Nắng lạnh ở Măng Đen
(DNTO) - Tôi vẫn nghĩ một ngày quay lại, mình nhất định sẽ ngủ lại trên những cái nhà cây xinh xắn nơi này, để nghe tiếng thác, tiếng chim, và tiếng côn trùng. Thức dậy ở một nơi tĩnh lặng và ban sơ như nơi này, ban mai hẳn vô cùng trong trẻo.
Mùa Covid-19 năm thứ nhất, tranh thủ mọi thứ đang còn ổn định, chúng tôi quyết định đưa bọn trẻ làm một chuyến lên rừng xuống biển.
Khởi sự từ Sài Gòn, đi theo quốc lộ 14, qua Ban Mê Thuột, xuống Gia Lai, Kontum rồi từ đi đèo Violắc ra đến Ba Tơ (Quảng Ngãi). Rồi từ đó xuôi Nam trở lại Sài Gòn. Quả thật qua được “bà” đèo lẫy lừng này phải phong mình thành… đại úy vì đã sống sót nổi sau những đoạn cua ngoạn mục: đoạn gắt, đoạn gấp, vách núi cheo leo, chiếc xe như mấp mé rìa vực. Đèo hiểm hóc đường dài lại dài, núi cao, vực sâu hun hút, đến mức con sông Re cũng nhỏ xíu như một dòng suối mảnh.
Lần đầu tiên trải nghiệm một góc Trường Sơn đại ngàn “bên nắng đốt bên mưa quây”, không hiểu sao tôi lại chỉ nhớ đến câu hát của nhạc sĩ quá cố Trịnh Công Sơn: “một người về đỉnh cao, một người về vực sâu. Để cuộc tình chìm mau như bóng chim cuối đèo”. Qua gần hết đèo, đã nghe mùi bố thắng khét lẹt, may tìm thấy một đoạn suối nhỏ lấy nước tưới bánh xe, để máy bớt nóng, bố thắng dịu bớt lại. Thật kì lạ, thêm một lần đầu tiên cảm nhận được nắng lạnh lưng đèo. Kontum chính xác hơn là Măng Đen (huyện Konplong) đã nằm lại phía sau mình.
Kontum dễ có trên mười lăm năm hơn lần đầu tôi đến, cũng từ Ban Mê, đi thêm mấy chặng xe đò, xe dù đi trong cái điên đảo vì say xe. Đến thị xã (hay thị trấn) trời đã tối mù, vừa kịp tỉnh lại, quẳng đồ vô khách sạn là vội vàng đi kiếm quán cà phê Eva, lăm le ngắm bộ tượng nhà mồ. Vừa đi, vừa hỏi, vừa đi vừa lạc, ròng rã cũng tìm được đến nơi thì…quán đà đóng cửa.
Tức no, về khách sạn ngủ không cần ăn gì nữa. Nghĩ mà thương cho những con người trẻ trung hăm hở. Cũng may ngày hôm sau đi thăm được Chủng viện thừa sai Kontum (được xây từ năm 1935) một bảo tàng thu nhỏ cả về kiến trúc và văn hóa của người dân tộc bản địa (nhất là những hiện vật quý giá được trưng bày trong phòng truyền thống). Kiến trúc đẹp, tinh xảo, không gian thoáng đãng bình an, con người nhẹ nhàng, thân thiện, chu đáo đã gieo cho mình một nhiều hạt thiện cảm nơi vùng đất này. Kontum cũng là miền đất nổi tiếng là nhiều cầu treo từ lớn đến nhỏ.
Nếu KonKlor hùng vĩ cam chói chang bắt ngang sông Đak Bla xanh ngắt là biểu tượng cho sự hiện đại và phát triển của Tây Nguyên, thì sâu trong Măng Đen cũng có những cầu treo nhỏ xưa đến mức xe máy phải từng chiếc đi qua, người đi bộ cũng chỉ đi được một nhóm nhỏ. Thậm chí vô sâu trong khu du lịch thác Pa Sỹ cũng bắt gặp những phiên bản màu cam nhỏ của KonKlor cho những du khách thơ thẩn nơi này.
Chúng tôi vào Măng Đen với ấn tượng thưa vắng của nhiều năm trước, hy vọng mình sẽ lại được ngủ nhà sàn, tắm suối... như xưa. Hóa ra bên hồ Đăk Ke bây giờ vẫn còn nhà sàn, nhưng không còn dịch vụ lưu trú nữa. Và khách sạn to đẹp nằm giữa vô vàn hoa hồng, ngũ sắc, cẩm tú cầu… thì không còn một phòng trống nào. Loanh quanh dạo ven hồ ngắm chiều, ngắm liễu ngắm thông.
Dạo tôi đi trời vẫn đang xuân, không hiểu sao cây phượng bên hồ Đak-Ke đã vội vàng đơm hoa đỏ. Định nếu tìm không ra chỗ ngủ ở hồ này, cả bọn sẽ ngược ra thành phố Pleiku, tìm chỗ ở bên hồ Tơ-nưng. Nhưng rồi duyên đẩy duyên đưa, nhờ không có phòng, chúng tôi lại có cơ hội được ở trong nhà sàn cùng với người đồng bào Mơ Nâm ở làng văn hóa du lịch cộng đồng Kon Bring.
Làng nằm giữa cánh đồng xanh. Trong lúc chờ chị Y Lin chuẩn bị cơm tối, chúng tôi đi loanh quanh qua những nhà sàn nhỏ, nhìn mẹ con nhà gà lúc thúc chăm nhau, những chú chó nằm im hiền lành, cỏ dại và hoa xuyến chi nở mấp mô ven bờ ruộng. Nhà chị Y Lin xem chừng xinh nhất vì nằm giữa một vườn sao nhái hồng tím trắng đủ màu, nhìn thành bình hết mực. Nhà sàn cách đó một quãng đồng thì có nguyên một vườn bưởi lúc lỉu trái.
Ngắm nghía no nê, cả bọn lại rủ nhau đi tắm sông ĐăkLong, nước trong văn vắt nhìn thấy cả lớp sỏi dưới đáy. Sông lành như suối, bốn bề là cây xanh núi xanh. Bữa ăn giữa trời giản dị chỉ có rau rừng xào, gà nướng cơm lam được mang lên từ cái bếp còn đang đượm lửa. Gà ngon, rau ngon, gạo ngon là một lẽ. Lẽ khác chính là sự ấm áp, thuần hậu và không khí trong trẻo của núi.
Đêm đó ở Măng Đen, lại có thêm một lần đầu tiên… uống bia trong mùng, vì lạnh quá không dám ló mặt ra. Đành mỗi người một cái mền, một cái mùng cụng lon xa. Một lon thôi rồi đi ngủ vì còn phải chinh phục thác Pa Sỹ, chùa Khánh Lâm… ngày hôm sau. Điểm đặc biệt của thác Pa Sỹ là nơi ba con suối nhập vào một dòng đổ xuống theo đúng như tên gọi bằng tiếng Rơ Mâm (Pau Suh).
Thác trắng xóa, đổ xuống từ đỉnh 40m, đứng bên cạnh gốc cây già gần đó, thể nào bạn cũng được tặng một gương mặt đẫm sương, những hạt li ti mịt mù như xịt khoáng. Lang thang trong khuôn viên rộng 25ha này, làm Tarzan đu dây bằng những thân dây quấn trên cây cổ thụ, ăn kem cà phê trong lạnh giá, ăn trưa giữa một vùng cúc thân gỗ rực vàng, ngắm lan, chụp hình sống ảo với cả một cách rừng hoa đủ màu đủ sắc, những vẫn chưa đủ.
Tôi vẫn nghĩ một ngày quay lại, mình nhất định sẽ ngủ lại trên những cái nhà cây xinh xắn nơi này, để nghe tiếng thác, tiếng chim, và tiếng côn trùng. Thức dậy ở một nơi tĩnh lặng và ban sơ như nơi này, ban mai hẳn vô cùng trong trẻo.