Vất vả với Tết của người phụ nữ không phải là nỗi bất hạnh nếu như…
(DNTO) - Có người cho rằng cần “giải phóng” phụ nữ ra khỏi sự vất vả vì Tết. Nhưng thật ra, không chỉ có nỗi vất vả xung quanh chuyện nhà cửa bếp núc, người phụ nữ ngày nay còn có rất nhiều áp lực từ công việc mỗi khi Tết đến. Họ cần thấu hiểu và chia sẻ.
Thế hệ các bà, các mẹ, những ngày giáp Tết như thế này là thời gian bận rộn “bù đầu bù cổ”. Để có ba ngày Tết, thật ra họ đã phải chuẩn bị từ những ngày mà trong này ngọn gió chướng bắt đầu vừa chớm già và ngoài kia đông vẫn còn phả hơi lạnh sắt se giá buốt.
Ở thôn quê, phụ nữ bốn mùa quần quật ngoài đồng; Chốn thị thành, các chị quanh năm chạy chợ. Cho dù có ngồi mát trong công sở thì cũng 8 tiếng lao động miệt mài. Cho nên, để chuẩn bị ăn Tết, họ phải tận dụng thời gian triệt để. Nào dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ, phơi phóng, nhất là gian bếp phải tinh tươm. Ngay đầu tháng Chạp, đã thấy các chị rục rịch mua sắm, sửa sang: Trẻ trong nhà mỗi đứa đôi ba bộ quần áo mới; nhà cửa màn treo, khăn khảm, vật dụng trang hoàng…
Tiếp đó là bắt tay vào làm các món khô như củ kiệu, dưa hành, lạp xưởng, tôm khô, giò thủ, thịt đông … quết bánh phòng, bánh tráng, làm các loại bánh mứt… Sát ngày Tết thì kho thịt, gói bánh chưng, bánh tét… toàn những món ăn cần các công đoạn chế biến cầu kỳ, tỉ mỉ và rất mất thời gian, công sức.
Tết đến, cũng là lúc mà cỗ bàn tụ tập linh đình. Các nghi thức cúng kiến, thết đãi… tất tần tật đều rơi vào tay người phụ nữ trong nhà. Thế là cả ngày từ sáng đến tối các chị chỉ quanh quẩn bếp núc và… dọn rửa. Cực thân là vậy, cực lo cũng không kém gì. Tiền cho các khoản chi tiêu trong nhà, tiền mua quà biếu xén họ hàng… Rồi còn lo sắp xếp Tết nội, Tết ngoại sao cho thấu tình đạt lý…
Vậy mà Tết vẫn cứ khiến các bà các mẹ háo hức, mong đợi. Ba ngày Tết trôi qua vẫn làm họ tiếc nuối thậm chí buồn bã. Bây giờ, trên khắp các trang mạng, người ta hay kêu ca, buông lời thương xót như thể đó là nỗi bất hạnh của phụ nữ, như là người phụ nữ cần được “giải phóng” ra khỏi cảnh cơ cực do Tết mang lại. Trong khi theo một cuộc khảo sát bỏ túi, các bà, các mẹ thời đó đa số cho rằng cảm thấy vô cùng hạnh phúc vì ba ngày Tết là dịp họ trổ tài mang đến cho gia đình những món ăn ngon, được sắm sửa, chăm lo cho chồng con manh áo, cái ăn, được tận hưởng niềm vui sum vầy, được đắm mình trong không khí tươi vui mới mẻ. Đa số các bà các mẹ cho rằng, họ không hề thấy cực khổ còn tỏ ra tiếc nhớ những ngày bận rộn nhưng vui vẻ hạnh phúc của Tết xưa.
Bây giờ, thời đại của thương mại điện tử, chỉ cần ngồi nhà với một chiếc điện thoại thông minh trên tay là ôi thôi, hàng trăm “chủng loại” món ăn ngày Tết đã được sơ chế thậm chí ăn liền có người giao tới tận cửa nhà. Kể cả quần áo, giày dép, túi xách, mỹ phẩm, vàng bạc, trang sức, phụ kiện trang trí nhà cửa… cũng ngồi nhà khắc có, không phải bận tâm.
Tuy nhiên, trong một xã hội mà người phụ nữ ngày càng đóng vai trò chủ chốt trong nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, được hỏi, không ít chị em vẫn cho rằng dù được hỗ trợ rất nhiều trong việc sắm sửa chuẩn bị cho ba ngày Tết nhưng họ vẫn rất áp lực mỗi khi Tết đến. Với các chị là doanh nhân đang điều hành doanh nghiệp thì tiền lương thưởng Tết cho nhân viên mỗi dịp cuối năm là nỗi lo đè nặng lên vai các chị suốt thời gian trước Tết. Đối với các chị làm lãnh đạo thì họp hành, tổng kết, kiểm điểm cuối năm cũng không thảnh thơi gì. Phụ nữ làm trong ngành báo chí, Xuân về còn đồng nghĩa với nhiều đêm thức trắng, ăn uống tắm giặt ngay trong tòa soạn để kịp tiến độ in báo Tết phục vụ độc giả. Với các chị em làm nghề may vá, hoặc các dịch vụ làm tóc, làm nail có khi còn phục vụ xuyên cả qua ba ngày Tết…
Thế mới nói, mỗi thời đại, cuộc sống thay đổi kéo theo hoàn cảnh thay đổi. Và chúng ta buộc phải thay đổi để thích nghi với cuộc sống. Tết mỗi thời mỗi khác, người phụ nữ ngày nay không có nhiều nỗi vất vả lo ăn Tết như ngày xưa nhưng ngược lại họ có nhiều nỗi lo bởi trách nhiệm ngoài xã hội.
Cho nên, để Tết là niềm vui gắn kết, là hạnh phúc của mỗi gia đình vừa thể hiện được sự đầm ấm sum vầy đầy đủ ý nghĩa thì người phụ nữ cần được quan tâm, chia sẻ, hỗ trợ của tất cả thành viên trong gia đình nhất là người đàn ông bên cạnh họ.