'Xây dựng đề án tái cơ cấu ngân hàng yếu kém là việc rất khó'
(DNTO) - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết đề án tái cơ cấu ngân hàng yếu kém rất khó. Theo Thống đốc, đây là việc chưa có tiền lệ trong khi năng lực, kinh nghiệm cán bộ xây dựng đề án cũng còn hạn chế. Tìm kiếm nhà đầu tư tự nguyện tham gia đề án gặp khó.
Cuối phiên chất vấn sáng 6/11, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn ĐBQH Đồng Tháp) tranh luận với Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng về tín dụng. Ông Hòa bày tỏ lo ngại khi có 4 ngân hàng thương mại cổ phần đang bị kiểm soát đặc biệt, gồm: Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP Bank) và Ngân hàng Đông Á (DongABank).
Ngoài 4 ngân hàng này, từ tháng 10/2022, NHNN cũng đưa Ngân hàng Sài Gòn (SCB) vào diện kiểm soát đặc biệt sau khi nhiều chi nhánh, phòng giao dịch của nhà băng ghi nhận tình trạng người dân tới rút tiền đồng loạt. Ông Hòa băn khoăn: Liệu các ngân hàng này có xảy ra như ngân hàng SCB hay không?.
Chiều 6/11, trả lời câu hỏi tranh luận của đại biểu Phạm Văn Hòa về vấn đề tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, xây dựng đề án tái cơ cấu ngân hàng yếu kém này là việc rất khó, nếu ở điều kiện bình thường đã khó, nhưng trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động của dịch Covid-19 cũng như biến động của kinh tế thế giới, việc thực hiện tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém càng khó hơn.
"Việc xây dựng đề án khó, phức tạp, chưa có tiền lệ trong khi năng lực của người tham gia đề án xây dựng cũng không nhiều. Điều này chúng tôi đã đánh giá trong báo cáo", Thống đốc NHNN nói.
Ngoài ra, theo bà Hồng, việc tìm kiếm nhà đầu tư tham gia trên cơ sở tự nguyện cũng khó khăn. Cơ chế chính sách hỗ trợ cho việc này cũng phải xin ý kiến cấp cơ quan để có sự đồng thuận thống nhất.
Đối với các ngân hàng này, NHNN cũng xin ý kiến cấp có thẩm quyền và đang trong quá trình thực hiện những bước theo kế hoạch này để trước khi hoàn thiện đề án chi tiết trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và sẽ thực hiện theo đúng đề án này.
Với câu hỏi về các dự án tín dụng của các dự án BOT của đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn ĐBQH Hưng Yên), Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, nhu cầu vốn cho các dự án về cơ sở hạ tầng giao thông thường cần khối lượng vốn lớn với kỳ hạn dài. Do đó, với tính chất là nguồn vốn của hệ thống tín dụng là nguồn vốn huy động ngắn hạ, nên việc cho vay với khối lượng lớn và dài hạn cũng bị ràng buộc bởi các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong tỷ lệ hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Sự đổ vỡ của ngân hàng Mỹ thời gian vừa qua cũng cho thấy, nếu huy động bằng nguồn vốn ngắn hạn nhưng cho vay trung dài hạn vượt quá các giới hạn, có thể gây ra rủi ro và hệ lụy cho ngân hàng.
Theo Thống đốc, tính đến ngày 30/9, có 22 tổ chức tín dụng thực hiện cấp tín dụng cho dự án BOT, BT giao thông với tổng dư nợ cấp tín dụng là 92.319 tỷ đồng, chiếm 0,72% tổng dư nợ cấp tín dụng với nền kinh tế. Tuy nhiên, nợ xấu chiếm 3,83%, đáng chú ý hơn là nợ nhóm 2 chiếm đến 26,52%, đây là nhóm nợ sát với nợ nhóm 3 (nợ xấu).
Nguyên nhân là do phương án án tài chính của các dự án thường không đúng với phương án tài chính xây dựng ban đầu. Đây cũng là vấn đề cần phải cân nhắc.
"Với tính chất, nguồn vốn cho xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông số lượng lớn và thời hạn dài, chính sách huy động vốn cũng cần phải huy động nhiều nguồn lực tài chính khác, kể cả là trong nước và nước ngoài, như vậy mới có thể đáp ứng được yêu cầu.Còn vốn tín dụng ngân hàng thực hiện tuy nhiên cũng vẫn phải đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống ngân hàng", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.