Dòng vốn M&A sẽ hết giai đoạn 'chờ thời'
(DNTO) - Chuyên gia cho rằng sở dĩ các nhà đầu tư cầm chừng trong các giao dịch M&A trong thời gian qua là do thăm dò chính sách từ phía Việt Nam, chờ kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ hoặc chờ mua dự án với giá tốt hơn. Khi những yếu tố này được giải tỏa, sự trở lại của các giao dịch sẽ mạnh mẽ hơn.
Khẩu vị rủi ro thay đổi
Chia sẻ trong talkshow “Nhận diện dòng vốn M&A", hôm 14/11, ông Đinh Thế Anh, Thành viên điều hành, Trưởng bộ phận Tư vấn Tài chính doanh nghiệp, KPMG Việt Nam, cho biết theo thống kê của KPMG, trong 9 tháng của 2024, giá trị giao dịch M&A tại Việt Nam đạt 3,2 tỷ USD so với cùng kì năm trước là 2,2 tỷ USD.
Tuy nhiên, nếu không xét đến một vài giao dịch lớn như Vingroup bán mảng Vincom Retail hay Vinfast sáp nhập VinES, thì nhìn chung giá trị giao dịch thị trường suy giảm so với cùng kì năm trước.
Thị trường M&A Việt Nam cũng giống như tình hình chung của khu vực. Trong 6 tháng đầu năm, giá trị giao dịch M&A của cả thị trường Đông Nam Á đang ở mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Tuy nhiên, số lượng giao dịch đang gia tăng. Tại Việt Nam khoảng 221 giao dịch trong 9 tháng đầu năm.
“Điều này cho thấy khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư đã thay đổi, dẫn tới họ chưa sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn cho các giao dịch quy mô lớn. Họ sẽ thường tập trung vào các dự án quy mô nhỏ, rủi ro thấp hơn. Vì thận trọng nên họ vẫn đang chờ, quan sát để có thể xuống tiền cho các giao dịch lớn”, ông Thế Anh lý giải.
Bổ sung thêm, ông Phạm Duy Khương, Luật sư điều hành, Công ty Luật ASL, cho biết không chỉ Đông Nam Á, mà hoạt động giao dịch M&A của cả châu Á cũng sụt giảm. Bởi thị trường M&A thế giới có 2 người mua lớn nhất, hay còn gọi là “đầu kéo” là Nhật Bản và Trung Quốc. Nhưng 2 quốc gia này cũng đang phải đối diện với kinh tế sụt giảm, dẫn tới sức mua giảm và lập tức ảnh hưởng tới phạm vi toàn thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Tuy nhiên có rất nhiều dự án M&A dù có thông tin đầu tư vào Việt Nam nhưng cuối cùng chững lại. Điều này cho thấy các nhà đầu tư vẫn đang chậm lại để quan sát. Họ quan sát thay đổi quy định của Việt Nam có an toàn cho họ đầu tư hay không? Thứ hai là chính sách có đảm bảo sự minh bạch về thuế và kê khai thuế.
Về vấn đề dòng vốn đang chờ đợi vào Việt Nam, ông Khương có quan điểm cho rằng có khả năng nhà đầu tư chờ mua dự án chất lượng cao nhưng giá thấp. Bởi thông thường, ở giai đoạn khủng hoảng kinh tế, định giá của các dự án sẽ sụt giảm.
Bên cạnh đó, rất nhiều các bên đợi chờ vào kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ, đặc biệt như Trung Quốc. Họ cho rằng nếu bà Harris nắm quyền thì số lượng doanh nghiệp, nhà đầu tư ở lại Trung Quốc sẽ tăng. Tuy nhiên Trump thắng cử thì ngược lại. Do đó giai đoạn vừa rồi, họ giao dịch một số thương vụ giá trị nhỏ để thử nghiệm thị trường.
Sự trở lại sẽ mạnh mẽ hơn
Đại diện KPMG cũng cho biết trong quá trình tư vấn cho nhà đầu tư nước ngoài, kể cả nhà đầu tư sản xuất hay tài chính, góc nhìn của họ đều cho rằng Việt Nam luôn là quốc gia hưởng lợi từ cuộc xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
“Đặc biệt trong nhiệm kỳ tổng thống Donal Trump, nếu họ tiếp tục duy trì chính sách khắt khe với Trung Quốc như trước đây thì chúng ta hoàn toàn có thể kì vọng sẽ tiếp tục hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển sản xuất, chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc”, ông Thế Anh nói.
Đồng tình với quan điểm này, đại diện KPMG cho biết sau khi Trump đắc cử, các bên mua có tiềm lực tài chính tốt sẽ dịch chuyển sang Việt Nam khá nhiều. Bởi các chuyên gia nhận định trong bối cảnh căng thẳng Mỹ -Trung, có 2 nước hưởng lợi lớn nhất là Mexico và Việt Nam.
“Tôi dự đoán thời gian tới, giá trị và số lượng giao dịch M&A sẽ tăng lên, không chỉ ở một vài thương vụ mà có thể kéo cả thị trường tăng lên”, ông Khương nhận định các thương vụ M&A sẽ tập trung vào các lĩnh vực như giáo dục, ngân hàng, y tế, trung tâm dữ liệu hay bất động sản công nghiệp.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng Quốc hội và Chính phủ đang rất nỗ lực để đạt được mức GDP kỳ vọng 6.5-7% năm 2025. Ngoài ra, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung 4 Luật: Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024. Đây là nền tảng chính sách để thu hút, tạo động lực, niềm tin cho các nhà đầu tư ngoại.
Trong một vài năm gần đây, có sự rượt đuổi của các nhà đầu tư trong Top 7 nhà đầu tư FDI lớn nhất vào Việt Nam gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc… Nếu năm ngoái Trung Quốc đứng thứ 7 thì năm nay nhảy vọt lên vị trí thứ 4. Điều này cho thấy thị trường Việt Nam đang trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.
“Bản thân các nhà đầu tư trong nước cũng được hưởng lợi khi họ có thể liên doanh, liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài từ chính sách cởi mở”, luật sư Phạm Duy Khương nhấn mạnh.