Tết này thiếu vắng Việt Kiều
(DNTO) - Tết Nguyên đán là sự kiện lớn nhất, ý nghĩa nhất trong năm đối với người Việt. Dù ở đâu, giàu hay nghèo, già hay trẻ, dường như không có người Việt nào lại không có cảm xúc đặc biệt đối với ngày Tết truyền thống của quê hương.
Đối với những Việt kiều xa quê, Tết còn nặng tình nặng nghĩa gấp nhiều lần. Tết là dịp để gắn kết những tâm hồn Việt với văn hóa Việt, với gia đình, tổ tiên; là sợi dây nối lại những tình thân bị nhạt nhòa, ngăn cách sau một năm dài miệt mài mưu sinh. Tết chiếm vị trí quan trọng trong phạm trù “quê hương”, “hồn Việt” mà không gì có thể thay thế được.
Đối với Việt kiều sống tại các nước phương Tây, trải nghiệm bầu không khí thiêng liêng của những ngày Giáng Sinh và đón năm mới của người bản xứ, khi mà tất cả mọi thế hệ đều quy tụ về quanh gia đình, càng làm thêm da diết, khát khao hướng về ngày Tết Việt.
Sau năm 1975 đến nay, khoảng 4 triệu người Việt đã rời xa đất nước để định cư, sinh sống tại nước ngoài. Và họ, hàng năm, vẫn đều đặn đóng góp công sức cho đất nước. Thống kê của Ngân hàng Thế giới cho thấy Việt Nam đứng trong Top 10 những nước nhận kiều hối với số lượng lớn mỗi năm. Trước Covid -19, Việt Nam nhận 17 tỷ USD kiều hối, chiếm 6,5% GDP. Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19, theo dự báo của WB, lượng kiều hối có giảm xuống còn 15,7 tỷ USD nhưng vẫn chiếm đến 5,8% GDP.
Cuộc sống ở nước ngoài, dù có được bù đắp bằng vật chất đầy đủ, các điều kiện lý tưởng về giáo dục, việc làm và y tế… vẫn luôn ẩn chứa những mất mát vô hình về tinh thần, về văn hóa. Tết ở xứ người là một ví dụ. Ngày Tết Việt ở nước ngoài thường rơi vào những ngày làm việc, học hành và không mấy ai có thể nghỉ làm, cho con cái nghỉ học để đón Tết trong khi cả xã hội đã hoạt động trở lại sau kỳ nghỉ dài Giáng sinh và năm mới Dương lịch theo tục lệ của đất nước họ.
Tại một số nước như Mỹ, Úc, Anh, Pháp, Đức, nơi có số đông Việt kiều sinh sống, nguồn thực phẩm Việt dồi dào hiện đã có thể cung cấp đầy đủ cho mâm cỗ ngày Tết cho Việt kiều, cho bàn thờ ấm cúng trong mỗi gia đình. Hội chợ Tết cũng thường được tổ chức với quy mô lớn - nơi mà người ta có thể tìm thấy không khí chợ quê với hàng quán đồ ăn Việt, trò chơi Việt và 99% người Việt tham dự - nếu may mắn những ngày cận Tết rơi đúng dịp cuối tuần. Các đền, chùa Việt Nam – vốn mọc lên ngày càng nhiều ở nước ngoài nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh của Việt kiều – cũng là nơi thu hút đông đảo bà con, nhất là vào dịp Tết. Nhiều hội đoàn, tổ chức, câu lạc bộ dành riêng cho người Việt ra đời với nhiều mục đích khác nhau, nhưng nền tảng của chúng không gì khác ngoài cố gắng lấp đầy những khoảng trống tinh thần của những người con xa quê.
Dù vậy, với rất nhiều người, những hoạt động ấy vẫn không thể thay thế được không khí gia đình bên mâm cỗ ngày Tết có cha có mẹ, có anh có em quây quần dưới làn khói hương ngào ngạt trên bàn thờ tổ tiên nơi quê nhà.
Năm tháng cứ trôi đi, nhớ thương chất chồng lên những kế hoạch về ăn Tết ở Việt Nam. Một trong những câu chào hỏi cửa miệng của Việt kiều trong những tháng cuối năm là “Tết năm nay có về Việt Nam ăn Tết không?” Và để thực hiện những kế hoạch đó, ngoài chuẩn bị về tài chính, họ còn phải gác lại những kỳ nghỉ trong năm để dành phép cho kỳ nghỉ Tết ở Việt Nam được dài hơn.
Ở trong nước, nhiều năm gần đây, cứ vào dịp cuối năm ở sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất hay Nội Bài thường có rất đông người đến đón người thân trở về từ nước ngoài. Đó là những cuộc gặp gỡ đầy cảm xúc với tiếng cười, nước mắt, những cái ôm thật chặt…
Covid-19 đã làm thay đổi tất cả. Chúng ta sắp đối mặt với một thực tế là năm nay, lần đầu tiên sau nhiều năm, Việt Nam có một cái Tết vắng bà con Việt kiều. Sân bay quốc tế sẽ vắng những “biển người” ra đón người thân; các điểm du lịch, trung tâm thương mại, các khách sạn lớn nhỏ trong cả nước… sẽ thiếu vắng một lượng lớn khách hàng là Việt kiều cùng gia đình. Hàng triệu gia đình sẽ phải gác lại kế hoạch đón tiếp vợ, chồng, con, cháu, anh em, chú dì cô bác… về đón cái tết đoàn viên sau nhiều năm xa cách.
Trong khi ở Việt Nam, chúng ta đang hàng ngày hưởng thụ một cuộc sống gần như bình thường so với trước dịch, những chuyến bay nội địa vẫn đầy ắp khách, các khu du lịch vẫn mở cửa đón hàng đoàn khách nội địa đến thăm, selfie và đăng hình tràn ngập facebook… thì nước Mỹ và phần lớn châu Âu vẫn đang chìm ngập trong khủng hoảng, oằn mình chống đỡ với cơn đại dịch. Mỗi ngày có hàng trăm ngàn người bị lây nhiễm, hàng ngàn người chết vì Covid-19. Giờ đây người ta chỉ còn biết chờ vũ khí cuối cùng là Vacxin.
Tuy nhiên, điểm sáng hứa hẹn một tương lai tốt đẹp cho Việt Nam ngoài sự phổ biến của Vacxin, đó là thành tích chống Covid-19 của chính quyền và nhân dân cả nước. Chỉ một ca lây nhiễm cộng đồng những ngày cuối năm do bất cẩn của nhân viên Việt Nam Airline đã gây phẫn nộ trong cộng đồng, đã cho thấy chúng ta, cả chính quyền và người dân, có ý thức nghiêm túc với đại dịch này như thế nào.
Việt Nam cho tới nay đã là điểm đến độc đáo thú vị cho du khách, Việt Nam của tương lai hậu Covid-19 sẽ hứa hẹn một địa chỉ an toàn, lành mạnh cho những ai quan tâm. Ngày đoàn tụ đó rất đáng để chờ đợi. Và một cái Tết thiếu vắng sự trở về của những người con xa quê chắc chắn sẽ là những trải nghiệm ngậm ngùi, khó quên. Sự xa cách không có nghĩa không còn gần. Mùa Xuân vẫn đến và bình minh luôn ở phía chân trời.