt chủ yếu gói gọn trong lũy tre làng. Trai gái lớn lên cưới vợ, lấy chồng cũng quanh quẩn trong cái không gian chật hẹp ấy. Vì thế, cái cảnh “Nhà nàng ở cạnh nhà tôi/Cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn” là rất quen thuộc. Nó làm nảy sinh ra các nghi lễ ngày Tết: “Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy”.
Chuyện ăn tết ở đâu hầu như đã được mặc định sẵn như là một “quy ước”. Cứ mồng một bên nhà nội, mồng hai về nhà ngoại, mồng ba thăm thầy (thầy ở đây không nhất thiết là thầy dạy chữ mà bao gồm cả thầy dạy nghề hay những người mà ta tôn kính như thầy). "Quy ước” này phù hợp với cảnh sống dân cư quây quần, thông gia, họ hàng nội ngoại cũng ở loanh quanh đầu làng, cuối xóm.
Ngày nay, do xu hướng thời đại, công nghiệp phát triển, mô hình gia đình hạt nhân phổ biến, đặc biệt là tình hình di dân ra các thành phố lớn lập nghiệp ngày càng nhiều đã khiến nền văn hóa làng xã bị phân hóa. Thực tế đó tạo nên rất nhiều cuộc hôn nhân mà vợ chồng là hai người ở hai quê khác nhau, thậm chí khác cả vùng miền.
Tết là dịp con cái ở xa mong muốn trở về sum họp gia đình, thăm viếng ông bà cha mẹ. Tâm lý của những người xa quê luôn muốn được quay về nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình để ăn Tết. Đối với những cặp đôi này. Ăn Tết ở quê vợ hay quê chồng thật sự là một vấn đề nan giải, một câu hỏi làm đau đầu các cặp vợ chồng nhất là các cặp vợ chồng trẻ xa quê.
Năm ngoái, sau khi cưới, lần đầu tiên Thanh về ăn Tết quê chồng, ngồi suốt hai ngày đêm trên xe đã rất mệt mỏi. Về đến nhà vừa 27 Tết. Công việc chợ búa, bếp núc ngập đầu, thêm phong tục, tập quán, khẩu vị khác biệt vùng miền, Thanh như một người lạc thời, ngớ ngẩn, cập rập, vụng về. Mặc dù vậy, sự vất vả đó cũng không “kinh khủng” bằng cảm giác nhớ nhà khi lần đầu tiên không được ăn tết cùng ba mẹ ở nhà mình.
Nhìn mọi người bên nhà chồng quây quần vui vẻ, Thanh thấy tủi thân, thấy mình lạc loài giữa đám đông xa lạ. Ban ngày, Thanh cố gượng làm vui nhưng đêm đến chị không thể cầm được nước mắt. Mấy ngày tết trôi qua trong nỗi buồn tê tái.
Tết năm nay, Thanh nhất quyết đòi về quê mình. Sau mấy ngày thuyết phục, tranh cãi giằng co, cuối cùng họ quyết định quê ai nấy về. Gia đình chồng Thanh vốn là gia đình Bắc cổ, mẹ chồng cô vẫn còn nặng tư tưởng cũ. Với bà, đã là gái có chồng là phải có bổn phận với tổ tiên nhà chồng. Còn không đầy hai tuần lễ nữa là Tết. Chồng Thanh không biết sẽ nói với gia đình mình như thế nào. Anh thật sự rất căng thẳng.
Quê Loan ở Tiền Giang còn quê Minh tận Phú Yên. Hai người cưới nhau đúng 10 năm. Năm nào cũng bắt đầu bước qua tháng Chạp là hai anh chị cũng bàn cãi, tranh luận, mặt nặng mày nhẹ, có khi chiến tranh lạnh với nhau chỉ vì ai cũng muốn về quê mình ăn Tết. May mắn, tính Loan chiều chồng, thành ra chị để tùy anh sắp sếp dù trong lòng rất miễn cưỡng.
Cũng là “một cảnh hai quê” nhưng tiền lương công nhân ba cọc ba đồng không kham nổi cuộc sống với hai đứa con sinh đôi, nên anh Hòa đành mang vợ con về quê vợ nhờ bên ngoại trợ giúp. Anh một thân một mình ở lại Sài Gòn ra sức làm lụng gửi tiền về quê cho vợ nuôi con. Đã gần chục năm Hòa ăn Tết ở quê vợ vì không có tiền dắt díu vợ con về Thái Bình. Ngày Tết, nhiều lúc cám cảnh thân mình, Hòa đâm cáu gắt với vợ nên không có cái Tết nào hai vợ chồng vui vẻ.
Hồi còn độc thân, Tết đến, ba lô lên vai, cứ thế về quê ăn Tết, vô tư không nghĩ ngợi gì. Cưới nhau rồi chừng Tết đến, nhiều cặp vợ chồng mới ớ người ra: “Ơ hay, ăn Tết ở đâu nhỉ? Nhà nội hay nhà ngoại?”. Thế là đủ kiểu giận dỗi, khóc lóc, gây gổ, xung đột, chiến tranh nóng lạnh… thậm chí dọa ly dị được tung ra.
Tết, mỗi năm mỗi tết. Vợ chồng, cả đời làm vợ chồng. Mỗi người hãy bớt cái tôi của mình đi, hãy nghĩ tới cảm giác của vợ/chồng mình. Đồng thời mỗi cặp vợ chồng, mỗi gia đình chúng ta nên đề ra tiêu chí cụ thể trong từng thời điểm, làm sao cho thấu tình đạt lý, phù hợp với hoàn cảnh, phong tục, bảo đảm thuận lợi, hợp lý, vui vẻ, thoải mái thì việc quyết định ăn tết nhà ngoại hay nhà nội sẽ nhẹ nhàng hơn.