Cho vay khó, nhà băng nào dẫn đầu tăng trưởng tín dụng?
(DNTO) - Dù tăng trưởng của toàn ngành không nổi bật nhưng nhiều nhà băng vẫn có đột phá khi ghi nhận những mức tăng trưởng tương đối tích cực so với ngành.
Tính đến hôm nay, ngày 4/11, phần lớn các nhà băng đã hoàn thành việc công bố báo cáo tài chính quý 3, một quý nhiều thách thức trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng chậm lại, nợ xấu có xu hướng gia tăng.
Theo thống kê từ ABS với 27 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán, Top 5 các ngân hàng dẫn đầu về tăng tín dụng tính theo quy mô đến cuối tháng 9 bao gồm BID với con số hơn 131 ngàn tỷ đồng, tiếp đó là CTG với hơn 111 ngàn tỷ đồng, VPB hơn 83 ngàn tỷ đồng, MBB gần 76 ngàn tỷ đồng và cuối cùng là TCB với hơn 55 ngàn tỷ đồng.
Tuy nhiên xét về tốc độ tăng trưởng tín dụng so với cuối năm ngoái, Top 5 nhà băng thuộc về VPB có tốc độ tăng trưởng 19%; MSB tăng hơn 17%, MBB tăng trên 16%, tiếp đó là TCB và VBB lần lượt 13% và 12%.
Trong khi đó mức tăng trưởng tín dụng toàn ngành mới chỉ đạt con số 6,9%. Tính chung 27 ngân hàng niêm yết, tổng dư nợ cho vay đạt hơn 9,3 triệu tỷ đồng, tăng hơn 787 ngàn tỷ đồng so với cuối năm ngoái, tương đương mức tăng 9,2%.
Như vậy có thể thấy, cá biệt nhiều ngân hàng vẫn duy trì được mức tăng trưởng tương đối tốt so với mặt bằng chung, nhờ những lợi thế riêng biệt. Dù vậy, tiền gửi khách hàng của các nhà băng vẫn giữ mức tăng tốt dù lãi suất huy động đã giảm mạnh khiến chi phí vốn tăng cao trong quý làm lợi nhuận nhiều ngân hàng sụt giảm.
Bước sang tháng 10, tín dụng trong nước tăng nhẹ. Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước tính đến ngày 27/10, tín dụng toàn nền kinh tế chỉ tăng 7,1%. Dễ nhận thấy, con số này không thay đổi nhiều với con số 6,9% của cuối tháng 9.
Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn còn chậm. Phần khác đến từ việc các nhà băng vẫn tiếp tục thắt chặt các tiêu chuẩn về tín dụng của khách hàng khi nợ xấu có dấu hiệu tăng lên. Rủi ro về bất động sản chưa được tháo gỡ. Doanh nghiệp ngày càng khó đạt các tiêu chuẩn vay vốn. Thách thức với tăng trưởng tín dụng các ngân hàng khá lớn.
Theo đó, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14 - 15% trong năm nay mà nhà điều hàng đưa ra từ đầu năm khó đạt được dù thanh khoản trên hệ thống khá dồi dào.
Theo báo cáo từ KBSV đánh giá, nhiều khả năng con số thực hiện được sẽ dừng lại ở 10 - 11%. Trong khi đó VNDirect nhận định, tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm sẽ được cải thiện. Mức dự báo mà công ty này đưa ra là trên 10% so với đầu năm nhờ vào các nguyên nhân: Định hướng giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp của NHNN, cầu tiêu dùng tăng nhờ vào tháng cuối năm.
Mirea Asset tiếp tục giữ nguyên kì vọng tín dụng tăng trưởng 12% trong năm 2023, dựa trên các yếu tố như lãi suất cho vay có thể giảm hơn; chi tiêu tiêu dùng và đầu tư công thường tăng tốc trong quý 4 và xuất khẩu khởi sắc, sản xuất trong nước dần sôi động.
Chỉ còn hai tháng nữa sẽ hết năm. Từ nay đến hết năm, với các biện pháp thúc đẩy khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp sẽ giúp tăng trưởng tín dụng của các nhà băng nói riêng và của nền kinh tế nói chung đi lên.
"Tuy vậy vẫn cần thêm thời gian để các biện pháp này phát huy tác dụng khi luôn tồn tại độ trễ giữa sự thay đổi mặt bằng lãi suất huy động và cho vay. Trong tháng 10, lãi suất huy động đã giảm thêm 30-50 điểm về mức lãi suất thấp hơn giai đoạn dịch bệnh", bà Lê Thu Hà, chuyên gia của VCBS nhận định.