Việt Nam sẽ tiến cao hơn trong thang giá trị gia tăng nhờ FDI
(DNTO) - Động lực trong nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang thay đổi kể từ cuối năm 2023, rõ ràng hơn vào năm 2024. Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi của sự chuyển hướng thương mại toàn cầu và chuỗi cung ứng. "Sóng" đầu tư mới sẽ hỗ trợ Việt Nam tiến cao hơn trong thang giá trị gia tăng.
Theo số liệu mới đây từ Tổng cục Thống kê, đến hết tháng 10, vốn FDI đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt khoảng 27,26 tỷ USD; tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước. Vốn FDI thực hiện ước đạt 19,58 tỷ USD; tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Điểm khá nổi bật ở lĩnh vực sản xuất là có nhiều dự án lớn trong lĩnh vực bán dẫn, năng lượng (sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic...); sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm có giá trị gia tăng cao..., được đầu tư mới và mở rộng quy mô.
Trong báo cáo vừa công bố, Ngân hàng Standard Chartered tiếp tục đưa ra những dự báo tích cực về kinh tế Việt Nam, với khả năng đạt mức tăng trưởng 6,9% trong quý IV năm nay và 7,5% trong nửa đầu năm 2025. “Sự phục hồi thương mại và hoạt động kinh doanh gia tăng cùng đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ là động lực tăng trưởng chính trong năm 2025 và xa hơn nữa”, các chuyên gia Standard Chartered nhận định.
Như vậy, bên cạnh sự khởi sắc thương mại và hoạt động kinh doanh, thì đầu tư nước ngoài chính là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế.
Thực tế, thu hút đầu tư nước ngoài tăng tốc cũng chính là một trong những bệ phóng quan trọng để xuất khẩu và sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh mẽ trong thời gian qua. Khi dòng vốn này được “nâng chất”, với nhiều dự án đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ cao, bán dẫn, điện tử… được đầu tư và đi vào hoạt động, thì đóng góp cho tăng trưởng kinh tế còn lớn hơn nữa.
Đó cũng chính là một trong những lý do khiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi báo cáo Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội thời gian gần đây, luôn nhấn mạnh việc phải tăng cường thu hút đầu tư các dự án trong lĩnh vực bán dẫn, AI, hydrogen…
Đơn cử, tháng 9 vừa qua, dự án 1,8 tỷ USD của Samsung Display đã được tỉnh Bắc Ninh và Samsung Việt Nam ký kết. Nếu dự án này sớm được thông qua, Việt Nam không chỉ thu hút thêm được một nguồn lực không nhỏ, mà quan trọng hơn, sẽ trở thành “cứ điểm” sản xuất các loại màn hình thế hệ mới của một trong những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới.
Ngoài "ông lớn" Samsung, một nhà đầu tư khác đến từ Hàn Quốc là Hyosung cũng đang lên kế hoạch mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Trong cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới đây, Chủ tịch Tập đoàn Hyosung cho biết, sau khi đã đầu tư khoảng 4 tỷ USD vào Việt Nam, Hyosung có kế hoạch đầu tư tiếp 4 tỷ USD nữa để thực hiện các dự án trong các lĩnh vực trung tâm dữ liệu, sản xuất sản phẩm vật liệu công nghệ cao, nhà máy nhiên liệu bay sinh học…
Đặc biệt, xu hướng mới nhất phản ánh sức mạnh của dòng vốn đầu tư từ các thị trường Trung Quốc đại lục, Hồng Kông và Đài Loan trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Phải kể đến Mixue - một thương hiệu trà sữa đã mở hơn 1.000 cửa hàng tại thị trường Việt Nam; các công ty điện tử toàn cầu như Luxshare, Geortek, Foxconn, Pegatron, Compal tiếp tục đầu tư mạnh vào hệ sinh thái; Lotus Pharmaceuticals đã thực hiện các thương vụ mua lại để mở rộng sang ngành dược phẩm trong khi Deli Stationery (văn phòng phẩm), Sunwoda (pin) và United Imaging (chăm sóc sức khỏe) đều đang thâm nhập mạnh mẽ vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, nhiều hiệp định FTA song phương và khu vực của Việt Nam là chất xúc tác giúp các công ty sản xuất toàn cầu đến từ Đài Loan tận dụng Việt Nam như một cứ điểm hiệu quả về chi phí để xuất khẩu sang Hoa Kỳ, châu Âu cũng như nội khối Châu Á. Ngày nay, Việt Nam là một nơi sản xuất quan trọng và chiến lược cho những công ty như Foxconn, Compal và Pegatron. Còn dòng vốn từ Hồng Kông là sự pha trộn của các nhà đầu tư từ các tập đoàn Hồng Kông cho đến các công ty Trung Quốc đại lục đang sử dụng Hồng Kông như bệ phóng để đầu tư vào Việt Nam.
"Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi để hưởng lợi từ sự chuyển hướng thương mại toàn cầu và những thay đổi trong chuỗi cung ứng. Đón làn sóng đầu tư mới là vì lợi ích của Việt Nam và sẽ hỗ trợ Việt Nam tiến cao hơn trong thang giá trị gia tăng của các ngành và lĩnh vực", ông Joon Suk Park, Giám đốc Khối Kinh doanh Quốc tế, Khối Dịch vụ Ngân hàng Doanh nghiệp, HSBC Việt Nam đánh giá.
Thông điệp rất rõ ràng, song câu hỏi đặt ra cho Việt Nam cần phải làm gì để tiếp tục đón dòng vốn lớn, qua đó góp phần “tăng lực” cho nền kinh tế? Để thu hút đầu tư, Việt Nam đã ban hành Chiến lược Phát triển công nghiệp bán dẫn và Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, nhưng rõ ràng, cần đẩy nhanh hơn nữa việc đào tạo nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghiệp tiên phong.
Đáng chú ý, để ứng phó với câu chuyện thuế tối thiểu toàn cầu cần sớm có chính sách hỗ trợ, trong khi tới thời điểm này Dự thảo Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư vẫn chưa được Chính phủ thông qua, các chuyên gia đánh giá đây là vấn đề cấp bách cần được làm ngay.