Nguồn cung khan hiếm, giá hạt tiêu sẽ tăng cao
(DNTO) - Sản lượng hạt tiêu vụ mùa năm nay của Việt Nam giảm gần 30%, cùng với tình trạng thiếu container rỗng xuất khẩu sang Hoa Kỳ và châu Âu, gây nên tình trạng thiếu hụt cục bộ, kéo giá hạt tiêu tăng lên.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), tháng 6/2021, giá hạt tiêu toàn cầu biến động không đồng nhất, giảm ở Ấn Độ và Indonesia, ổn định ở Malaysia, nhưng tăng tại Việt Nam và Brazil.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam ước đạt 155 nghìn tấn, trị giá 500 triệu USD, giảm 6,7% về lượng, nhưng tăng 40,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Tính chung nửa đầu năm nay, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu ước đạt 3.216 USD/tấn, tăng 50,7% so với cùng kỳ năm 2020.Trong đó, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu sang một số thị trường đạt mức cao, như: Thái Lan đạt 4.005 USD/tấn; Đức đạt 3.928 USD/tấn; Hà Lan đạt 3.791 USD/tấn.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu đen và hạt tiêu trắng giảm về lượng, nhưng tăng về trị giá, trong khi xuất khẩu hạt tiêu đen xay và trắng xay tăng so với cùng kỳ năm 2020. Cơ cấu chủng loại xuất khẩu trên cho thấy, ngành hạt tiêu có sự chuyển dịch mạnh về cơ cấu xuất khẩu, giảm lượng, tăng chất.
Cục Xuất nhập khẩu dự báo, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam thời gian tới sẽ khá thuận lợi do nhu cầu tiêu thụ tăng khi nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ nới lỏng giãn cách xã hội, trong khi nguồn cung thiếu hụt tại Việt Nam, Indonesia, Brazil.
Hiện ở Brazil, sản lượng hạt tiêu được dự báo giảm mạnh trong năm 2021 do quốc gia này có khả năng phải đối mặt với một đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong 91 năm qua, trong thời gian từ tháng 6 – tháng 9.
Trong khi đó, vụ mùa hạt tiêu năm nay của Việt Nam sản lượng giảm gần 30%, trong khi tình trạng thiếu container rỗng xuất khẩu sang Hoa Kỳ và châu Âu khiến hàng đến chậm, gây nên tình trạng thiếu hụt cục bộ.
Tại Indonesia, vụ thu hoạch hạt tiêu năm nay diễn ra vào tháng 7, tháng 8, nhưng sản lượng dự kiến sẽ giảm trên 20% so với vụ mùa năm 2020.