Quy mô thương mại điện tử bán lẻ đạt 22 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ
(DNTO) - Bộ Công Thương nhận định thương mại điện tử tiếp tục là điểm sáng trong nền kinh tế internet và có đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Trụ cột của nền kinh tế internet
Tại Diễn đàn Chuyển đổi số ngành Công Thương năm 2024 với chủ đề "Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh hưởng tới phát triển bền vững" hôm 21/11, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài, cho biết, kinh tế toàn cầu hiện trong giai đoạn bắt đầu phục hồi sau thời kỳ khó khăn kéo dài.
Đến tháng 9/2024, đa số các tổ chức quốc tế đều nhận định lạc quan hơn về tăng trưởng kinh tế của năm 2024, dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2024 đạt khoảng 3,2%. Các hoạt động dịch vụ đang trên đà sôi động trở lại và tăng cao hơn so với khu vực công nghiệp.
Trong bối cảnh đó, thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam tiếp tục là một trong những điểm sáng của phát triển kinh tế - xã hội. Theo báo cáo “Kinh tế số Đông Nam Á năm 2024" do Google - Temasek công bố ngày 5/11 vừa qua, ước tỉnh quy mô nền kinh tế Internet Việt Nam đạt 36 tỷ USD trong năm nay, tăng 16% so với năm ngoái. Thương mại điện tử bán lẻ vẫn tiếp tục là trụ cột khi đóng góp 22 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ và chiếm 61% tổng quy mô nền kinh tế internet.
Theo đơn vị nghiên cứu, tốc độ tăng trưởng cao của Việt Nam dự kiến tiếp tục ổn định nhờ vào lĩnh vực sản xuất và chế biến, cũng như xuất khẩu. Đến năm 2030, giá trị giao dịch toàn thị trường (GMV) có thể dao động từ 90-200 tỷ USD.
“Năm 2024 và các năm tiếp theo, với đà tăng trưởng mạnh mẽ như trên, thị trường thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa và trở thành một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đây cũng chính là thời điểm để chúng ta xây dựng nên những mô hình và chiến lược mới, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số để tăng sức cạnh tranh và chống chịu của doanh nghiệp và tổ chức trong bối cảnh mới”, ông Hoài nhận định.
Dẫn chứng cho sự tăng trưởng của thương mại điện tử, ông Trần Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông), cho biết trung bình 1 người tiêu dùng Việt Nam mua hàng trực tuyến tới 4 lần/tháng. Với thị trường 100 triệu dân, chiếm 1,23% dân số thế giới, lại nằm cạnh các thị trường lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, ASEAN…, cho thấy tiềm năng phát triển thương mại điện tử của Việt Nam còn rất lớn.
Việc mua hàng online, thanh toán online và kinh doanh mặt hàng thiết yếu trên các sàn thương mại điện tử đã dần trở thành tác vụ quen thuộc trong cuộc sống hiện đại.
Thực tế này đang diễn ra mạnh tại nhiều địa phương trong cả nước. Ví dụ tại Vĩnh Phúc, năm 2023, doanh số thương mại điện tử bán lẻ của tỉnh này đã đạt 543,2 tỷ đồng, tăng 2,7% so với năm 2022; giá trị mua sắm bình quân người mua hàng trực tuyến là 1,74 triệu đồng; hơn 3.000 thương nhân có giao dịch thương mại điện tử… Sự phát triển thương mại điện tử cũng như quá trình số hóa tại các đơn vị bán buôn, bán lẻ đã đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng của ngành thương mại - dịch vụ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Số hóa 100% cửa hàng truyền thống
Việt Nam hiện có 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa, 9.000 chợ truyền thống, 54.008 doanh nghiệp bán lẻ và 208.995 doanh nghiệp bán buôn. Trong số này, các cửa hàng tạp hóa, chợ truyền thống và doanh nghiệp bán lẻ đang chiếm 3,91% doanh thu thuần sản xuất, kinh doanh và 3,19% tổng số lao động; còn doanh thu của 208.995 doanh nghiệp bán buôn chiếm khoảng 27,60% và khoảng 8,76% tổng số lao động hoạt động trong lĩnh vực bán buôn.
Điều này cho thấy tầm quan trọng của bán buôn, bán lẻ trong phát triển kinh tế và tạo việc làm cho người lao động. Do đó, việc hỗ trợ chuyển đổi số bán buôn và bán lẻ không thể chậm trễ.
Thực tế, Vụ Kinh tế số và Xã hội số cũng đang triển khai Chương trình hỗ trợ cửa hàng bán lẻ chuyển đổi số, thí điểm tại quận Phú Nhuận (TP. Hồ Chí Minh) trước khi phổ biến toàn quốc. Mục tiêu là 100% doanh nghiệp, cửa hàng, hộ kinh doanh bán lẻ trên toàn quốc được tiếp cận các nền tảng số. Trong vòng 1 tháng (từ tháng 9-10/2024), chương trình đã thực hiện khảo sát được 2.154 đơn vị; trong đó, có 1078 doanh nghiệp, 1.020 hộ kinh doanh, 56 cửa hàng bán lẻ và tập trung vào hộ kinh doanh và doanh nghiệp nhỏ.
Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cửa hàng bán lẻ chủ yếu ứng dụng 5 giải pháp công nghệ: Hệ thống quản lý hóa đơn/thanh toán điện tử; hệ thống quản lý bán hàng; hệ thống quản lý thu mua; hệ thống quản lý hàng tồn kho; hệ thống quản lý nhân sự). 3 giải pháp công nghệ thông tin được sử dụng nhiều nhất để áp dụng vào hoạt động kinh doanh là: Mạng xã hội; sàn thương mại điện tử; giải pháp tự thanh toán (hay thanh toán không tiền mặt).
“Ở giai đoạn đầu, sự phối hợp diễn ra chậm, chủ yếu dựa vào nguồn lực địa phương; thiếu sự chủ động từ phía các doanh nghiệp nền tảng. Tuy nhiên, đến giai đoạn sau, đã có sự cải thiện khi doanh nghiệp tham gia khảo sát trực tiếp, song vẫn còn nhiều cửa hàng tỏ ra nghi ngờ, không muốn chia sẻ thông tin”, ông Tuấn nhận xét.
Nhấn mạnh sự cần thiết phải chuyển đổi số, giới chuyên gia phân tích, quy mô thị trường bán buôn, bán lẻ Việt Nam không nhỏ, tiềm năng và dư địa cho phát triển thương mại điện tử rất lớn; trong khi đặc tính của thương mại điện tử là không có ranh giới, do đó nếu các địa phương, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ không chuyển đổi sẽ bị mất “mặt trận”, mất thị trường.