Ba ngày Tết
(DNTO) - Với người Việt Nam, Tết là một sự kiện mang theo nó rất nhiều ý nghĩa, thể hiện qua các sinh hoạt diễn ra trong ba ngày Tết
Ba mươi Tết
Tính theo lịch thì năm mới bắt đầu vào ngày mùng một tháng Giêng nhưng thật ra trong dân gian, ngày ba mươi tháng chạp, Tết đã được khởi động với việc cúng rước ông bà về ăn Tết với con cháu.
Có thể nói ngày ba mươi tháng chạp là ngày bận rộn nhất trong năm. Đó là ngày cuối cùng để khép lại mọi hoạt động của năm cũ. Có những việc không thể để leo qua ngày hôm sau. Vì thế không khí tất bật gấp rút bao trùm lấy mọi sinh hoạt. Trong đó việc chuẩn bị mâm cỗ để rước ông bà là không thể bỏ qua. Chẳng những không thể bỏ qua mà còn phải tươm tất, trang trọng.
Ngày 30 Tết còn một lễ nữa là cúng giao thừa. Đây là thời khắc chuyển giao của ngày cuối năm cũ và ngày đầu năm mới. Chỉ cần một cái chớp mắt, thời gian được tính bằng định lượng một năm, chỉ cần một cái chớp mắt đã là năm mới, tuổi mới… Để ghi nhận dấu mốc quan trọng này, người ta thường bày mâm cỗ để đón chào năm mới, đồng thời tạ ơn trời đất và cầu nguyện những điều tốt lành cho bản thân và gia đình trong năm mới.
Nếu ba mươi được gọi là “trù bị” thì sau giao thừa, Tết “chính thức” bắt đầu. Mọi người kéo nhau đi chùa hái lộc, thắp nén nhang cầu nguyện cho gia đình bình an, mùa màng tươi tốt, thiên hạ thái bình.
Ngày mùng một
“Mùng Một tết cha”. Như một quy định ngầm trong dân gian, ngày mồng Một đầu năm mới là ngày con cháu đi thăm hỏi, chúc Tết ông bà họ hàng bên nhà nội. Bất kể người lớn trẻ nhỏ đều phải ăn mặc chỉnh tề, gương mặt tươi vui, nói năng hòa nhã. Các câu chúc phù hợp với tuổi tác, nghề nghiệp… của từng đối tượng được người lớn tập dược cho trẻ nhỏ với lời căn dặn các điều kiêng kỵ khi đi chúc Tết. Chúc Tết và nhận tiền lì xì là hoạt động hấp dẫn được mong đợi nhất của trẻ nhỏ.
Với những gia đình tam tứ đại đồng đường, trong nhà có các cụ cao niên, ngày mồng Một là ngày mà các nghi lễ cúng kiến chiếm hết thời gian trong ngày, sáng cúng bánh mứt khắp các ban thờ trong nhà, trưa chiều cúng cơm, rải rác trong ngày con cháu khắp nơi đến mừng tuổi, chúc Tết ông bà. Vì thế đây cũng là ngày mà người phụ nữ trong gia đình vất vả không kém ngày ba mươi Tết.
Ngày mồng Hai
Tương tự như mồng Một, “mồng hai tết mẹ”, tức là ngày dành cho gia đình bên ngoại, bên vợ. Cũng lại chúc tết, mừng tủi, lì xì nhưng có vẻ như mọi thứ không căng thẳng như “mồng Một tết cha”. Về nhà mình, người phụ nữ được thảnh thơi hơn, tự nhiên hơn, thoải mái hơn. Anh em cột chèo (anh em bạn rể) được dịp tụ tập chén thù chén tạc mà không bị các chị “nhăn nhó”, ra hiệu… Cuối ngày mồng Hai lũ trẻ coi như cơ bản đã có thể tổng kết “thu nhập”.
Ngày mồng ba
Mặc dù dân gian lưu truyền câu hát vè: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” nhưng cũng có câu cửa miệng “ba ngày Tết”, cho nên ngày mồng Ba cơ bản được xem như ngày cuối cùng của Tết. Nhà nhà lại bày mâm cỗ cúng kiếu (tiễn) ông bà, hẹn năm sau sẽ lại rước các ngài về ăn Tết.
Ngày mồng ba cũng là ngày Tết Thầy. Thầy đây không nhất thiết là thầy dạy chữ mà bao gồm cả thầy dạy nghề, hoặc những người mà chúng ta tôn kính coi như thầy của mình trong cuộc sống. Tết thầy nhất thiết phải có món quà, có khi là một con gà nhưng cũng có khi chỉ là một phong bánh in kèm với gói trà. Đó là nói ngày xưa chứ hiện nay thì quà cáp phong phú chủng loại hơn nhiều.
Mỗi năm có ba ngày tết với các phong tục cũ xưa, với các sinh hoạt diễn ra quen thuộc nhưng không bao giờ khiến người ta nhàm chán. Tết vẫn là niềm mong đợi lớn nhất trong năm với mọi người, bất kể con trẻ, cụ già, kẻ giàu, người nghèo, anh doanh nhân thành đạt hay chị bán hàng rong…
Chúng ta vừa trải qua một đêm giao thừa đặc biệt. Nhiều nơi hủy cả tổ chức bắn pháo hoa; Chùa chiền không được hoạt động… Rất nhiều người trải qua thời khắc giao thừa lặng lẽ trong nỗi buồn xa xứ. Ngày mồng Một rồi ngày mồng hai, mồng Ba của chúng ta năm nay chắc cũng sẽ rất khác… Nhưng nhất định trong lòng mỗi người đều có niềm tin về một ngày mai dịch bệnh được đẩy lùi. Rồi chúng ta lại sẽ có những cái tết vui vầy đầm ấm như xưa.