Dự báo chứng khoán còn lình xình gây khó chịu, nhóm ngành nào sẽ dẫn sóng?
(DNTO) - Thị trường chứng khoán đã giảm nhiều và đang trong giai đoạn tích luỹ để chờ xu hướng mới. Thị trường được dự đoán sẽ trong trạng thái lình xình kéo dài, dao động khả năng trong biên độ hẹp nhưng gây nhiều khó chịu với nhà đầu tư.
Năm 2023, đỉnh chứng khoán đã đi qua
Thị trường chứng khoán trong nước đang trải qua một giai đoạn nhiều biến động. Tính đến hiện tại, chốt phiên sáng ngày 30/10, chỉ số VN-Index chỉ còn 1.053 điểm, tức đã giảm trên 15% so với mức 1.245 điểm, mức đỉnh thị trường đã đạt được trong tháng 9 vừa qua.
Thông thường sau khi tăng quá đà, thị trường chứng khoán điều chỉnh là hết sức bình thường, tuy nhiên theo ông Nguyễn Anh Đức, Giám đốc Khối dịch vụ chứng khoán khách hàng tổ chức, Công ty Chứng khoán SSI, tỷ lệ điều chỉnh trên có phần hơi nhiều và đang phản ánh những nỗi lo đang hiện hữu.
"Áp lực đến từ các vấn đề tỷ giá, tăng trưởng doanh nghiệp trong quý 3, tiêu dùng nội địa thêm vào đó là vẫn đề địa chính trị… Các vấn đề không thể giải quyết trong một sớm một chiều nên khiến thị trường bị chững lại", ông Nguyễn Anh Đức cho biết tại Toạ đàm Tìm động lực cho thị trường chứng khoán những tháng cuối năm diễn ra vào hôm nay, ngày 30/10.
Từ nay đến cuối năm, theo chuyên gia của SSI, chỉ số chung sẽ loanh quanh dao động trong khoảng 1.200 điểm. "Nhưng thị trường sẽ vui từ năm sau và khả năng có thể từ tháng 12 này trở đi", ông dự báo.
Dù tiềm năng của chứng khoán trong nước tương đối lớn nhưng ở ngắn hạn, nhà đầu tư vẫn phải đối mặt với tình trạng lình xình, gây khó chịu, thậm chí giảm điểm kéo theo áp lực bán giải chấp... sẽ làm quá đà giảm. Dù vậy, điểm tích cực theo nhìn nhận của ông là từ giờ thị trường chỉ còn giao động trong biên độ hẹp, điều này có nghĩa rủi ro không còn nhiều và được hỗ trợ bởi yếu tố, nhiều cổ phiếu đã được định giá hấp dẫn.
"Thị trường sẽ lình xình một thời gian khi các yếu tố xấu bớt xấu đi, được phản ánh vào giá hay các yếu tố mới tích cực xuất hiện", ông Đức chia sẻ.
Đồng quan điểm với ông Đức, ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia chứng khoán độc lập, cũng cho biết, từ nay đến cuối năm, theo kỳ vọng của ông, chỉ số VN-Index sẽ giữ từ 1.100 điểm tới 1.200 điểm và muốn vượt đỉnh của năm nay, VN-Index phải chờ tới năm sau và năm 2024, đỉnh mới khả năng sẽ vượt mức đỉnh năm 2023 đã đạt được.
"Thị trường cần có thời gian để đạt tầm cao mới", ông Khánh cho biết.
Nhóm ngành nào sẽ dẫn sóng?
Chia sẻ tạo toạ đàm, ông Khánh cho biết, trong ngắn hạn, nếu tìm một nhóm ngành có thể tạo sóng là rất khó, câu chuyện dành cho đường dài, trung và dài hạn. Theo ông, ngành công nghệ và ngành năng lượng "Xanh" sẽ là tâm điểm.
"Khi giá dầu được dự báo ngày càng tăng cao thì nhu cầu năng lượng thay thế cũng tăng lên vậy nên sẽ thúc đẩy cổ phiếu các công ty năng lượng sạch tăng theo", ông khuyến nghị.
Chuyên gia SSI, ông Nguyễn Anh Đức, cũng chung quan điểm khi cho rằng, để tìm được một nhóm ngành có thể nổi sóng trong ngắn hạn là rất khó bởi thị trường chưa thể tìm được một câu chuyện cụ thể nào.
"Trong trường hợp thị trường tăng điểm, nhóm ngành nào "nhạy cảm" hơn với dòng tiền sẽ cho nhiều kỳ vọng hơn. Khi đó, có thể kể đến nhóm chứng khoán dù giá không còn rẻ nhưng các công ty có lợi nhuận tốt, cộng thêm kỳ vọng từ hệ thống KRX, tiếp đó là nhóm cơ sở hạ tầng. Khi chính sách tiền tệ ít còn cơ hội nới lỏng, Chính phủ sẽ đẩy mạnh chính sách tài khoá, đẩy mạnh đầu tư công, điều này sẽ tạo hưng phấn với nhóm cổ phiếu liên quan", ông Đức phân tích.
Cũng theo ông Đức, nhóm dầu khí cũng có thể được lưu ý do liên quan đến chuỗi dự án Lô B Ô Môn.
Giai đoạn hiện tại, vị chuyên gia nhấn mạnh, điều cần lưu hiện nay là nhà đầu tư phải giữ được tỷ trọng tiền đủ tốt để hạn chế rủi ro có thể xảy ra, đồng thời chuẩn bị các cơ hội đầu tư mới.