Thương mại điện tử đang làm trầm trọng hơn vấn đề giảm phát tại Trung Quốc
(DNTO) - Pinduoduo, một trong những nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc là một ví dụ điển hình cho mô hình kinh doanh trong thời kỳ giảm phát, thậm chí là một phần của “thế lực ẩn” góp phần làm trầm trọng hơn vấn đề nơi đây.
Lin Yunyun, một người bán trên nền tảng thương mại điện tử Pinduoduo đã liên tục bị làm phiền bởi hàng loạt các “nhắc nhở” mỗi khi có ai đó hạ giá bán sản phẩm của họ hơn giá mà bà đang niêm yết. Khi Lin cố gắng cạnh tranh giảm giá thấp hơn, trang bán hàng điện tử quảng bá sản phẩm của bà trong một thời gian, nhưng chỉ vài ngày sau lại cảnh báo Lin cần phải tiếp tục giảm bớt giá để thu hút người dùng.
Không biểu tượng nào thích hợp hơn cho ngành kinh tế Trung Quốc bằng Pinduoduo. Được thành lập vào năm 2015, Pinduoduo đã trở thành nền tảng thương mại thứ hai trong thị trường Trung Hoa đại lục. Hơn 900 triệu người dùng đã đổ xô đến nền tảng này, ưu ái mô hình hạ thấp giá bán gần như không có giới hạn.
Tình hình kinh tế tại Trung Quốc hiện đang bị rúng động bởi khủng hoảng bất động sản, thị trường việc làm yếu kém... khiến người tiêu dùng nơi đây càng lúc càng chi tiêu ít đi. Sau một loạt các biện pháp nửa vời để hồi phục kinh tế, chính quyền Bắc Kinh cuối cùng cũng bắt đầu cho thấy họ sẽ mạnh tay hơn. Tuy nhiên, các biện pháp tài chính vẫn chủ yếu tập trung vào tăng cường sản xuất và hoạt động nhà máy, mà chưa có kế hoạch tài chính rõ ràng để “bơm tiền” vào tay người tiêu dùng hơn nữa.
Pinduoduo và các công ty copy chiến thuật thương mại điện tử giảm giá liên tục của họ, là một dấu hiệu cho sự thích nghi của các doanh nghiệp này trong thời kỳ giảm phát. Nhưng cùng lúc, họ cũng là thế lực góp phần làm trầm trọng hơn tình trạng giảm phát của quốc gia này. Bởi có khoảng 60% người tiêu dùng Trung Quốc mua hàng qua các nền tảng thương mại điện tử, chiếm hơn ⅓ doanh số bán lẻ - theo HSBC.
Donald Low, giáo sư tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông cho biết: “Pinduoduo vừa là hậu quả vừa là nguyên nhân của giảm phát”.
Các chuyên gia kinh tế đã nghiên cứu tác động của thương mại điện tử trong nhiều năm. Từ những năm 2010, họ đã thường xuyên gọi chúng là “Hiệu ứng Amazon”, khi mà tất cả các hình thức thương mại, từ các cửa hàng trực tuyến nhỏ cho đến các cửa hàng vật lý, đều phải cạnh tranh về giá với các nền tảng thương mại điện tử lớn nhất trên thị trường.
Alberto Cavallo, giáo sư của Trường Kinh doanh Harvard, nhận xét áp lực của nền kinh tế Trung Quốc đuối sức đang đẩy giá cả đi xuống, hiệu ứng này càng được đẩy mạnh bởi các nền tảng thương mại điện tử.
Thành công của Pinduoduo khiến hai đối thủ lớn nhất của họ, Alibaba và JD.com, tham gia vào “cuộc đua cùng nhau đi xuống”. Pinduoduo gần đây cũng nhảy ra thị trường thế giới với Temu, một thương hiệu con.
Hiện tại, người bán hàng trên Pinduoduo vẫn tiếp tục bị ép đẩy giá xuống thấp hơn. Nhiều người bán than phiền họ không còn có lời nữa. Đó là chưa kể nhiều chính sách khó khăn như người mua có thể đòi hoàn tiền mà không cần phải trả lại hàng. Tuy nhiên, bởi giá bán quá hấp dẫn, người bán khó có thể rời bỏ những nền tảng thương mại điện tử như Pinduoduo, bởi lo sợ mất khách.