'Bỏng tay' với khoản nợ xấu nghìn tỷ, loạt ngân hàng kiến nghị nóng
(DNTO) - Dù được giãn, hoãn nợ, song bức tranh nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống ngân hàng đến hết tháng 6 vẫn tăng hơn 10% so với cuối năm ngoái. Không dễ thu hồi nợ khi “ôm” tài sản đảm bảo, hàng loạt nhà băng đang mắc kẹt với các khoản nợ ngàn tỷ đồng. Cần cấp cơ chế đặc thù cho VAMC để xử lý nợ xấu.
'Ôm' 795 nghìn tỷ đồng nợ xấu
Theo thống kê từ Wichart, tính đến ngày 30/7, đã có hơn 700 doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quý II/2024. Trong số các doanh nghiệp đã báo cáo tài chính trên sàn thì chiếm 42% số đó ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận ròng so với cùng kỳ, số còn lại "bay màu" vì nợ xấu.
Đơn cử, hàng loạt doanh nghiệp xây dựng như CTD, CII, HHV... ghi nhận nợ xấu "phình to" trong quý 2/2024 với nhiều khoản vay không có khả năng thu hồi. Phải kể đến là “ông trùm” xây dựng Coteccons (CTD), khoản nợ xấu của doanh nghiệp tại ngày 30/6 đã tăng 42,5% so với đầu năm.
CTCP Đầu tư Hạ Tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII) ghi nhận hơn 294,8 tỷ đồng khoản nợ xấu, tăng 42% so với đầu năm 2024. Trong đó, công ty trích lập gần 249 tỷ đồng và chỉ thu hồi được khoảng gần 16% giá trị gốc...
Thông tin mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống đến cuối tháng 6 là 795.500 tỷ đồng, tăng 5,77% so với cuối năm 2023. Tỷ lệ nợ xấu tính đến cuối tháng 6 đang ở mức 4,56%, cao hơn mức 4,55% tại thời điểm cuối năm 2023 và cao hơn nhiều so với mức 2,03% cuối năm 2022.
Đáng chú ý, quý 2/2024, bộ 3 ông lớn quốc doanh gồm Vietcombank, VietinBank và BIDV đều ghi nhận quy mô nợ xấu (nợ nhóm 3-5) gia tăng so với cùng kỳ năm trước. Đứng đầu là Vietcombank, tính đến hết 30/6, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) của Vietcombank chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu nợ xấu với 10.017 tỷ đồng, tăng gần 28%. Nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) và nợ nghi ngờ (nhóm 4) cũng tăng lần lượt 75% và 17,4%. Điều này khiến nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng của Vietcombank đã tăng từ 0,98% vào cuối năm 2023 lên 1,2%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cũng giảm từ 230% xuống 212%.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các TCTD vừa được Vụ Dự báo - Thống kê (NHNN) công bố cho biết, mặt bằng rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng được các TCTD nhận định tiếp tục xu hướng “tăng nhẹ” trong quý 3/2024. Trong bối cảnh nợ xấu đang có xu hướng nhích lên, việc trích lập dự phòng rủi ro tại nhiều ngân hàng lại giảm so với giai đoạn cuối năm ngoái. Điều này làm dấy lên lo ngại sẽ ảnh hưởng đến nguồn vốn cung ra thị trường trong bối cảnh tín dụng đang được đẩy tăng mạnh trong những tháng cuối năm để đạt mục tiêu tăng trưởng 15%.
'Lấp khoảng trống pháp lý cho Thông tư 19'
Chia sẻ tại tọa đàm “Xử lý nợ xấu – Thực trạng và giải pháp”, chiều 2/8, đại diện các TCTD cho rằng, áp lực nợ xấu phát sinh thêm có thể giảm bớt, nhưng xử lý nợ xấu mới đang là vấn đề làm họ đau đầu, bởi một số vướng mắc gặp phải như quy định chồng chéo liên quan đến nắm giữ tài sản bảo đảm, bao gồm thuế thu nhập cá nhân; yêu cầu định giá tài sản so với giấy chứng nhận….
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng chỉ ra rằng, quy định pháp luật có những điểm chưa được đồng bộ, dẫn tới việc chấp hành các cam kết trong hợp đồng tín dụng của người dân chưa được đảm bảo.
Cụ thể, ông Hùng chỉ rõ, trong các hợp đồng thế chấp giữa ngân hàng với bên thế chấp, có thỏa thuận ngân hàng có quyền thu giữ tài sản bảo đảm khi khoản vay phát sinh nợ quá hạn. Trong khi đó Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD đã hết hiệu lực và chưa có văn bản thay thế. Thêm vào đó, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực từ 1/7/2024 cũng không quy định rõ quyền thu giữ tài sản bảo đảm của ngân hàng như trong Nghị quyết 42, mà chỉ đề cập đến “Chi phí thu giữ và chi phí xử lý tài sản bảo đảm”.
Để góp phần tăng thêm tính chủ động, cũng như hỗ trợ các TCTD trong xử lý nợ xấu, ông Đỗ Giang Nam, Thành viên Hội đồng thành viên Công ty Quản lý tài sản (VAMC), kiến nghị ngoài việc NHNN đã công bố phương án tăng vốn cho VAMC từ 5 nghìn tỷ đồng lên 10 nghìn tỷ đồng cần "cấp" cơ chế đặc thù cho VAMC hoạt động.
"Nên sửa Thông tư 19 về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC theo hướng trao quyền tự quyết cho VAMC. Thay vì phải làm hồ sơ trình NHNN phê duyệt, nên cho VAMC được phép thực hiện hoạt động hỗ trợ tài chính cho khách hàng vay, cũng như đầu tư, cho thuê tài sản đảm bảo đã được VAMC thu nợ theo mức quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp. Đồng thời, cho phép VAMC được tổ chức bán đấu giá khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của TCTD khi có đề nghị", đại diện VAMC đề xuất.
Cùng với đó, để thúc đẩy thị trường mua bán nợ, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng đề xuất Bộ Tài chính cho phép các TCTD là bên nhận bảo đảm của khoản nợ xấu được quyền thu giữ tài sản bảo đảm, góp phần đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu thay thế cho các quy định tại Nghị quyết 42.