Bồi hồi những phiên chợ tết
(DNTO) - Cái khoảnh khắc chuyển giao của năm cũ bước sang năm mới luôn khiến người ta bồi hồi. Nhưng có lẽ tết gợi nhớ trong tôi nhiều nhất vẫn là những phiên chợ.
Tết giống như một đường ranh phân chia giữa năm cũ và năm mới. Chỉ cần một khoảnh khắc bước qua giao thừa là năm cũ đã ở lại sau lưng, năm mới hiện ra ngang cửa. Một tích tắt thôi, khi trên bầu trời đêm trừ tịch bỗng chốc nở ra những cái hoa pháo với muôn vạn sắc màu lộng lẫy, khi trên gian thờ giữa nhà ánh nến bắt đầu lung linh, hương trầm tỏa ra ngan ngát và văng vẳng đâu đây tiếng chuông chùa trong gió ngân nga… thì trời đất và lòng người cũng rộn rã vào xuân.
Tôi đã có rất nhiều năm trải qua cái thời khắc ấy. Từ một cô bé con háo hức mong áo mới và những món tiền lì xì cùng một chuyến ngồi dò dọc về quê ngoại, đến những ngày bận rộn lo toan trong vai trò người phụ nữ của gia đình, rồi bước qua những ngày thong dong tự tại của một người đã bỏ xuống gánh nặng áo cơm. Nhưng có lẽ tết gợi nhớ trong tôi nhiều nhất vẫn là những phiên chợ.
Chợ tết quê
Đó là ngôi chợ ngó mặt ra dòng sông quanh năm đỏ đục phù sa. Ngôi chợ nhỏ với những gian hàng chồng chéo nhau tựa những đường chỉ tay ngang dọc trên bàn tay của một người lận đận. Nhưng với tôi, đấy chính là một thế giới bao la, đầy màu sắc, huyền hoặc và bí ẩn suốt những năm tuổi thơ.
Phố chợ là hai dãy với mươi căn nhà nhà lá lụp xụp. Duy nhất chỉ có tiệm chạp phô của ông Tài Phú là lợp mái ngói âm dương. Ông Tài Phú là người Hoa kiều nói tiếng Việt còn ngọng líu. Ông rất thương trẻ con, thường hay dúi vào tay trẻ nhỏ mấy cái kẹo mút “xanh xanh đỏ đỏ cho em nhỏ nó mừng”.
Trong lúc chờ người lớn đi mua sắm, tôi tha thẩn vòng quanh chợ, ngắm nhìn. Lạ thay, với tôi, chợ tết không phải là dãy bán hoa kiểng, không phải là gian hàng bánh mứt, tranh lịch hay liễn pháo, cũng không phải sạp quần áo, giày dép. Quyến rũ tôi nhất trong phiên chợ tết chính là chỗ góc chợ bày hàng của cha con chú sơn đông mãi võ, chỗ xe bán kẹo bông đường và cái bàn tò he xanh vàng tím đỏ.
Tôi có thể đứng hàng giờ, ngắm nhìn say sưa chú bán kẹo, lưng áo đẫm mồ hôi, luôn chân đạp vào chiếc bàn đạp bên dưới (hồi đó chưa có máy quay như bây giờ) cho ra những cây kẹo bông đường thật đẹp và hấp dẫn. Kẹo bông đường bỏ vào miệng, lập tức vị ngọt thanh tan ra đầu lưỡi, chép một cái, trời ơi, thấu tận tâm can.
Gian hàng tò he của anh bạn kế bên cũng làm tôi mê mẩn không kém. Qua bàn tay thoăn thoắt ma mị của cậu ấy, những viên bột đủ màu sắc kia trong tích tắc biến thành những hình thù ngộ nghĩnh với đủ các thể loại nhân vật và đồ vật theo yêu cầu của khách. Đơn giản nhất là đóa hoa hồng, chi tiết phức tạp rắc rối hơn như thầy trò Đường Tăng… cậu đều nặn được.
Thêm mấy lần chợ tết nữa thì ông Tài Phú qua đời, chú kẹo bông đường tóc lơ phơ điểm bạc, cậu tò he đã trở thành anh thanh niên, tay nặn tò he, miệng cười, mắt liếc, đưa tình với mấy cô thôn nữ. Năm đó tôi mười bốn tuổi, chỉ dám đứng xa xa nhìn anh nặn tò he, thầm ước được anh liếc mắt cười với mình một lần. Tết năm sau nữa, nghe nói anh tò he đã theo gia đình dọn đi nơi khác. Tôi như người vừa đánh rớt giấc mơ, hồn phách chơi vơi…
Chợ tết thời bao cấp
Thời bao cấp, mặc dù không đến nỗi tem phiếu khắc nghiệt như ở miền Bắc nhưng chợ tết Sài Gòn cũng chủ yếu tập trung vào các cửa hàng thương nghiệp. Ở đó, các mặt hàng thiết yếu ngày tết được phân phối theo tiêu chuẩn và định mức cho người dân. Sự “bình đẳng” ấy được an ủi rằng, thôi thì dầu sao nó cũng khiến người ta bớt đi thói tị nạnh, so bì, ganh ghét nhau. Tình làng nghĩa xóm hiện hữu trong tiếng í ới gọi nhau đi xếp hàng khi trời còn mờ hơi sương sớm.
Quanh năm cơm độn bo bo, khô dưa, mắm muối, chỉ ba ngày tết mới rủng rỉnh “thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ, cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”.Vì thế, ai cũng thấy phấn khởi, hồ hởi, thấy cõi lòng bỗng chốc nhẹ thênh thênh, nghe thương yêu độ lượng tràn trề. Bất kể đang xếp hàng cùng thể loại với mấy cục gạch vô tri giác, bất kể đôi mắt hình viên đạn cùng gương mặt hình cây thông và giọng nói đầy hình… sự của mấy cô mậu dịch viên.
Đi qua gần mười cái tết như thế. Bây giờ hồi tưởng lại vẫn thấy bồi hồi thương về một thời nghèo khó nhưng được sống trong đất nước thanh bình, mọi người đối đãi nhau chân thành ấm áp. Bù lại mỗi năm được mấy ngày ăn đã miệng, được xúng xính quần áo mới, được cầm trên tay phong bao lì xì mỏng dính, được nhặt pháo xịt hả hê, với những đứa trẻ hồi ấy đó là niềm hạnh phúc vô biên.
Chợ tết thời hiện đại
Bây giờ, thời đại của ấm no, ăn ngon, mặc đẹp, quanh năm thịt cá chán chê, cao lương mỹ vị thuộc hàng sâm nhung, dãi yến khiến việc ăn uống giữa ngày thường và ngày tết không còn sự cách biệt rõ rệt. Chợ bây giờ hầu như ngày nào cũng ngựa xe mắc cưỡi, hàng hóa ê hề, không kể hệ thống siêu thị phát triển dày đặc về tận cả các tỉnh xa xôi với cung cách bán mua hiện đại. Nhưng chợ tết không vì thế mà mất đi ý nghĩa. Chợ tết vẫn cứ khiến con người ta nôn nao, chờ đợi, vun vén thời gian cho nó.
Mười sáu năm trôi qua, kể từ chợ hoa Nguyễn Huệ mang một diện mạo mới, một cái tên khác – đường hoa – thì hình như với người Sài Gòn, đi chợ tết còn bao gồm cả việc đi tham quan đường hoa Nguyễn Huệ. Mặc dù đường hoa mỗi năm mỗi mang một chủ đề khác nhưng bao giờ tôi cũng tìm thấy ở đó phảng phất một chút Sài Gòn xưa lẫn trong hồn thiêng sông núi. Giữa không gian tràn ngập sắc màu, tôi hay chọn cho mình một góc nhỏ trên con đường hoa, lặng lẽ ngồi ngắm lũ trẻ tung tăng, tua lại một góc ký ức thời thơ ấu. Ở đó, hiện ra âm thanh tiếng cười nói, tiếng rao hàng, tiếng mặc cả… hiện ra hình ảnh ông kẹo bông đường với mái tóc lơ phơ bạc, hiện ra nụ cười rạng rỡ của anh tò he cùng đôi mắt liếc đưa tình chưa bao giờ dành cho tôi.
Chợ tết thời Covid-19
Hôm nay đã là những ngày tận cùng của năm 2020. Nhìn mấy tờ lịch lẻ loi phất phơ trên cái bìa lịch Tam tông miếu cũ mèm trên tường, tôi cảm nhận tết đang đến gần - một cái tết thật khác, thật đặc biệt. Một cái tết được chào đón trong tâm trạng hết sức mệt mỏi của toàn nhân loại khi cả thế giới đã và đang gồng mình chống lại dịch bệnh Covid -19 hoành hành trong suốt một năm qua.
Tình hình dịch bệnh khiến thu nhập của tất cả mọi thành phần xã hội đều sút giảm rõ rệt. Nó kéo theo sự “thắt lưng buộc bụng”. Nó mang đến cho chợ tết một sắc thái khác. Kể cả những người buôn bán lâu năm nhất cũng ngơ ngác không biết định lượng thế nào với sức mua của khách hàng. Với những người kinh doanh ăn theo mùa tết, họ càng hoang mang hơn. Không ai biết, cái tết đầu tiên diễn ra trong tình hình dịch bệnh, kinh tế eo hẹp sẽ diễn ra như thế nào. Thêm việc mua hàng on line đã trở thành thói quen của người dân trong “tình hình mới”. Tất cả góp phần làm cho chợ tết năm nay thiếu hẳn sự rực rỡ sắc màu, thiếu hẳn sự đông đúc nhộn nhịp và bận rộn.
Mọi người đón tết trong phập phồng, không biết dịch bệnh sẽ bất ngờ bùng phát vào khi nào. Những gia đình có người thân ở nước ngoài cũng không thể có cái tết đoàn viên như mọi năm. Người ta cũng ngán ngại tập trung đông đúc về các khu du lịch… Tất cả tạo nên sự khác biệt trong tâm thế đón chào tết đến của mọi người.
Nhưng cho dù thế nào, nắng ấm cũng vẫn về xua tan cái giá lạnh mùa đông phương Bắc. Cho dù thế nào, ngọn chướng cũng già đi cho tiết xuân phương Nam tràn về. Dù thế nào thì mai vẫn rực rỡ vàng, đào vẫn hồng tươi sắc thắm. Đất trời vẫn lộng lẫy vào xuân. Và tất cả chúng ta vẫn tràn trề hy vọng đón một cái tết bình yên, đầm ấm nếu mỗi người tự biết cách thiết lập cho mình một trạng thái sinh hoạt “bình thường mới”.
Ngoài kia những chiếc thuyền hoa lộng lẫy sắc màu bắt đầu lục đục đổ về các bến sông. Hoa Hóc Môn (TP.HCM) bày ra. Hoa miệt Sa Đéc (Đồng Tháp), Chợ Lách (Bến Tre) đổ lên. Hoa Đà Lạt (Lâm Đồng) đổ xuống. Thậm chí hoa từ Hà Nội bay vào. Tất cả tạo nên một không gian hoa thấm đẫm hương vị Tết, thấm đẫm niềm tin của người dân thành phố về một năm mới bình an, dịch bệnh được đẩy lùi trên khắp hành tinh. Để rồi chúng ta lại sẽ đón những cái tết sum vầy, đầm ấm như những mùa xưa.