Báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 của các 'nhà băng': Thấp hơn kỳ vọng
(DNTO) - Vào cuối quý 3/2023, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng tăng 7,0% so với đầu năm, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng hệ thống 11,0% so với đầu năm và cuối quý 3/2022.
TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính, Trường đại học Kinh tế TP.HCM, đánh giá năm 2023 là một năm đầy thách thức với ngành ngân hàng, khi tình hình khó khăn ở trong nước và quốc tế khiến hoạt động kinh doanh, tiêu dùng sụt giảm, tăng trưởng tín dụng khó khăn, chất lượng tài sản tiếp tục suy giảm.
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến gần cuối tháng 10/2023, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế chỉ mới đạt mức tăng trưởng 7,1% (mục tiêu cả năm 2023 là 14%).
Theo TS. Nguyễn Hữu Huân, tình trạng “thừa tiền” khiến ngân hàng khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng vay vốn. Trong khi đó, số dư tiền gửi vẫn tiếp tục tăng, nhiều ngân hàng chưa thể cho vay lượng vốn đã huy động giá cao trước đó, tạo thêm áp lực trả lãi. Điều này khiến mảng kinh doanh cốt lõi của nhiều ngân hàng ghi nhận tăng trưởng âm trong quý 3/2023, thậm chí trong cả 9 tháng đầu năm.
Trong quý 3/2023, Khối phân tích của VNDirect nhận thấy xu hướng tăng trưởng khác nhau giữa các Ngân hàng Quốc doanh (NHQD) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần (NHTMCP). Đặc biệt, nhóm Ngân hàng Quốc doanh (VCB, BID) có mức tăng trưởng tín dụng khiêm tốn lần lượt là 1,0%/1,4% so với quý trước, thấp hơn đáng kể so với mức tăng trưởng tín dụng trung bình 2,4% so với quý trước (top 25 ngân hàng niêm yết lớn nhất).
Cụ thể, vào cuối quý 3/2023, VCB chỉ ghi nhận tăng trưởng tín dụng so với đầu năm là 3,8%, thấp hơn đáng kể so với tăng trưởng của ngành (7,0%). Kết quả kém khả quan này là do nhu cầu tín dụng suy yếu trong một nền kinh tế còn đang khó khăn, và khẩu vị rủi ro thấp của ngân hàng này đối với hoạt động cho vay.
Tuy nhiên, yếu tố hỗ trợ cho lợi nhuận ròng là chi phí dự phòng đã giảm mạnh 46.2% so với cùng kỳ, thúc đẩy lợi nhuận ròng của quý 3/2023 tăng 20% so với cùng kỳ. Tỷ lệ nợ xấu (NPL) của VCB tăng lên 1,21% so với 0,83% vào cuối quý 2/2023, và tỷ lệ dự phòng tổn thất cho vay (LLR) giảm xuống còn 270% so với 386% vào cuối quý 2/2023, nhưng vẫn cao hơn so với các ngân hàng khác.
Tăng trưởng tín dụng yếu là kết quả của nhu cầu tín dụng yếu do nền kinh tế vẫn chưa thực sự hồi phục và khẩu vị rủi ro cho vay của các ngân hàng này thấp. Trong khi đó, một số Ngân hàng Thương mại Cổ phần lại chứng kiến mức tăng trưởng tín dụng mạnh với trọng tâm là cho vay khách hàng doanh nghiệp (VPB: 6,4% so bới quý trước; VIB:4,6% so với quý trước; LPB: 4,0% so với quý trước).
Trong quý 4/2023, giới phân tích tin rằng các ngân hàng có tỷ trọng cho vay khách hàng doanh nghiệp lớn và hạn mức tăng trưởng tín dụng lớn (VPB, MBB, HDB), sẽ duy trì vị thế dẫn đầu về tăng trưởng tín dụng trong ngành.
"Chúng tôi giữ nguyên dự báo tăng trưởng tín dụng 10% so với cùng kỳ cho năm 2023, tăng từ mức 7,0% vào cuối quý 3/2023, nhưng vẫn thấp hơn mức mục tiêu 14% mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra", VNDirect dự báo.
NIM thu hẹp nhưng nguồn huy động chi phí thấp đang dần cho thấy hiệu quả. Tổng NIM của 25 ngân hàng niêm yết đã giảm 47 điểm cơ bản xuống 3,32% so với cùng kỳ trong quý 3/2023 với 22/25 ngân hàng có NIM giảm so với cùng kỳ do tốc độ tăng lãi suất cho vay thấp hơn tốc độ tăng của chi phí huy động để hỗ trợ khách hàng của các ngân hàng này, điều này phù hợp với khuyến nghị của Ngân hàng Nhà nước.
Trong số các ngân hàng thương mại vốn hóa vừa và lớn, chỉ có STB, VIB và CTG là có khả năng duy trì NIM ổn định hoặc cao hơn so với cùng kỳ. Đặc biệt, VIB và CTG đã tận dụng việc cho vay liên ngân hàng với tỷ trọng cao so với cùng kỳ (các ngân hàng đã có tỷ lệ này thấp nhất kể từ 2022) trong cơ cấu nguồn vốn để giảm chi phí vốn (COF).
Với STB, không còn áp lực từ lãi dự thu đã thúc đẩy NIM tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2023. Trong khi đó, NIM của các NH có tỷ trọng sở hữu trái phiếu doanh nghiệp cao như VPB, TCB tiếp tục giảm nhiều nhất. Tuy nhiên, có một tín hiệu tích cực khi COF của cả ngành giảm 33 điểm cơ bản so với quý trước trong quý 3/2023, quý giảm so với quý trước đầu tiên kể từ quý 1/2022. Điều này chủ yếu nhờ vào nguồn huy động chi phí thấp bắt đầu có hiệu quả, và tỷ lệ CASA tăng cao hơn (từ 18,1% cuối quý 2/2022 lên 18,9% cuối quý 3/2023).
Trong quý 4/2023, kỳ vọng COF sẽ giảm hơn nữa nhờ tiền gửi chi phí thấp sẽ chiếm tỷ trọng cao hơn trong cơ cấu nguồn vốn của các ngân hàng (lãi suất tiền gửi đã giảm đáng kể 40-100 điểm cơ bản ở tất cả các kỳ hạn trong quý 3/2023). Tuy nhiên, NIM có thể sẽ không cải thiện ngay lập tức trong bối cảnh nhu cầu tín dụng còn yếu như hiện tại.
"Chúng tôi tin rằng một số ngân hàng sở hữu tỷ trọng cho vay cá nhân cao và tỷ lệ huy động bằng đồng USD thấp sẽ có cơ hội cải thiện NIM tốt hơn so với các ngân hàng khác. Trong năm 2024, chúng tôi tin rằng NIM sẽ có khả năng phục hồi nhờ nhu cầu tín dụng quay trở lại cùng với sự tăng trưởng kinh tế", VNDirect nhận định.
Tỷ lệ nợ xấu (NPL) tăng lên cao nhất kể từ 2017 - Tỷ lệ dự phòng tổn thất cho vay (LLR) giảm nhẹ
Tỷ lệ nợ xấu (NPL) của top 25 ngân hàng niêm yết lớn nhất tiếp tục duy trì xu hướng tăng lên 2,24% tại cuối quý 3/2023 - mức cao nhất kể từ năm 2017. Tuy nhiên, tỷ lệ LLR chỉ giảm nhẹ xuống còn 94% vào cuối quý 3/2023 so với 98% vào cuối quý 2/2023 – bằng với mức cuối năm 2020, điều này cho thấy bộ đệm dự phòng tốt hơn của ngành trong những năm qua.
Ngoài ra, có một tín hiệu tích cực khi tổng % nợ nhóm 2 giảm đã xuống còn 2,3% vào cuối quý 3/2023 so với 2,5% vào cuối quý 2/2023, chothấy sự hình thành nợ xấu đang chậm lại. Tuy nhiên, trong bối cảnh hoạt động kinhtế còn đang khó khăn, chi phí dự phòng sẽ tiếp tục bào mòn lợi nhuận của các ngân hàng trong những quý tới.
Do đó, giới phân tích ưa thích các ngân hàng có bộ đệm dự phòng cao (VCB: 270%, CTG: 172%, BID: 158%) vì những ngân hàng này sẽ chịu ít áp lực hơn về trích lập dự phòng so với các ngân hàng khác.