Các nhà đầu tư châu Á đặt cược vào sự phục hồi của khu vực và Trung Quốc
(DNTO) - Giới đầu tư châu Á đang đặt cược vào tiến trình hồi phục dài lâu của khu vực cũng như của Trung Quốc, mặc dù vẫn còn nhiều trở ngại trước mắt.
Những người giàu có tại châu Á và các chủ ngân hàng của họ đang đặt cược vào sự phục hồi rất được mong đợi từ kinh tế Trung Quốc, và đặt cược vào khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới, mặc dù đang trong thời kỳ chậm lại.
Giám đốc điều hành DBS Group, Piyush Gupta, trong một cuộc phỏng vấn tại hội nghị Reuters NEXT ở Singapore, cho biết: “Ta phải có dũng khí và sự nhẫn nại để bám víu qua các chu kỳ thăng trầm”.
Ông giải thích điều đó có nghĩa là tin vào tầm nhìn xa rằng Trung Quốc sẽ thoát khỏi cuộc khủng hoảng bất động sản để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực, một quan điểm được các chủ ngân hàng, nhà đầu tư và cố vấn cho giới siêu giàu đồng tình.
Nhiều lời bình cho thấy mức độ kiên định của các doanh nghiệp và nhà quản lý tiền tệ hàng đầu trong khu vực, rất có thể sẽ báo hiệu sự quay trở lại của dòng vốn nước ngoài.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc, đã tăng trưởng 5,3% trong quý đầu năm nay, vượt dự báo nhưng vẫn còn nhiều điểm yếu trong ngành tiêu dùng và bất động sản cũng như thị trường chứng khoán đang trong tình trạng ảm đạm. Bảng “Chip xanh” CSI 300 của Trung Quốc mới đạt mức thấp nhất trong 5 tháng qua vào thứ Ba tuần này.
Gupta, chủ ngân hàng có tài sản cho vay nước ngoài lớn nhất ở Đài Loan và là cổ đông lớn nhất tại Ngân hàng Thương mại Nông thôn Thâm Quyến của Trung Quốc, cho biết: “Nhìn về tương lai gần, vẫn sẽ có nhiều trở ngại”.
Ông nói: “Chúng ta vẫn chưa chạm đáy (trong thị trường bất động sản Trung Quốc) vì chưa thấy mức giá cân bằng thị trường”, nhưng một tầm nhìn dài hạn - tương tự như những gì diễn ra ở Mỹ trong suốt thế kỷ qua, có nhiều hứa hẹn hơn.
“Nếu bạn nhìn vào các xu hướng lớn ở châu Á, sẽ tốt hơn nếu đầu tư vào nơi này cho tương lai dài lâu.”
Tính đến thời điểm hiện tại trong năm nay, đã có dòng vốn ròng 22,4 tỷ nhân dân tệ (3 tỷ USD) từ các nhà đầu tư nước ngoài đổ vào chứng khoán Trung Quốc, mặc dù dòng vốn này không ổn định và hoạt động bán tháo diễn ra phổ biến trong tháng 6 khi có dữ liệu cho thấy giá nhà giảm mạnh kỷ lục trong một thập kỷ.
Stefanie Holtze-Jen, Giám đốc đầu tư Châu Á-Thái Bình Dương tại Deutsche Bank Private Bank, cho biết: “Tâm lý đầu tư từ các nước khác và đặc biệt ở Mỹ đang rất nghi ngại về Trung Quốc”.
Trong khi đó, Đông Nam Á là một điểm sáng đầy tiềm năng khi các nhà đầu tư nhận thấy xu hướng nhân khẩu học và chính trị hỗ trợ tăng trưởng đang rất có lợi, với nhiều công ty quốc tế mở rộng cơ sở sản xuất tại Việt Nam và Malaysia.
Thị trường chứng khoán Đông Nam Á đã chịu áp lực bán tháo, nhưng điều đó bị lu mờ trước sức phát triển mạnh mẽ.
Vốn đầu tư FDI khá ổn định và còn đang tăng trưởng. Ở Indonesia, hãng đầu tư Trung Quốc, China International Capital Corp đang lên kế hoạch mở nhiều thương vụ.
Stephen Ng, người đứng đầu CICC khu vực Đông Nam Á và Singapore, cho biết: “Trong khoảng 5 năm tới… chúng tôi sẽ cử người đến Indonesia, Malaysia, Indonesia, nơi chúng tôi dự định xin giấy phép ngân hàng đầu tư”.
Về mặt quản lý tài sản trong hoạt động kinh doanh của mình, ông cho biết tâm lý và dòng tiền rất mạnh mẽ. “Chúng ta mới chỉ nhìn thấy phần nổi của tảng băng chìm về khối tài sản đang chuẩn bị rót vào khu vực này và đặc biệt là vào Singapore.”
Phó Giám đốc Điều hành Quỹ VinaCapital Việt Nam, Khánh Vũ, cho biết nhu cầu của các nhà đầu tư vẫn mạnh mẽ và sẽ được hỗ trợ bởi nỗ lực chống tham nhũng của chính quyền.
Ông nói: “Tôi nghĩ nó sẽ cho các nhà đầu tư một mức độ tin tưởng nhất định rằng những hành vi như thế sẽ không được dung thứ”.